Hội nghị tập huấn công tác thanh tra nhân dân năm 2024
(MPI) - Thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân năm 2024, ngày 19/11/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thanh tra nhân dân năm 2024 với nội dung về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
|
Ông Hoàng Văn Hà, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị tập huấn có bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ và các cán bộ công chức, viên chức tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư; điểm cầu trực tuyến tại cục thống kê các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Văn Hà, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập là vấn đề không mới, nhưng đến nay vẫn còn không ít cán bộ còn chưa nắm bắt đầy đủ quy định liên quan tới kiểm soát tài sản, thu nhập và đây cũng là nhiệm vụ có vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Hội nghị tập huấn nhằm mục tiêu phổ biến kiến thức pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, cán bộ là điều vô cùng cần thiết. Đây cũng là dịp để trao đổi, thống nhất phương pháp, cách làm và bổ sung kinh nghiệm thực tiễn cho các đơn vị thuộc Bộ để công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngày một hiệu quả hơn.
Hội nghị đã được nghe TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ chia sẻ về nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Hướng dẫn về kê khai tài sản thu nhập và xác minh tài sản thu nhập.
Sơ bộ về Luật phòng, chống tham nhũng gồm 10 chương 96 điều nhưng có hơn 20 điều về kiểm soát tài sản thu nhập. Có 12 hành vi tham nhũng nhưng 07 hành vi xử lý hình sự đó là Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong thi hành nhiệm vụ công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hạn ảnh hưởng với người khác; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
Có 6 biện pháp phòng ngừa tham nhũng như (1) Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động (2) Xây dựng, ban hành và thực hiện dịnh mức, tiêu chuẩn, chế độ (3) Quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn (4) Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn (5) Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và thanh toán không dùng tiền mặt (6) Kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Nội dung công khai, minh bạch thể hiện trong Điều 10 như cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân; Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định tại khoản này mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài nội dung công khai, minh bạch còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Trách nhiệm giải trình ở Điều 15 nêu rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật. Việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hướng dẫn kê khai, tài sản thu nhập có 7 vấn đề cần quan tâm: (1) Đối tượng, phạm vi, trách nhiệm kê khai tài sản thu nhập (2) Phương thức, thời điểm kê khai tài sản thu nhập (3) Tổ chức việc kê khai tài sản thu nhập (4) Công khai bản kê khai tài sản thu nhập (5) Xác minh tài sản và thủ tục xác minh (6) Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập (7) Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản thu nhập.
Các loại tài sản, thu nhập phải kê khai (Điều 35): Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng (2) Tài sản, tài khoản khác ở nước ngoài (3) Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá, động sản khác mà mỗi (loại) tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (4) Tổng thu nhập giữa hai lần kê khai.
Phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập (Điều 36) gồm Kê khai lần đầu; Kê khai bố sung; Kê khai hàng năm; Kê khai để phục vụ công tác cán bộ.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu, trao đổi thảo luận trực tiếp, nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để diễn giả tại Hội nghị đưa ra các giải đáp về những quy định, cập nhật kiến thức để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư