Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Đồng Nai

Tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đang có sự phục hồi khá rõ, đặc biệt là đầu quý 2, thể hiện đó là, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm và sang năm sau; nhiều Doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động với số lượng khá lớn, v.v… tình hình lạm phát trên thế giới trong xu hướng hạ nhiệt dần; Giá cả vật tư hàng hóa khá bình ổn; Thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn năm trước. Các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất chủ lực như: Chế biến gỗ, sản xuất điện tử, gia dày, may mặc, dệt v.v… Tuy nhiên sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa hết khó khăn, một số doanh nghiệp đơn hàng chưa nhiều, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn v.v…. vì vậy mặc dù sản xuất, kinh doanh có tăng trưởng nhưng mức tăng chưa cao. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa` bàn 6 tháng đầu năm 2024 như sau:

I. Tình hình kinh tế

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP):

Theo thông báo số liệu của Tổng Cục Thống kê; Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 122.941,06 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu Nghị Quyết đề ra (Mục tiêu cả năm 2024 từ 6,5-7%). Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 (6T/2023 tăng 4,01%). Với mức tăng chung 6,8% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,19%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã có sự phục hồi từ đầu quý 2/2024, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu, nuôi trồng thủy sản đạt tăng trưởng tích cực. Do đó dự ước 6 tháng đầu năm tăng khá. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng năm 2024 ước tăng 6,01% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 2,28%), đóng góp 3,12 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 7,37%, đóng góp 3,5 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,11%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,94%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 13,6%, làm giảm 0,46 điểm phần trăm. Sự sụt giảm của ngành sản xuất phân phối điện là nguyên nhân làm cho giá trị tăng thêm ngành công nghiệp thấp hơn giá trị sản xuất (thấp hơn 0,6%).

Ngành xây dựng tăng 17,57%, cao hơn so với tốc độ tăng 1,87% của 6 tháng 2023, đóng góp 0,79 điểm phần trăm. Sở dĩ ngành xây dựng tăng cao do trên địa bàn tỉnh đang thi công xây dựng các công trình trọng điểm như: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; 2 dự án điện Nhơn trạch 3 và 4 v.v…

Khu vực dịch vụ dự ước 6 tháng đầu năm tăng 8,12% đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm qua. Trong khu vực dịch vụ, hoạt động thương mại diễn ra sôi động, dịch vụ lưu trú và ăn uống và du lịch phục hồi, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng so cùng kỳ. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 như sau: Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 9,57%, đóng góp 0,61 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 13,29%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,6%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,25%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,8%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.

Thuế sản phẩm tăng 6,42%, đóng góp 0,56 điểm phần trăm. 6 tháng đầu năm do kinh tế có sự phục hồi, sản xuất kinh doanh tăng trưởng nên thu thuế cũng tăng khá so cùng kỳ, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,91%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 57,81% (Trong đó: Công nghiệp chiếm 53,62%); khu vực dịch vụ chiếm 25,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,11%.

2. Tài chính – Ngân hàng

a) Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2024 đạt 28.375,5 tỷ đồng, tăng 11,64% so với cùng kỳ, các khoản thu chủ yếu 6 tháng đầu năm tăng khá cao so cùng kỳ như: Thu nội địa ước đạt 19.280,11 tỷ đồng, tăng 12,33%. Trong đó: Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 1.662,75 tỷ đồng, tăng 13,94%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.957,92 tỷ đồng, tăng 18,06%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 3.250,31 tỷ đồng, tăng 18,58%; Thuế thu nhập cá nhân đạt 3.373,63 tỷ đồng, tăng 11,1%; Các khoản thu về nhà đất đạt 1.548,91 tỷ đồng, tăng 15,68%...; Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.105,48 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ.

Dự ước tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 20/6/2024 đạt 17.803,44 tỷ đồng, tăng 38,58% so cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 9.921,67 tỷ đồng, tăng 60,63%; Chi thường xuyên đạt 7.879,97 tỷ đồng, tăng 18,18% so cùng kỳ. Chi thường xuyên trong những tháng đầu năm 2024 về cơ bản đã đáp ứng đủ và kịp thời kinh phí cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo kinh phí thực hiện chi lương, chi trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời thực hiện tốt việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí ngân sách, chi ngân sách đúng tiêu chuẩn, định mức mà tỉnh đã ban hành.

b) Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/6/2024 đạt 325.815 tỷ đồng, tăng 1,54% so đầu năm. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.850 tỷ đồng, tăng 7,75%; Tiền gửi ước đạt 322.965 tỷ đồng, tăng 1,49% (trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 304.515 tỷ đồng, tăng 1,44%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 18.450 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm).

Dự ước đến 30/6/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 388.064 tỷ đồng, tăng 6,75% so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,88% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 7,22%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 386.534 tỷ đồng, tăng 6,81% so đầu năm (trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 241.510 tỷ đồng, tăng 10,04%; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 145.024 tỷ đồng, tăng 1,83%).

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng 2024 đầu năm 2024 đang từng bước phục hồi, đặc biệt từ đầu quý 2, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tăng khá, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến; chế tạo tăng trưởng phát triển ổn định và có xu hướng phát triển nhanh.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2024 tăng 1,95% so tháng trước, Trong đó: Khai khoáng giảm 3,77%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,64%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,74% (đây là mức tăng cao sau nhiều tháng giảm); Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,53%; Có 24/27 ngành sản xuất tăng so tháng trước như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 0,13%; sản xuất đồ uống tăng 0,51%; dệt tăng 1,69%; Sản xuất trang phục tăng 0,36%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,08%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,43%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,56%; sản xuất kim loại tăng 4,45%; sản xuất xe có động cơ tăng 2,13% …

- Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II năm 2024 tăng 9,93% so quý I/2024 và tăng 8,25% so với cùng kỳ. Trong đó: Khai khoáng tăng 7,81%; nhóm ngành chế biến, chế tạo tăng 8,27%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 59,86%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước giảm 0,19%.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,62% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,33%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,26%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 6,14%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 9,49%; 6 tháng đầu năm 2024 các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết tăng so cùng kỳ do năm nay đơn hàng của các doanh nghiệp tăng thuộc các ngành chế biến chế tạo tăng khá và có nhiều hợp đồng mới: Chế biến thực phẩm, đồ uống, Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc thiết bị v.v…

Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 4,47%, Sản xuất chế biến thực phẩm 5,69%; Dệt tăng 5,47%; May mặc tăng 6,94%; sản xuất hóa chất tăng 5,04%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,45; Sản xuất giường,tủ, bàn, ghế tăng 7,15%% v.v… một số ngành sản xuất khác như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,04%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,47%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 9,42%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,77%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 9,14% v.v…  Dự ước 6 tháng đầu năm 2024 có 26/27 ngành sản xuất chỉ số tăng so cùng kỳ; 01 ngành chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ đó là:  Sản xuất và phân phối điện, khí đột, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-6,14%) do Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn trạch 2 công xuất sản xuất 4 tháng đầu năm giảm nên ảnh hưởng đến chỉ số 6 tháng giảm so cùng kỳ.

- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước tháng 6 năm 2024 có 19/24 sản phẩm chủ yếu tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: Cà phê các loại đạt 37,2 ngàn tấn, tăng 0,81%; Bột ngọt đạt 25,8 nghìn tấn, tăng 3,2%; Thuốc lá sợi đạt 1.375 tấn, tăng 2%; Sợi các loại đạt 183,3 nghìn tấn, tăng 2%; Quần áo may sẵn đạt 22,5 triệu cái, tăng 0,90%; Giầy dép các loại đạt 37,9 triệu đôi, tăng 1,07%; Bao bì các loại đạt 19,4 nghìn tấn, tăng 2,65%, ...Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 có 20/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 9.584,2 nghìn m3, tăng 4,32%; Bột ngọt đạt 142,1 nghìn tấn, tăng 7,08%; Thuốc lá sợi đạt 7.912 tấn, tăng 8,85%; Sợi các loại 1.069,7 ngàn tấn, tăng 5,3%; Vải các loại 293,6 triệu m2, tăng 1,42%, quần áo may sẵn đạt 129,4 triệu cái, tăng 7,12%, giầy dép các loại 215,6 triệu đôi, tăng 1,32%, sản phẩm kim loại 231,5 ngàn tấn, tăng 10,34%; Giường, tủ, bàn, ghế đạt 5.536,5 nghìn chiếc, tăng 14,14%,… Nguyên nhân 6 tháng đầu năm 2024 hầu hết các ngành sản xuất đều tăng là do đơn hàng sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ; Thị trường trong nước đang có xu hướng tăng.

­4. Hoạt động xây dựng

6 tháng đầu năm 2024 tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát, xây dựng phương án, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động xây dựng; đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng công trình; nâng cao chất lượng thẩm định dự án, thiết kế công trình. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; Là địa phương hàng năm thu hút vốn đầu tư FDI nằm trong top đầu cả nước, do thuận lợi về nhiều yếu tố, trong đó yếu tố địa lý mang tính kết nối giao thông vùng, miền, cảng, biển… đã thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà ở dân cư tăng cao.

Dự ước 6 tháng đầu năm 2024 giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn (theo giá hiện hành) đạt 38.578,74 tỷ đồng, tăng 18,86% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà nước đạt 200,96 tỷ đồng, giảm 38,17%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 29.087,21 tỷ đồng, tăng 25,25%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.455,6 tỷ đồng, tăng 0,9%; Loại hình khác đạt 6.834,96 tỷ đồng, tăng 5,58%. Giá trị sản xuất phân theo loại công trình: Công trình nhà ở đạt 14.069,27 tỷ đồng, tăng 7,09%; Công trình nhà không để ở đạt 8.879,26 tỷ đồng, tăng 15,67%; Công trình kỹ thuật dân dụng đạt 10.963,5 tỷ đồng, tăng 45,28%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 4.666,7 tỷ đồng, tăng 13,95% so cùng kỳ.

5. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

Sáu tháng đầu năm 2024, Thời tiết thuận lợi, đến nay vụ Đông xuân đã thu hoạch xong, nên người dân tập trung xuống giống một số cây trồng vụ Hè thu; Đối với cây lâu năm người dân tiếp tục thu hoạch một số cây trồng lâu năm và tiến hành trồng mới cây lâu năm khi đã có những cơn mưa đầu mùa; Công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi luôn được các sở ban ngành địa phương quan tâm, triển khai các giải pháp phòng, chống sâu bệnh. Tuy nhiên do giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm cho giá thành sản phẩm hàng hóa nông sản tăng nên người sản xuất nông nghiệp chưa có lãi nhiều. 

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá SS 2010) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24.486,2 tỷ đồng, tăng 3,42% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 22.335 tỷ đồng, tăng 3,34% (trồng trọt tăng 2,8%; chăn nuôi tăng 3,59%; dịch vụ tăng 3,75%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 822,4 tỷ đồng, tăng 2,31%; Giá trị sản xuất thủy sản đạt 1.328,8 tỷ đồng, tăng 5,36%.

a) Nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến ngày 15/6/2024 đạt 95.861,3 ha, giảm 52,04 ha (-0,05%) so cùng kỳ. Trong đó: Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đạt 39.490,97 ha, giảm 44,44 ha (-0,11%) so với cùng kỳ. Trong đó: Nhóm cây lương thực đạt 24.477,36 ha, giảm 0,52% (diện tích lúa đạt 15.506,06 ha, tăng 1,53%; cây bắp đạt 8.971,3 ha, giảm 3,89%); Nhóm cây củ có bột đạt 4.431,8 ha, giảm 1,54%; Nhóm cây có hạt chứa dầu đạt 476,1 ha, giảm 1,79%; Nhóm cây rau, đậu các loại đạt 9.943,92 ha, giảm 1,22%; Nhóm cây hàng năm khác đạt 2.672,28 ha, tăng 10,5%. Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân giảm do người dân chuyển đổi một số cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, một số chân ruộng thiếu nước tưới người dân không gieo trồng. Bên cạnh đó một số diện tích giảm do nằm trong các dự án xây dựng, mở rộng hạ tầng đô thị như: công trình giao thông, công trình thoát nước, đập thủy lợi... được nhà nước thu hồi để thực hiện dự án.

Dự ước năng suất một số cây trồng chính trong vụ Đông Xuân năm 2024 so cùng kỳ như sau: Năng suất lúa đạt 66,62 tạ/ha, tăng 0,24%; Bắp đạt 89,63 tạ/ha, tăng 0,7%; Khoai lang đạt 112,62 tạ/ha, tăng 0,14%; Rau các loại đạt 170,04 tạ/ha, tăng 0,79%; đậu các loại đạt 14,16 tạ/ha, giảm 0,89%. Năng suất cây trồng vụ Đông Xuân tăng là do người dân xuống giống đúng vụ, chủ động nguồn nước tưới, thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh nên ít bị thiệt hại. Một phần do chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện phát triển hoặc bỏ trống không gieo trồng chờ vụ sau, bên cạnh đó người dân đã áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật như trồng những giống lúa, bắp mới có năng suất cao, đảm bảo được nguồn nước tưới cho cây trồng.

Dự ước sản lượng thu hoạch vụ Đông Xuân 2024 so với cùng kỳ như sau: Lúa đạt 103.294,18 tấn, tăng 1,78%; Bắp đạt 80.409,79 tấn, giảm 3,21%; Khoai lang đạt 900,96 tấn, tăng 27,16%; Đậu tương đạt 255,94 tấn, tăng 1,67%; Đậu phộng là 789,75 tấn, giảm 0,66%; Rau các loại đạt 95.653 tấn, giảm 0,84%; Đậu các loại đạt 1.680,75 tấn, tăng 1,45% so cùng kỳ.

b) Cây lâu năm

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.967,25 ha, tăng 390,55 ha (+0,23%) so cùng kỳ, trong đó: Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 91.686,28 ha, chiếm 53,94% so với tổng diện tích, giảm 0,01% so cùng kỳ (Điều đạt 27.777,31 ha, giảm 0,25%; Tiêu đạt 11.326,64 ha, tăng 0,01%; Cao su đạt 44.098,73 ha, giảm 0,05%; Cà phê đạt 5.903 ha, tăng 2,11%); Diện tích cây ăn quả là 78.280,97 ha, chiếm 46,06% tổng điện tích, tăng 0,52% so với cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích cây ăn quả tăng là do giá bán khá ổn định như chuối, mít, sầu riêng... và có thuận lợi là phù hợp với thổ nhưỡng đất nên người dân chuyển đổi một số diện tích cây hàng năm sang trồng cây ăn quả do đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dự ước sản lượng thu hoạch một số loại cây trồng chính trong 6 tháng đầu năm 2024 như sau: Xoài đạt 62.999 tấn, tăng 2,94%; Chuối đạt 109.254 tấn, tăng 20,59%; Thanh long đạt 4.475 tấn, tăng 2,83%; Cam đạt 4.145 tấn, giảm 5,15%; Bưởi 30.779 tấn, tăng 21,15%; Chôm chôm 104.839 tấn, tăng 1,71%; Điều đạt 43.045 tấn, giảm 0,2%; Hồ tiêu đạt 27.133 tấn, tăng 1,54%; Cao su mủ đạt 14.055tấn, tăng 3,4% so cùng kỳ.

c) Chăn nuôi

Tình hình hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Ngành Thú y tiếp tục triển khai cho các đơn vị kết hợp với các cơ quan chuyên môn chú trọng tới công tác tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là công tác tiêm phòng luôn được quan tâm, giám sát chặt chẽ; hướng dẫn các địa phương phải tập trung vào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát từ cơ sở chăn nuôi đến hoạt động vận chuyển, kinh doanh, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương và các đầu mối lưu thông. Do đó trong tháng tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có phát sinh nhưng chỉ ở thể nhẹ và được phòng chống kịp thời, không phát sinh thành dịch. Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 6/2024 là 2.316.438 con, giảm 6,14% so cùng kỳ. Trong đó: Đàn trâu đạt 3.988 con, tăng 5,64%; Bò đạt 108.382 con, tăng 0,35%; Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt trâu, bò phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, giá thịt hơi của trâu, bò ổn định, nên các hộ chăn nuôi đầu tư thêm con giống để nuôi, bên cạnh đó người dân cũng cải tạo đàn bò theo hướng thịt nhằm tăng thu nhập trong chăn nuôi. 

Đàn heo đạt 2.204.068 con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 6,45% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo giảm là do giá heo hơi nhưng tháng đầu năm ở mức thấp, tuy có tăng nhưng không nhiều nên phần nào ảnh hưởng tâm lý của người chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ, chi phí đầu vào tăng cao và chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi hiện đang cao so với trước khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện theo lộ trình đến năm 2025 tại các địa phương, một số huyện có số lượng chăn nuôi heo lớn như Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc tiến hành rà soát các khu vực chăn nuôi, kiên quyết di dời hoặc nghiêm cấm các hộ, trang trại chăn nuôi do chưa đảm bảo được về môi trường dẫn đến tổng đàn giảm. 

Tổng đàn gia cầm hiện có là 24.261,53 nghìn con, giảm 1,38% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 21.706,7 nghìn con, giảm 1,34%. Đàn gà giảm là do một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn do không đảm bảo được vệ sinh môi trường, dẫn đến nhiều trang trại bỏ trồng hoặc chờ xử lý môi trường mới tiếp tục đầu tư thả nuôi.

b) Lâm nghiệp

Tình hình lâm phận, sản xuát trồng rừng và chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trên toàn tỉnh ổn định, các ngành chức năng phối hợp địa phương quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản, giống cây trồng lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng được duy trì và tăng cường; trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ vi phạm lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng; các kế hoạch, dự án được thực hiện đúng tiến độ đề ra. Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp tương đối hợp lý và có hiệu quả, rừng trồng sinh trưởng phát triển ổn định, đảm bảo chức năng phòng hộ, chống xói mòn, xạt lở, cố định đất, bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan thiên nhiên. Dự ước diện tích rừng trồng mới trong tháng 6/2024 đạt 774,3 ha, tăng 11,7 ha (+1,53%) so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024 diện tích rừng trồng mới ước đạt được 1.9763,8 ha, tăng 22,24 ha (+1,14%) so với cùng kỳ. 

c) Thủy sản

Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 6/2024 đạt 7.855,42 tấn, tăng 7,34% so cùng kỳ; lũy kế 6 tháng ước đạt 39.672,71 tấn, tăng 4,93% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng khai thác 6 tháng đạt 3.970,77 tấn, giảm 0,39% (sản lượng cá ước đạt 3.447,91 tấn, giảm 0,22%; tôm đạt 257,5 tấn, giảm 2,17%; thủy sản khác đạt 265,36 tấn, giảm 0,81%). Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 35.701,94 tấn, tăng 5,56% so cùng kỳ (sản lượng cá ước đạt 29.942,43 tấn, tăng 5,62%; tôm đạt 4.913,76 tấn, tăng 5,91%; thủy sản khác đạt 845,75 tấn, tăng 1,57% so cùng kỳ). Nguyên nhân tăng là do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội ngày một tăng, sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, giá bán sản phẩm thủy sản tăng cao, do đó mà nhiều hộ gia đình chủ động mở rộng diện tích nuôi trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc con giống, vật nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh, nên sản lượng thủy sản 6 tháng năm 2024 tăng khá so cùng kỳ.

6. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

6.1. Thương mại dịch vụ

Hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định ở tất cả các ngành và sôi động hơn vào dịp cuối năm, dịp nghỉ lễ tăng; giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường khá ổn định. Mặt khác, kinh tế từng bước phục hồi, thu nhập dân cư tăng góp phần tăng sức mua trên thị trường xã hội, do đó hoạt động thương mại dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2024 ước đạt 23.778,41 tỷ đồng, tăng 1,78% so tháng trước và tăng 11,81% so tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 143.950,4 tỷ đồng, tăng 12,38% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 8.240,2 tỷ đồng, tăng 12,15%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 132.159,68 tỷ đồng, chiếm 91,8% tổng mức bán lẻ và tăng 12,33% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 3.550,5 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Phân theo ngành hoạt động như sau:

a) Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 6 ước đạt 16.762,68 tỷ đồng, tăng 1,93% so với tháng trước. Quý II năm 2024 ước đạt 49.366,7 tỷ đồng, tăng 8,05% so với quý cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 102.735,7 tỷ đồng, tăng 11,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cac nhóm hàng có mức tăng cao so cùng kỳ là: Hàng lương thực tăng 5,54%, hàng may mặc tăng 10,89%, đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng 5,95%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 12,57%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,72%, xăng dầu các loại tăng 20,67% ...

b) Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Dự ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 6 ước đạt 2.670,3 tỷ đồng, tăng 1,03% so với tháng trước. Ước tính quý 2 năm 2024 đạt 7.923,8 tỷ đồng, tăng 20,28% so với quý cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 15.729,1 tỷ đồng, tăng 20,51% so cùng kỳ, trong đó: Doanh thu lưu trú tăng 21,1%; Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 20,51%.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 6 ước đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 8,74% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng ước đạt 46,3 tỷ đồng, tăng 26,85% so cùng kỳ. 

c) Hoạt động dịch vụ

Doanh thu dịch vụ tháng 6 năm 2024 ước đạt 4.337,1 tỷ đồng, tăng 1,67% so với tháng trước và tăng 15,24% so với tháng cùng kỳ. Quý II năm 2024 ước đạt 14.433,3 tỷ đồng, tăng 7,06 so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng ước đạt 25.439,4 tỷ đồng, tăng 13,07% so cùng kỳ. Một số ngành kinh doanh dịch vụ tăng so với cùng kỳ như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 14,91%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 8,52%; dịch vụ Giáo dục và Đào tạo tăng 7,25; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 19,42%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 12,31%.

6.2. Giá cả thị trường

Tháng 6 năm 2024 tình hình giá cả nhiều mặt hàng tương đối ổn định và có mức tăng nhẹ so với tháng trước. Trong tháng, giá cả nhiều mặt hàng tăng, giảm đen xen; giá heo hơi ở các khu vực trong tỉnh tăng cao do nguồn cung và nhu cầu tăng, ngược lại giá các mặt hàng xăng, dầu giảm do ảnh hưởng của giá thế giới; giá gas tháng giảm nhẹ so với tháng trước... là nguyên nhân chính làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2024 tăng 0,06% so với tháng trước trong đó: khu vực thành thị tăng 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,04%. Diễn biến một số nhóm hàng hoá chính trong tháng như sau:

- So với tháng trước:

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 05 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng; có 03 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm; 03 nhóm hàng ổn định so với tháng trước.

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,89% đóng góp vào mức tăng chung của CPI là (+0,29%). Trong đó: Lương thực tăng 0,24%. Nguyên nhân do tình hình xuất khẩu gạo trong nước có nhiều thuận lợi làm cho giá lúa gạo trong nước tăng so với tháng trước, mặt khác thời tiết vào mùa mưa nên chi phí bảo quản tăng, sản lượng lúa thu hoạch vụ Đông Xuân trong dân cũng không còn nhiều làm cho giá lương thực tăng so với tháng trước, trong đó giá gạo tẻ thường tăng 0,28%; gạo tẻ ngon tăng 0,58%; gạo nếp tăng 0,52%.

Giá thực phẩm tháng 6 tăng 1,41% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả sản lượng thu hoạch thấp do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi mưa nhiều nên nhiều diện tích rau xanh bị hư hại các mặt hàng rau tươi, khô và chế biến tăng 3,05% so với tháng trước trong đó cà chua tăng 6,93%; bắp cải tăng 6,69%; quả đỗ tươi tăng 4,42%;... giá heo hơi trong tháng tiếp tục tăng do nguồn heo thịt cung cấp cho thị trường giảm vì thời gian qua nhiều chủ trang trại không tái đàn do lo ngại giá heo hơi giảm mạnh, mặt khác UBND tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện chủ trương di dời nhiều trang trại nuôi heo đến địa điểm khác để chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường nên sản lượng heo chăn nuôi trong tỉnh giảm. Hiện tại giá heo hơi trong tháng 6 dao động trong khoảng 65.000đồng/kg đến 69.000 đồng/kg tuỳ theo địa bàn; giá các mặt hàng thịt gà tăng 0,58% so với tháng trước…

- Văn hóa, giải trí và du lịch (+5,86%) đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,36%. Đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất trong tháng, nguyên nhân chủ yếu là thời điểm học sinh bắt đầu kỳ nghỉ hè nên nhu cầu giải trí và tham quan du lịch tăng cao so tháng trước.

Có 03 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm là:

- Nhà ở điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-1,63%), làm giảm mức tăng chung của CPI là 0,32% do các nguyên nhân chủ yếu sau: do bắt đầu vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện, nước giảm so với tháng trước làm cho doanh thu của mặt hàng điện trong tháng giảm bình quân 7,98%; nước sinh hoạt giảm 0,24% so với tháng trước. Giá vật liệu bảo dưỡng và sửa chữa nhà giảm nhẹ so với tháng trước; các mặt hàng gas giảm 0,69%; giá dầu hoả giảm 0,43% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá thế giới hiện giá dầu hoả đang ở mức 19.963 đồng/lít.

- Giao thông (-2,53%) làm giảm mức tăng chung của CPI là 0,26%, nguyên nhân do giá các mặt hàng xăng, dầu điều chỉnh giảm làm cho nhóm nhiên liệu bình quân giảm 5,46% so với tháng trước trong đó xăng giảm 6,09%; dầu Diezel giảm 1,11%. Các mặt hàng phương tiện đi lại tăng 0,02%; phụ tùng tăng 0,42%; dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,16% so với tháng trước nguyên nhân là do giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 1,3%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 2,04%.

- Hàng hoá dịch vụ khác (-0,15%).

- Các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,01 – 0,05%. Các nhóm có chỉ số giá không biến động là Văn hóa, giải trí và du lịch; Bưu chính viễn thông và Giáo dục.

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 6/2024 tăng 3,12% so với tháng 6/2023. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,03%; tăng thấp nhất nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,01%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,09%.

Chỉ số giá bình quân 6 tháng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 09 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (+9,06%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+7,81%); Giao thông (+3,43%); Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+2,78%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,76%); Giáo dục (+2,13%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,43%); Đồ uống và thuốc lá (+0,67%). Có 02 nhóm chỉ số giá giảm là giao thông giảm 1,27%; bưu chính viễn thông giảm 0,21%; May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,02%.

- Giá vàng tháng 6 giảm 1,85% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 32,94%; so với tháng 12/2023 tăng 20,55%. Bình quân 6 tháng năm 2024 tăng 26,22% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 giảm 0,18% so tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 8,05%; so với tháng 12 năm trước tăng 3,69%. Bình quân 6 tháng so cùng kỳ tăng 6,4%.

6.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 có chuyển biến tích cực, do sự phục hồi của thị trường thế giới, đơn hàng xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đối mặt với những thách thức như: Tác động của xung đột chính trị và sự lên giá của đồng USD; một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường. Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tự do (FTA) có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong thương mại, nhưng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu… Trước khó khăn đó các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, chú trọng khai thác thị trường nội địa và tận dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) tìm kiếm, tiếp cận đa dạng các thị trường để phát triển. Vì vậy 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng khá.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt 2.052,7 triệu USD, tăng 3,77% so với tháng trước và tăng 9,87% so tháng cùng kỳ. So với tháng trước hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng như: Hạt điều nhân (+2,28%); cà phê (+6,74%); cao su (+2,54%); Sản phẩm gỗ (+12,34%); Hàng dệt may (+2,39%); Giày dép các loại (+2,72%); Máy vi tính (+1,91%); Xơ, sợi (+1,63%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (+3,68%) …

Tính chung 6 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 11.343,7 triệu USD, tăng 9,05% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước tăng 3,5%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 7,88%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,61% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 6 tháng tăng khá so cùng kỳ như: Hạt điều nhân (+39,85%); cà phê (+41,79%); Sản phẩm gỗ (+13,99%); Hàng dệt may (+4,46%); Giày dép các loại (+8,24%); Máy vi tính (+11,27%); Xơ, sợi (+7,39%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (+5,68%) …

Thị trường xuất khẩu 6 tháng tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 3.422,2 triệu USD, chiếm 30,17%; Nhật Bản đạt 1.101,9 triệu USD, chiếm 9,71%; Trung Quốc đạt 1.111,2 triệu USD, chiếm 9,8%; Hàn Quốc ước đạt 624 triệu USD, chiếm 5,5%...

Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 năm 2024 ước đạt 1.637,56 triệu USD, tăng 1,42% so tháng trước và tăng 17,13% so tháng cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 8.277,04 triệu USD, tăng 7,13% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng cao trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng, có dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế; do đơn hàng sản xuất tăng nên doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cho thấy sản xuất công nghiệp có sự phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu 6 tháng so cùng kỳ như: Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 4,75%; SP Hóa chất tăng 16,61%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 10,69%; Cao su tăng 9,92%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 12,63%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 16,71%; Vải các loại tăng 10,46%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày tăng 25,69%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 37,89%...

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh, ước 6 tháng đạt 2.589 triệu USD, chiếm 31,28%; Hàn Quốc ước đạt 1.116,6 triệu USD, chiếm 13,49%; Nhật Bản ước đạt 588,4 triệu USD, chiếm 7,11%; Hoa Kỳ đạt 529,3 triệu USD, chiếm 6,4%...

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất siêu trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.066,7 triệu USD. Bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 511 triệu USD.

6.4. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2024, đã phục hồi và tăng trưởng khá; bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có nhiều dự án xây dựng trọng điểm quốc gia đang tập trung triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm, nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, giá trị xuất nhập khẩu trong tháng tăng nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi, bốc xếp tăng. Những nguyên nhân trên làm cho doanh thu và sản lượng nhóm dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ kho bãi, bốc xếp và dịch vụ bưu chính chuyển phát tăng nên đã tác động đến doanh thu của toàn ngành vận tải trong tháng 6 năm 2024 tăng so với tháng trước.

Doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 6 năm 2024 ước đạt 3.147,8 tỷ đồng, tăng 0,76% so tháng trước và tăng 16,18% so cùng tháng năm trước. Quý II năm 2024 ước đạt 9.484,8 tỷ đồng, tăng 16,59% so với quý cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19.008,7 tỷ đồng, tăng 15,74% so cùng kỳ. Cụ thể:

Vận chuyển hành khách trong tháng 6 ước đạt hơn 6,9 triệu lượt khách, giảm 1,8% so tháng trước và tăng 12,84% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng vận chuyển hành khách ước đạt 43,5 triệu lượt khách, tăng 10,65% so cùng kỳ. Luân chuyển hành khách tháng 6 ước đạt 413 triệu HK.km giảm 1,77% so tháng trước và tăng 14,73% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng ước đạt 2.584,8 triệu HK.km tăng 10,68% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hành khách 6 tháng ước đạt 2.487 tỷ đồng, tăng 16,42% so cùng kỳ.

​Vận tải hàng hóa tháng 6 ước đạt 7,9 triệu tấn, tăng 1,06% so với tháng trước và tăng 14,31% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng ước đạt 47,76 triệu tấn, tăng 18,07% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa tháng 6 ước đạt 532,2 triệu tấn.km, tăng 11,35%. Lũy kế 6 tháng vận tải hàng hóa ước đạt 4.091,4 triệu tấn.km, tăng 14,56% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hoá 6 tháng ước đạt 10.918,6 tỷ đồng, tăng 16,73% so cùng kỳ.

- Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 06 ước đạt 933,7 tỷ đồng tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 13,91% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng ước đạt 5.603,2 tỷ đồng, tăng 13,58% so cùng kỳ. ​

- Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng 6 ước đạt 21,8 tỷ đồng tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 10,85% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 131 tỷ đồng, tăng 14,56% so cùng kỳ. 

7. Vốn đầu tư phát triển

Dự ước vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn tỉnh quý II năm 2024 thực hiện 29.987,2 tỷ đồng, tăng 10,4% so với quý I/2024 và tăng 12,59% so cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 2.798,9 tỷ đồng, tăng 32,63%; vốn ngoài nhà nước đạt 13.220,1 tỷ đồng, tăng 6,95%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 13.117,7 tỷ đồng, tăng 9,11% so quý I/2024.

Dự ước 6 tháng đầu năm 2024 tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 57.148,8 tỷ đồng, tăng 11,29% so cùng kỳ, trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 4.909,2 tỷ đồng, tăng 18,74%; vốn ngoài nhà nước đạt 25.581,2 tỷ đồng, tăng 9,8%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 25.140,3 tỷ đồng, tăng 11,97%. Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư tăng do bước sang năm 2024 kinh tế có sự phục hồi đáng kể; Sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng nhà xưởng và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm tài sản cố định v.v… Đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước năng động, có tiềm lực phát triển nhanh, nguồn vốn đầu tư thực hiện của khu vực này tăng trưởng trong những năm gần đây, giúp nâng cao năng lực nội sinh của sự phát triển nền kinh tế. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn năng động trong việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dự ước 6 tháng đầu năm tăng cao (+11,29%) do nhiều dự án khởi công xây dựng, mặt khác các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tăng qui mô năng lực sản xuất. 

8. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Đến ngày 20/6/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng 926,15 triệu USD, tăng 48,61% so với cùng kỳ, trong đó: cấp mới 47 dự án với tổng vốn đăng ký 565,17 triệu USD, tăng gấp 5,2 lần so cùng kỳ và 54 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 360,98 triệu USD, giảm 29,83% so cùng kỳ.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn khoảng 11.386,159 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: cấp mới 05 dự án và 02 dự án được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư thông qua đấu thầu, với tổng vốn đăng ký là 5.474,35 tỷ đồng; có 10 dự án tăng vốn, với số vốn đăng ký bổ sung là 5.911,81 tỷ đồng; không có dự án giảm vốn.

Tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn đến ngày 15/6/2024 là 35.087 tỷ đồng, tăng 41,53% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó: có 1.863 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 13.927 tỷ đồng, tăng 20,62%; và 515 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung khoảng 21.160 tỷ đồng, tăng 59,76% so cùng kỳ. Ngoài ra có 721 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, giảm 18,35% so với cùng kỳ năm 2023.

II. Một số tình hình xã hội

1. Văn hóa, thể thao

6 tháng đầu năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh bằng nhiều hình thức: thực hiện bộ maket tuyên truyền, treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ nội dung, cờ phướn, băng rôn, pano, tranh cổ động…. Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã tổ chức dàn dựng và biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, trong đó có biểu diễn phục vụ công tác đối nội, đối ngoại của tỉnh như: biểu diễn theo hình thức livestream tại Sân khấu Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh; Biểu diễn phục vụ các huyện, thành phố trong tỉnh và vùng sâu, vùng xa. Tổng số buổi biểu diễn 181 buổi, phục vụ cho khoảng 136.500 lượt người xem.

Hoạt động thể thao tập trung tổ chức và tham gia các giải: Tổ chức 07 giải thể dục thể thao quần chúng; Tổ chức 01 giải quốc gia và 10 giải tỉnh; Tham gia 05 giải quốc tế, 44 giải quốc gia, 06 giải Cụm, khu vực, mở rộng, đạt được 237 huy chương các loại (64 HCV, 83 HCB, 90 HCĐ).

  2. Y tế

* Tình hình dịch bệnh: Tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, các đơn vị y tế thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và hóa chất đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. ​Trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 875 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 39,78% so cùng kỳ, có 01 ca tử vong; Tay chân miệng ghi nhận 11.906 ca mắc, gấp 1,14 lần  so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong; Uốn ván sơ sinh ghi nhận 01 ca, tử vong 01 ca; Uốn ván khác ghi nhận 04 ca, tăng 02 ca so cùng kỳ, không có ca tử vong; Ho gà ghi nhận 02 ca, tăng 02 ca so cùng kỳ; Bệnh dại ghi nhận 16 ổ dịch, tăng 13 ổ so cùng kỳ; Bệnh đậu mùa Khỉ ghi nhận 03 ca. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, sốt rét, tả, thương hàn, cúm.... không ghi nhận trường hợp mắc.

3. Giáo dục

Trong 6 tháng đầu năm tổ chức thành công kỳ các kỳ thi: Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024: có tổng số 59 học sinh đạt giải/100 học sinh dự thi; Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh: có tổng số 2.457 học sinh đạt giải; Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025: diễn ra vào ngày 06 - 07/6/2024 với 26.374 thí sinh dự thi tại 41 hội đồng thi (trong đó có 2.386 học sinh dự thi vào trường THPT chuyên Lương Thế Vinh). Tổ chức 04 đoàn thanh tra lưu động công tác coi thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các hội đồng thi trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã hoàn tất công tác chấm thi, công bố kết quả điểm thi. Tiếp tục thu nhận hồ sơ phúc khảo và tổ chức chấm phúc khảo thi.

Chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Tổ chức các hội nghị tập huấn về hướng dẫn nhiệm vụ và công bố Quyết định thành lập các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tiếp tục phối hợp tốt với các sở ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo lịch của Bộ GDĐT (Tổng số thí sinh: 34.088 thí sinh đăng ký dự thi ở 62 địa điểm thi trong toàn tỉnh).

4. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Giải quyết việc làm: Trong tháng 5 tháng đầu năm 2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 42.675 lượt người, đạt 53,34% kế hoạch năm, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2023.

Đào tạo nghề: Trong 6 tháng đầu năm có 31.701/60.000 người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, đạt 52,84% kế hoạch năm 2024 và tăng so với cùng kỳ năm 2023 là 0,59%. Tỷ lệ tuyển sinh 2.720/17.500 học viên đào tạo từ trung cấp trở lên, đạt 15,54% kế hoạch năm. Tỷ lệ tuyển mới từ trình độ Trung cấp, Cao đẳng là 2.720/34.378 người, đạt 29% kế hoạch năm.​

Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai