Trả lời kiến nghị của cử tri

Nội dung kiến nghị (số 1 tại văn bản số 942/BDN): Việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn gặp khó khăn và hạn chế do kết cấu hạ tầng - xã hội của tỉnh chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khá lớn, khó thu hồi, mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nghiên cứu nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nên hầu hết các cụm công nghiệp đều chưa có quỹ đất sạch, ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện đề án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị chuyển vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2020 - 2030. Do đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hằng năm bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các địa phương từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào cụm công nghiệp, cụ thể như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước đến hàng rào cụm công nghiệp của các tỉnh có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp.

Trả lời:

Điểm d khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, cụm công nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực được bố trí vốn đầu tư công. Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ quy định: “Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước; Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp”. Do vậy, việc sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền của địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư