Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh
Nội dung kiến nghị (số 18 tại văn bản số 8502/VPCP-QHĐP):
a) Hiện nay, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, có nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng vẫn trong tình trạng “treo”, không có tiến độ rõ ràng, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tác động trực tiếp đến đời sống của người dân khu vực có dự án loại này; do đó cử tri tiếp tục kiến nghị cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí này.
b) Cử tri quan tâm đối với việc sử dụng nguồn lực công một cách hiệu quả và bền vững, đặc biệt là đối với dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Cử tri kiến nghị Chính phủ nên huy động đa dạng nguồn lực để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trả lời:
a) Các dự án được phê duyệt trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách trung ương đã được các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện trong kế hoạch trung hạn; các dự án phê duyệt mà chưa xác định được nguồn vốn là hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công (quy định tại Luật Đầu tư công). Do đó, đề nghị các địa phương có dự án đã được phê duyệt nhưng vẫn trong tình trạng “treo” rà soát tình trạng, tiến độ của các dự án này và chịu trách nhiệm về việc gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
b) Ngày 28/02/2023, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị ban hành chủ trương về việc triển khai đường sắt tốc độ cao: đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang); trước năm 2045, hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Sau khi chuẩn bị Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết; nêu rõ đường sắt tốc độ cao là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để huy động nguồn lực hợp pháp triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam; giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư Dự án.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Về nguồn vốn cho Dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035. Trong quá trình thực hiện Dự án, Chính phủ sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, bao gồm cả việc huy động các nguồn vốn vay trong nước, ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 và Kết luận của Bộ Chính trị; xem xét lựa chọn các nguồn vốn phù hợp nhằm mục tiêu tối ưu hóa nguồn lực trong nước, hiệu quả kinh tế của Dự án và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn về nợ công trong từng thời kỳ. Một số hạng mục như thiết bị, phương tiện có thể sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nếu có chi phí vay rẻ, ít điều kiện ràng buộc sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng nguồn vốn này. Vốn trong nước có thể dùng để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà ga, depot./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư