Tiếp tục duy trì, phát huy đà tăng trưởng và sự phục hồi chung của nền kinh tế
(MPI) – Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra chiều ngày 15/7/2024, các đại biểu đã được nghe Báo cáo tham luận về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025.
 |
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Theo đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa qua, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5%. Các kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công tác tổng hợp, tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công năm 2025, đó là phải tiếp tục duy trì, phát huy đà tăng trưởng và sự phục hồi chung của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong năm 2025. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công năm 2025 phải được xây dựng gắn với tư duy, tầm nhìn phát triển mới, đột phá, khung khổ thể chế, pháp luật mới cho phát triển.
Đồng thời, cần có các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, mạnh mẽ để khai thác tối đa, hiệu quả các cơ hội, thuận lợi, nguồn lực đầu tư cho phát triển, góp phần đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm đã đề ra và tạo đà cho giai đoạn 2026-2030. Chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả với biến động của tình hình thế giới, khu vực, khai thác cơ hội cho tăng trưởng và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới theo xu thế toàn cầu. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển. Tiếp tục chú trọng, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Từ những vấn đề lớn đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế và đầu tư công năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý một số vấn đề, cụ thể:
Về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021-2025, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2026-2030, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn và chủ động xây dựng dự thảo đề cương Báo cáo, gửi các bộ, ngành, địa phương để bổ sung, cập nhật thông tin, số liệu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Các bộ, ngành, địa phương cần bảo đảm chất lượng, tiến độ báo cáo, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 7.
Nội dung báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần tập trung thể hiện sâu sắc 5 nhóm vấn đề sau:
Thứ nhất, đánh giá khách quan, thực chất tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các địa phương và các ngành, lĩnh vực các tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024, bảo đảm bám sát kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong đó, cần nhận định, đánh giá rõ kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu, việc khai thác và phát triển các động lực tăng trưởng mới; các giải pháp, nhiệm vụ cần triển khai trong các tháng cuối năm.
Ngành Thống kê cần bảo đảm thông tin, số liệu cập nhật, kịp thời, làm tốt công tác phân tích, đánh giá xây dựng kịch bản phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, dự báo bối cảnh, tình hình năm 2025, những yếu tố thuận lợi, thời cơ, cơ hội, khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các ngành, lĩnh vực, các địa phương.
Thứ ba, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm tính khả thi, dễ so sánh, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của bộ, ngành, địa phương, có tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, mang tính trọng tâm đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, xây dựng các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi nhưng cũng cần đột phá, quyết liệt, phát huy mạnh mẽ tinh thần cải cách, đổi mới sáng tạo, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương. Nhất là, cần xác định rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, yêu cầu để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Cần phát huy kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong năm 2024, nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp nhạy bén, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; thúc đẩy phát triển kinh tế số, sản xuất chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… tạo ra hướng đi mới, động lực mới cho phát triển. Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, phấn đấu đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo đà cho giai đoạn 2026-2030.
Thứ năm, công tác quy hoạch cả nước, các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương đến nay đã cơ bản hoàn thành. Kế hoạch năm 2025 phải được xây dựng gắn với việc tổ chức thực hiện quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cần triển khai trong các giai đoạn và năm 2025 nói riêng.
 |
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Về xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025
Năm 2025 là năm nước rút để “về đích” kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; cũng là năm tạo đà cho giai đoạn 2026-2030, chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn sau.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025. Nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm 2024 và xây dựng kế hoạch năm 2025 cần bảo đảm các yêu cầu:
Một là, tập trung đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công 06 tháng năm 2024, ước giải ngân cả năm, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, đường ven biển, đường cao tốc, dự án kết nối, liên kết vùng, có tác động lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tình hình sử dụng vốn từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, 2022, 2023.
Thông qua đó, đánh giá chính xác, nêu bật các kết quả đạt được, tính khả thi và dự kiến mức độ hoàn thành kế hoạch so với mục tiêu được giao; làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024, phân tích nguyên nhân để có cơ sở khắc phục trong những năm tiếp theo.
Hai là, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 thực hiện đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg.
Theo đó, các bộ, cơ quan và địa phương cần xác định rõ mục tiêu, khả năng huy động và cân đối nguồn vốn, thứ tự ưu tiên bố trí vốn, khả năng thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, không phân bổ hết nguồn vốn được giao; chỉ đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án dự kiến đến 31/12/2024 hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Lưu ý bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; hoàn trả đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bố trí đủ vốn cho dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, bố trí đủ vốn từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, 2022, 2023 cho các dự án được sử dụng nguồn vốn này, bố trí đủ vốn theo tiến độ cho các dự án đường cao tốc, dự án đường ven biển, dự án trọng điểm, các dự án đường liên vùng của địa phương.
Ba là, chuẩn bị tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2024 để có thể phân bổ chi tiết và giải ngân ngay sau khi được giao vốn kế hoạch năm 2025, không để tình trạng “vốn chờ dự án”.
Bốn là, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao; chủ động có phương án xử lý, điều chỉnh khi dự án gặp vướng mắc, không thể giải ngân hết vốn kế hoạch được giao.
Năm là, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030; chủ động nghiên cứu, đề xuất bố trí đầy đủ nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để có thể nhanh chóng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đặc biệt là đối với các dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm nhưng vẫn bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ với các quy định về ngân sách nhà nước, đất đai, xây dựng ... và phù hợp với yêu cầu thực tế.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030, đảm bảo công khai, minh bạch, dành nguồn lực lớn để triển khai những nhiệm vụ, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án có tính chất liên kết vùng, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói chung sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo, xây dựng kế hoạch cũng như trong công tác tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024, năm 2025, góp phần thực hiện đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 05 năm 2021-2025 và tạo đà cho giai đoạn phát triển 2026-2030./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư