Độc lập, tự chủ về công nghệ để xây dựng nền kinh tế độc lập và vững mạnh
(MPI) - Trên đây vấn đề được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư nhấn mạnh tại Họp báo Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 31/5/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại buổi Họp báo. Ảnh: MPI |
Trả lời câu hỏi được phóng viên quan tâm tại buổi Họp báo về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng khi hiện nay giá xăng dầu đang có dấu hiệu tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và có thể tạo sức ép về lạm phát, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đây là một nội dung sẽ được tập trung thảo luận tại Hội thảo chuyên đề phiên 3 của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, dự kiến tổ chức vào ngày 05/6/2022.
Thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải độc lập, tự chủ về công nghệ. Hiện nay, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn để đáp ứng Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tuy còn chậm so với mục tiêu đặt ra. Vì vậy, việc thảo luận về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ khẳng định được ý nghĩa trong việc xây dựng nền kinh thế độc lập, tự chủ.
Trong các chính sách, chủ trương của Đảng và các giải pháp điều hành của Chính phủ, vấn đề về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang được thực hiện quyết liệt. Dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm qua đã cho thấy, khoa học, công nghệ và chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tốc độ chuyển đổi của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đang diễn biến nhanh trên Thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần tiến lên để kịp thời bắt kịp.
Về việc đứt gãy chuỗi cung ứng của nền kinh tế, dịch COVID-19 đã khiến hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng và nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì việc ổn định chuỗi cung ứng cần được đặc biệt lưu ý. Hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp trên Thế giới đều chuyển hướng sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp thì việc ổn định chuỗi cung ứng phải được duy trì.
Đề xuất về các kiến nghị trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất và kinh doanh.
Từ đầu năm 2021, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế và thông qua nhiều chính sách xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp, điều chỉnh và có đề xuất các kiến nghị mới. Ảnh hưởng từ lạm phát, giá cả tăng và căng thẳng địa chính trị đã khiến tăng tưởng kinh tế Thế giới giảm và mức độ phục hồi kinh tế chậm lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế và các bên liên quan để tạo triển vọng tốt đẹp hơn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng trưởng của Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ ý kiến và quan điểm của các bộ, ngành trung ương, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện một số tổ chức quốc tế. Một trong những vấn đề mang tính tổng thể và dài hạn trong phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới là xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, như đã xác định trong mục tiêu tổng quan của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư