Tọa đàm góp ý về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
(MPI) - Ngày 05/7/2022, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức Tọa đàm góp ý về Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Duy Đông, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, phát triển khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đều khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”.
Luật HTX năm 2012 đã thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của HTX trên thế giới và bước đầu đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Số lượng HTX không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 cho thấy, phát triển khu vực kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, yếu kém như khu vực kinh tế tập thể còn thiếu đa dạng các loại hình, đa số quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế; công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực này còn nhiều bất cập; nhận thức về khu vực kinh tế tập thể còn chưa thống nhất, chưa đầy đủ.
Phong trào HTX còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi HTX phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng. Do vậy, nhu cầu hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là rất lớn, không chỉ đối với khu vực nông thôn, nông nghiệp, mà ngay cả đối với các đô thị phát triển.
Để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc của Luật HTX trong giai đoạn vừa qua, đồng thời giải quyết được các khó khăn, thách thức trong giai đoạn mới của khu vực kinh tế tập thể, yêu cầu sửa đổi Luật HTX năm 2012 là rất cấp thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Luật HTX (sửa đổi). Đến nay, Dự thảo 2 Luật HTX (sửa đổi) đã xây dựng xong và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương, các tổ hợp tác (THT), HTX, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp HTX và quần chúng nhân dân.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh 05 điểm sáng được kỳ vọng sẽ mang lại sự bứt phá cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác trong giai đoạn tới. Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng Tổ hợp tác trên cơ sở Nghị định số 77/2019/NĐ-CP và đối tượng Liên đoàn hợp tác xã dựa trên kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao.
Thứ hai, mở rộng đối tượng tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm thành viên chính thức và thành viên liên kết để huy động tối đa nguồn vốn, trí tuệ, sức lao động và mở rộng thị trường cho các tổ chức kinh tế hợp tác.
Thứ ba, trao quyền tự chủ cho các tổ chức kinh tế hợp tác trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức này; đồng thời Nhà nước sẽ có các chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển các hoạt động phục vụ thành viên, tăng trưởng quỹ và tài sản chung không chia.
Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Thứ năm, bổ sung chương riêng về chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó quy định rõ các tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhằm tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, thiếu hiệu quả, khắc phục tình trạng hợp tác xã trá hình để trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức triển khai nhiều nội dung liên quan, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành xây dựng dự thảo Luật HTX (sửa đổi), tổ chức lấy ý kiến tham gia để hoàn thiện dự thảo Luật. Ông đề nghị các đại biểu tham dự đề xuất rõ những nội dung cần sửa đổi để làm cơ sở thực tiễn quan trọng trong việc hoàn thiện dự thảo Luật HTX, trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Chính sách và Phát luật của Nhà nước.
Sau khi được nghe các ý kiến, góp ý thẳng thắn, cởi mở từ các đại diện tham dự tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là đơn vị thường trực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp và sẽ xem xét, phân tích một cách nghiêm túc, cầu thị để hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ và Quốc hội cho ý kiến, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về THT, liên đoàn HTX; các quy định về phân loại, về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế hợp tác; các quy định liên quan đến hệ thống liên minh hợp tác xã./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư