Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT năm 2016
I. Kết quả phát triển KCN, KKT đến hết năm 2016
1. Tình hình thực hiện quy hoạch KCN, KKT
a) Tình hình thành lập KCN
- Đến cuối năm 2016, có 325 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn ha; diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê chiếm khoảng 67%.
- 220 KCN đã đi vào hoạt động, 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng; tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.
- Về phân bố KCN, vùng Đông Nam Bộ có số KCN được thành lập nhiều nhất với 111 KCN (chiếm 34%); vùng Đồng bằng sông Hồng với 85 KCN (chiếm 26%) và vùng Tây Nam Bộ với 52 KCN (chiếm 16%).
b) Tình hình thành lập KKT
Tính đến cuối năm 2016, có 16 KKT ven biển đã thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn có 2 KKT (KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.
Trong 16 KKT ven biển có 36 KCN, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha (diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê chiếm khoảng 48%). Trong đó, 14 KCN và 22 KCN, khu phi thuế quan đang xây dựng cơ bản.
Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt trên 30.000 ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển.
2. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT
a) Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN
Đến cuối năm 2016, có 325 dự án hạ tầng KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 318,5 ngàn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 132 ngàn tỷ đồng (đạt 41,5%).
b) Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT
Đến hết năm 2016, tổng số vốn đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển là 155 ngàn tỷ đồng; vốn đầu tư trong nước là 133 ngàn tỷ đồng (chiếm 84%), vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 16%).
Các KKT ven biển khác như Định An, Năm Căn đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng và đang hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư đã được cấp phép và bước đầu đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, nhất là hệ thống đường giao thông.
3. Tình hình thu hút vốn đầu tư vào KCN, KKT ven biển
3.1. Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài
Năm 2016, các KCN, KKT thu hút được 873 dự án FDI và điều chỉnh tăng vốn cho 680 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là khoảng 14,9 tỷ USD, chiếm khoảng 72% của cả nước. Riêng về lĩnh vực chế biến chế tạo, các KCN, KKT chiếm trên 90%.
Lũy kế đến hết năm 2016, các KCN thu hút được 7.013 dự án FDI với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 111,4 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 67 tỷ USD (gần bằng 61%). Các KKT của cả nước thu hút được 361 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 42,2 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 20,5 tỷ USD (gần bằng 49%).
Trong đó có một số dự án đầu tư quy mô lớn là: Dự án sản xuất màn hình của Tập đoàn LG Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ, KKT Đình Vũ Cát Hải (tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD); Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, KCN Tràng Duệ (tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD); Dự án Seoul Semiconductor Vina, KCN Đồng Văn I Hà Nam (tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệuwwwwwwwwwwwww USD); Dự án của công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương tại KCN Long Giang (tổng vốn đầu tư 220 triệu USD).
3.2. Tình hình thu hút đầu tư trong nước
Trong năm 2016, các KCN, KKT thu hút được 629 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho 218 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là khoảng 109,9 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế đến hết năm 2016, các KCN thu hút được 6.504 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 710,6 ngàn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 358 ngàn tỷ đồng (bằng 51%). Các KKT của cả nước thu hút được 1.090 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 809,1 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 357 ngàn tỷ đồng (bằng 40%).
3.3. Tình hình sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT
Trong năm 2016, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sau:
- Tổng doanh thu đạt khoảng 145,5 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2015.
- Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt gần 96 tỷ USD, đóng góp gần 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng khoảng 8% so với năm 2015).
- Kim ngạch nhập khẩu đạt 94 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015).
- Đóng góp vào NSNN: hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung các KCN, KKT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm như nêu trên. Đặc biệt các KCN, KKT đã thu hút được một số dự án đầu tư có quy mô lớn và rất lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT, từng bước khẳng định Việt Nam như là một cứ điểm sản xuất công nghiệp toàn cầu.
5. Tình hình bảo vệ môi trường
a) Về xử lý nước thải
- Đối với khu công nghiệp
Tính đến hết năm 2016, trong số 325 KCN đã được thành lập có 220 KCN đã đi vào hoạt động, 189 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành, chiếm 86% tổng số KCN đang hoạt động, phù hợp với chỉ tiêu được giao (86%) tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016.
- Đối với các khu kinh tế:
Do quy mô và tính chất đặc thù của KKT, bao gồm nhiều khu chức năng như khu thương mại, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị... do vậy, các khu kinh tế không có hệ thống XLNT chung cho toàn bộ KKT như mô hình đang áp dụng tại KCN hiện nay. Do vậy, đối với các dự án tập trung trong KCN thuộc KKT sẽ được xử lý nước thải thông qua hệ thống XLNT tập trung của KCN trong KKT.
b) Về xử lý chất thải rắn
Việc đăng ký nguồn thải nguy hại được nghiêm túc kiểm tra, đôn đốc tại các KCN. Chất thải rắn và chất thải nguy hại phát sinh được từng cơ sở trong KKT, KCN ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Đa số các doanh nghiệp trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại được đảm bảo./.
Vụ Quản lý các khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư