Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

1. Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020 (Báo cáo số 245/BC-TCTK ngày 27/12/2020 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020.

GDP năm 2020 tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%), tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020  nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và tiêu thụ nông sản. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, lúa các vụ được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

- Sản xuất công nghiệp: Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi nên sản xuất công nghiệp trong quý IV/2020 có sự khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có những kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm 2019 nhưng có số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2021 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2020.

Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm 2019. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2019. Nếu tính cả 3.341,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5.577,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm 2019. Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

- Hoạt động dịch vụ: Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng được kiểm soát tốt trong nước nên hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2020 tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù tính chung cả năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6% so với năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng đây là thành công của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

- Vận tải hành khách và viễn thông: Hoạt động vận tải năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là vận tải ngoài nước. Nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, hoạt động vận tải quý IV có những tín hiệu tích cực hơn với lượng hành khách vận chuyển tăng 11,1% và hàng hóa vận chuyển tăng 11,6% so với quý trước nhưng so với cùng kỳ năm trước vận chuyển hành khách vẫn giảm 31,2% và vận chuyển hàng hóa chỉ tăng nhẹ 0,7%. Tính chung cả năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 29,6% và vận chuyển hàng hóa giảm 5,2% so với năm 2019, trong đó hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 41,3% về lượng hành khách và giảm 39% về lượng hàng hóa vận chuyển.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch trong năm 2020. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm nay chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; từ quý II đến nay, nước ta chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán: Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành tạo điều kiện cho nền kinh tế có điều kiện phục hồi nhanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán tăng khoảng 20% so với năm 2019.

- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 tăng 5,7% so với năm 2019, mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Tính chung năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2019 và bằng 34,4% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5% so với năm 2019; khu vực ngoài Nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2020 có 119 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký của phía Việt Nam đạt 318 triệu USD; có 33 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 272 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 590 triệu USD, tăng 16,1% so với năm 2019.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, các lĩnh vực của nền kinh tế từng bước được cải thiện tích cực nên thu ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 12/2020 tăng hơn 9,2 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ tháng trước. Chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn..., đặc biệt là hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/12/2020 ước tính đạt 1.307,4 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 1.101,6 nghìn tỷ đồng, bằng 87,1%; thu từ dầu thô 32,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 172,3 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/12/2020 ước tính đạt 1.432,5 nghìn tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5%; chi đầu tư phát triển 356 nghìn tỷ đồng, bằng 75,7%; chi trả nợ lãi 98,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83,6%.

- Xuất, nhập khẩu: Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% . Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay .

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2020 giảm 0,74% so với năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

- Lao động, việc làm: Dân số trung bình của Việt Nam năm 2020 là 97,58 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh trong 3 thập kỷ qua và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện. Tình hình lao động, việc làm quý IV/2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tính chung cả năm 2020 cao hơn năm 2019 trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công ăn lương thấp hơn năm 2019./.

2. Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 (Báo cáo số 154/BC-TCTK ngày 28/9/2020 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP):  GDP quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020. Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý III/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý II/2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%.  

GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; dịch tả lợn châu Phi; dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

- Sản xuất công nghiệp: Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2020 chỉ đạt 2,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020. Tuy nhiên do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2020 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh đó tháng 9/2020 trùng với tháng 7 âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên quy mô vốn đăng ký tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019; 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

- Hoạt động dịch vụ: Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng có dấu hiệu tăng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố đã mở cửa trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng 8/2019và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.

- Vận tải hành khách và viễn thông: Hoạt động vận tải tháng 9/2020 có những tín hiệu tích cực hơn với mức tăng 6,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4,5% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng 8/2020. Tính chung 9 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 29,6% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển quý III mặc dù có tăng so với quý II nhưng vẫn giảm 34% và giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 trong 9 tháng với mức giảm 45,5% về lượng hành khách và 39,4% về lượng hàng hóa vận chuyển.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Khách quốc tế đến nước ta trong quý III/2020 đạt 44 nghìn lượt người, chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm 2020 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Tính chung 9 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó hơn 97% là khách quốc tế đến trong quý I/2020.

- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán: Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong 9 tháng năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm ngày 22/9/2020 đạt mức thấp 5,12%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế 9 tháng năm 2020 tăng 1,43% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Chín và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước có xu hướng tăng cao là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam. 

Tính chung 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 34,7% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 484,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019; khu vực ngoài Nhà nước đạt 641,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% và tăng 2,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 319,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% và giảm 2,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2020 có 96 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký của phía Việt Nam đạt 268,3 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 163,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 432,1 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, một số địa phương trong vùng dịch nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, từng bước khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế đã tác động đến kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước trong tháng 9/2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 747,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1%; thu từ dầu thô 26,3 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 128 nghìn tỷ đồng, bằng 61,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/9/2020 ước tính đạt 1.036,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm, trong đó, chi thường xuyên đạt 716,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8%; chi đầu tư phát triển 235,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50%; chi trả nợ lãi 78,4 nghìn tỷ đồng, bằng 66,3%.

- Xuất, nhập khẩu: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt 51,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% . Khu vực kinh tế trong nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng cao 20,2%, nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu, đạt mức 16,99 tỷ USD.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng 8/2020 và tăng 0,01% so với tháng 12/2019 - đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Bình quân 9 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 9 tháng giảm 0,72% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

- Lao động, việc làm: Tình hình lao động, việc làm cả nước trong quý III/2020 có dấu hiệu phục hồi, thu nhập của người làm công hưởng lương dần được cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý III mặc dù giảm so với quý II nhưng so với cùng kỳ năm 2019 vẫn ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

3. Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 (Báo cáo số 109/BC-TCTK ngày 26/6/2020 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): GDP quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020, quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu hồi phục từ tháng 5. Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.

- Sản xuất công nghiệp: trong quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% và là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm 2011-2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh vào hoạt động trở lại. Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2020 tiếp tục có sự khởi sắc với 13,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,9% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 16,4%.

Trong 6 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; 19,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,2%; 7,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5%, trong đó có 6,6 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 6,4%; 108 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 0,9%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2020 cho thấy, có 27,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2020 tốt hơn quý I/2020; 40,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 31,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

- Hoạt động dịch vụ: Theo đà của tháng 5/2020, hoạt động thương mại dịch vụ trong nước tháng 6/2020 tiếp tục tăng trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng 5/2020 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8%.

- Vận tải hành khách và viễn thông: Hoạt động vận tải trong nước tháng 6/2020 tiếp tục xu hướng khôi phục trở lại với mức tăng 13,4% lượng hành khách vận chuyển và tăng 7,3% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng 5/2020. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tính chung 6 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách giảm 27,3% và vận chuyển hàng hóa giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2019.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán: Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm ngày 19/6/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016-2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm gặp khó khăn do thu nhập của người dân trong giai đoạn phòng, chống dịch giảm gây ảnh hưởng đến việc đóng phí các hợp đồng bảo hiểm đang còn hiệu lực và hạn chế tham gia các gói bảo hiểm mới. Thị trường chứng khoán giảm mạnh với tổng mức huy động vốn 6 tháng đầu năm nay cho nền kinh tế giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên thị trường đang có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả.

- Hoạt động đầu tư: Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33% GDP (vốn khu vực Nhà nước đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019; khu vực ngoài Nhà nước đạt 375,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 4,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% và giảm 3,8%), mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2020 có 70 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 185,3 triệu USD; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 37,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 222,7 triệu USD, bằng 111,4% so với cùng kỳ năm 2019.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Công tác kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện tốt và có hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6/2020 từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh; đồng thời giá xăng, dầu trong nước tăng theo sự khởi sắc của thị trường dầu thô thế giới đã tác động tích cực đến kết quả thu, chi ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 6/2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/6/2020 ước tính đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 503,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9%; thu từ dầu thô 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 82,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/6/2020 ước tính đạt 676,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 475,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45%; chi đầu tư phát triển 140,3 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8%; chi trả nợ lãi 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8%.

- Xuất, nhập khẩu: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 ước tính đạt 41,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm 2020 xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

- Lao động, việc làm: Lao động, việc làm quý II/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm.

4.Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 (Báo cáo số 47/BC-TCTK ngày 27/3/2020 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020.Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 2,69% của quý I/2016 trong giai đoạn 2011-2020 , làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,79%, thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

- Sản xuất công nghiệp: Ngành công nghiệp quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp 5,28% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2020 ước tính tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong quý I/2020 do chịu ảnh hưởng trực tiếptừ dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019; 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6%; đáng chú ý là sốdoanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26%. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động dịch vụ: Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, nếu loại trừ yếu tố giá tăng1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

- Vận tải hành khách và hàng hóa: Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý I/2020, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển tháng 3/2020 giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2019, tính chung 3 tháng năm 2020 giảm 6,1% do tác động của các vận động, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cùng với việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động ngân hàng: Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong quý I/2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm ngày 20/3/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm 2016-2020.Tính đến thời điểm ngày 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm 2019tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức khá 13,2% kế hoạch năm  mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực phản ánhkết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2020 có 27 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 22,9 triệu USD; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 26,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 49,3 triệu USD.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/3/2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2%.

- Xuất, nhập khẩu: Dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ đãảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 3/2020ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung quý I/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Xuất siêu quý I/2020 đạt 2,8 tỷ USD.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019.

- Lao động, việc làm: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 do trong quý thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và ở các ngành, nghề lao động.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư