Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lai Châu

Ngày 03/10/2017 - 16:55:00 | 230 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị 1:

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phân cấp cho các địa phương thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và phần vốn đối với các dự án không áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (dự án có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng trở lên), đồng thời cho phép địa phương được thẩm định nguồn vốn và phần vốn theo quy trình rút gọn vì đây đều là các công trình, dự án nhỏ, trong khi hạn mức nguồn vốn của các chương trình MTQG đã nằm trong nghị quyết của Quốc hội, quyết định phê duyệt chương trình của Chính phủ (hiện nay việc thực hiện thẩm định nguồn vốn và phần vốn theo quy định tại Điều 38 Luật đầu tư công năm 2014, do đó quá trình thẩm định nguồn vốn và phần vốn thường chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt, triển khai thực hiện dẫn đến tiến độ giải ngân chậm hoặc không đạt kế hoạch).

Trả lời:

Về việc phân cấp cho địa phương tự thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối NSTW đối với các dự án thuộc các Chương trình MTQG, tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chính phủ đã cho phép: “Đối với các dự án khởi công mới (kế hoạch 2017) nhóm C quy mô nhỏ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được áp dụng quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ nếu đáp ứng các tiêu chí sau: (i) Thuộc nội dung đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; (ii) Tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng và kỹ thuật không phức tạp và (iii) Sử dụng một phần ngân sách nhà nước, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân. Phần kinh phí đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền hoặc hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền”. Do đó, đã tháo gỡ được một số khó khăn trong công tác thẩm định dự án thuộc Chương trình MTQG.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận ý kiến của cử tri sẽ báo cáo Chính phủ trong quá trình rà soát, sửa đổi Nghị định 161/2016/NĐ-CP

Nội dung kiến nghị 2:

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp cho địa phương chủ động thực hiện công tác điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư và kéo dài thời hạn giải ngân kế hoạch vốn hằng năm (vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA) trong tổng kế hoạch vốn giao để đảm bảo tính linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư hằng năm. Vì trên thực tế hiện nay việc điều chỉnh kế hoạch vốn hằng năm được thực hiện theo Điều 75 Luật đầu tư công năm 2014 và Điều 44 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ; việc kéo dài giải ngân kế hoạch vốn thực hiện theo Điều 76 Luật đầu tư công và Điều 46 Nghị định 77/2015/NĐ-CP chưa tạo sự chủ động cho địa phương, khó khăn trong thực hiện.

Trả lời:

Trước khi có Luật Đầu tư công, các dự án muốn được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định (sau khi có ý kiến rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính). Nay thực hiện theo Nghị định số 77/2015/NĐ-CP là đã giảm được một khâu thủ tục hành chính so với trước khi có Luật Đầu tư công, không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ như trước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và thông báo số vốn chưa giải ngân cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện.

Về mặt nguyên tắc, ngay đầu tháng 02 (kể cả từ ngày 01/2) khi thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách vừa kết thúc, nếu các Bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất kéo dài vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm trước sang năm sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo ngay số vốn được kéo dài nếu Bộ Tài chính cung cấp được kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các Bộ, ngành trung ương và địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế rất khó triển khai thực hiện do mất rất nhiều thời gian trình xin ý kiến bộ, ngành trung ương, các bộ, ngành và địa phương phải đối chiếu số liệu mức vốn còn lại chưa thanh toán theo từng dự án làm cơ sở đề xuất kéo dài, dẫn đến chậm giải ngân. Thông thường phải đến cuối tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thông báo được số vốn kéo dài cho các bộ, ngành trung ương và địa phương. Do đó, để tạo điều kiện cho các bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xem xét, sửa đổi khoản 3 Điều 46 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ.

Nội dung kiến nghị 3:

Đối với lĩnh  vực đấu thầu các dự án XDCB

- Đề nghị Chính phủ xem xét nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn từ không quá 500 triệu đồng lên không quá 03 tỷ đồng tại Điều 54, Nghị định số 63/2014/ND-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Mặc dù hoạt động tư vấn rất quan trọng, tuy nhiên đối với dự án quy mô nhỏ, ít phức tạp việc lựa chọn nhà thầu mất rất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

- Đề nghị Chính phủ nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp từ không quá 01 tỷ đồng lên không quá 03 tỷ đồng tại Điều 54, Nghị định số 63/2014/ND-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Vì đối với những công trình xây lắp nhỏ thời gian xây lắp dưới 03 tháng, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu dài, khi lựa chọn được nhà thầu thì thời gian thực hiện thường vào mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả thực hiện dự án.

Trả lời:

Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn là 3 tỷ đồng, đối với gói thầu xây lắp là 5 tỷ đồng. Việc quy định hạn mức chỉ định thầu như nói trên dẫn đến trường hợp nhiều chủ đầu tư cố tình chia nhỏ gói thầu để lợi dụng áp dụng hình thức chỉ định thầu. Điều này dẫn đến không bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thông qua báo cáo công tác đấu thầu của các Bộ, ngành, địa phương) thì trước khi Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thi hành, tỷ lệ gói thầu áp dụng chỉ định thầu là rất cao (năm 2013: có 73,25% số gói thầu áp dụng chỉ định thầu với tổng giá trị khoảng 38,44%). Tuy nhiên, kể từ khi Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 15/8/2014) thì số lượng gói thầu áp dụng chỉ định thầu và giá trị chỉ định thầu đã có xu hướng giảm (năm 2014: có 73,36% số gói thầu áp dụng chỉ định thầu với tổng giá trị khoảng 24,36%; năm 2015: có 68,51% số gói thầu áp dụng chỉ định thầu với tổng giá trị khoảng 21,98%; năm 2016: có 69,24% số gói thầu áp dụng chỉ định thầu với tổng giá trị 13,61%). Như vậy, so với năm trước khi Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thi hành, tỷ lệ giá trị chỉ định thầu trong năm 2016 đã giảm khoảng 65%.

Việc nâng cao hạn mức chỉ định thầu sẽ kéo theo tình trạng “xin - cho” làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong chi tiêu, sử dụng nguồn vốn nhà nước. Bên cạnh đó, việc áp dụng hình thức kém cạnh tranh là “chỉ định thầu” sẽ tạo tâm lý cho một bộ phận nhà thầu ỷ lại vào chủ đầu tư, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp; làm méo mó thị trường.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hạn mức chỉ định thầu là 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn và 1 tỷ đồng đối với gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa. Việc hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế; góp phần nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong việc mua sắm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Song song với việc hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu, trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn dưới dạng “Mẫu” như: Mẫu hồ sơ mời thầu, Mẫu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Mẫu báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, Mẫu báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc Mẫu hóa các công việc liên quan đến hoạt động đấu thầu, chú trọng hướng dẫn thực hiện pháp luật đấu thầu sẽ giúp cho việc áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu được đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia vào quá trình đấu thầu, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu và đưa Luật thực sự đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, quy định về thời gian trong đấu thầu tại Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP cũng được xây dựng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, cải cách thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, kế thừa các quy định đã được áp dụng ổn định tại Luật đấu thầu số 61/2005/QH11, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nhà tài trợ (ADB, WB, JICA). Căn cứ quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã có những quy định về thời gian đấu thầu phù hợp.

Như vậy, với các quy định cụ thể và phù hợp với thông lệ quốc tế về thời gian trong đấu thầu, hạn mức chỉ định thầu, tính sẵn sàng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các Mẫu tài liệu đấu thầu, việc một số đơn vị đề nghị sửa hạn mức chỉ định thầu, tăng số lượng các gói thầu áp dụng chỉ định thầu với lý do giảm thời gian trong đấu thầu là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc phân chia gói thầu, nghiên cứu thị trường, đưa ra các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu để tránh tình trạng đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham dự. Ngoài ra, đối với các gói thầu có giá trị từ 1 - 3 tỷ đồng thì các địa phương còn có thể xem xét, áp dụng chào hàng cạnh tranh theo quy định của Luật đấu thầu với thủ tục đơn giản, đòi hỏi ít thời gian hơn so với đấu thầu rộng rãi.

Nội dung kiến nghị 4:

Về quy hoạch tổng thể điều chỉnh, bổ sung điều chỉnh dự án di dân, TĐC thủy điện Lai Châu:

Dự án di dân, TĐC thủy điện Lai Châu được triển khai thực hiện từ năm 2011, sau 05 năm triển khai thực hiện dự án có nhiều phát sinh Tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể tại Công văn số 3579/VPCP-KTN ngày 19/5/2015. UBND tỉnh Lai Châu đã hoàn thành rà soát báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, TĐC thủy điện Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt (Tờ trình số 946/TTr-UBND, ngày 02/6/2016). Trong thời gian chờ các Bộ, ngành Trung ương thẩm định, UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ thực hiện báo cáo giải trình, làm rõ các nội dung theo ý kiến thẩm định (03 lần giải trình tại các Công văn số: 473/UBND-NN, ngày 28/4/2016; số 1817/UBND-NN ngày 16/9/2016, số 2524/UBND-NN ngày 14/12/2016), đến tháng 01/2017, tỉnh đã phối hợp với đoàn thẩm định liên bộ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiến hành khảo sát thực địa tại các khu, điểm tái định cư thuộc dự án di dân, TĐC thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch tổng thể điều chỉnh, bổ sung dự án vẫn chưa được phê duyệt. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định trình phê duyệt để UBND tỉnh triển khai, sớm ổn định đời sống Nhân dân vùng tái định cư.

Trả lời:

Về việc Thẩm định Báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thuỷ điện Lai Châu, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT; giải trình của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thống nhất của các Bộ, ngành tại cuộc họp ngày 07/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 7748/TTr-BKHĐT ngày 25/9/2017 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định:

- Xem xét điều chỉnh Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Lai Châu theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tại các văn bản số 112/BC-UBND ngày 30/5/2016 và Tờ trình số 964/TTr-UBND ngày 02/6/2016 (Kèm theo các phụ lục điều chỉnh quy hoạch tổng thể); và kéo dài thời gian thực hiện Quy hoạch tổng thể đến hết ngày 31/12/2018;

- Cơ chế, chính sách hỗ trợ và đầu tư, nguồn vốn (của Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho các hạng mục điều chỉnh, bổ sung tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung kiến nghị 5:

Đề nghị Chính phủ xem xét cách tính điểm các tiêu chí trong Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Vì như vậy đối với các các tỉnh miền núi nghèo, nguồn thu trên địa bàn thấp, dân số ít, do đó mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách giai đoạn 2016-2020 là rất khó thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân vùng sâu, vùng xa như giao thông, thủy lợi,… Trong khi nguyên tắc chung về phân bổ vốn tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của UBTVQH là ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước.

Trả lời:

Nhằm bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020.

Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg không chỉ được xây dựng trên tiêu chí về dân số mà còn dựa trên 04 nhóm tiêu chí khác gồm: (i) Tiêu chí về trình độ phát triển, (ii) Tiêu chí diện tích, (iii) Tiêu chí về đơn vị hành chính cấp huyện và (iv) Các tiêu chí bổ sung. Trong từng nhóm tiêu chí đã được xem xét điều chỉnh về phương pháp tính toán và điểm số, làm căn cứ tính toán định mức phân bổ vốn cân đối ngân sách địa phương cho sát với thực tế, trong đó đã nâng số điểm để hỗ trợ thêm cho các địa phương nghèo và khuyến khích các địa phương có nguồn thu lớn tăng thu ngân sách.

Bên cạnh nguồn vốn cân đối NSĐP, địa phương còn được NSTW bổ sung vốn, kinh phí:

- Thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu; mức bổ sung phụ thuộc vào số lượng chương trình thực hiện trên địa bàn.

- Thực hiện các chương trình, dự án từ nguồn vay ODA.

Ngoài ra, có một số dự án trọng điểm của quốc gia, một số dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương giao cho địa phương quản lý, một số dự án của trung ương thực hiện trên địa bàn của địa phương.

Nội dung kiến nghị 6:

Cử tri đề nghị sớm giao kế hoạch vốn một số nguồn vốn sau để địa phương triển khai thực hiện:

a) Nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình MTQG trung hạn giai đoạn 2016-2020, đồng thời các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.

Trả lời:

- Về kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020: Thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 102/ƯBTVQH14-TCNS ngày 26/4/2017 về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và trên cơ sở đề xuất của các chủ chương trình MTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các Tờ trình số: 4303/TTr-BKHĐT ngày 26/5/2017, 6655/TTr-BKHĐT ngày 15/8/2017 về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2016-2020 (đợt 2).

Việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình tại các Tờ trình nêu trên.

-    Về công tác trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý, điều hành thực hiện các chương trình MTQG:

Với vị trí là cơ quan tổng hợp chung về các chương trình MTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG năm 2017 (Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 11/4/2017) để đảm bảo công tác chỉ đạo chặt chẽ trong quản lý điều hành các chương trình MTQG, đặc biệt là công tác chỉ đạo trong hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình.

Đối với nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã tích cực hoàn thiện việc trình Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản quản lý, điều hành các chương trình để các địa phương làm căn cứ tố chức, thực hiện (như: (i) tổng hợp trình Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2017 về nguyên tắc, tiêu chỉ, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; (ii) ban hành thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia).

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các địa phương trong thực hiện các dự án đầu tư nói chung và dự án đầu tư thuộc các chương trình MTQG nói riêng.

b) Nguồn trái phiếu Chính phủ: Sớm có văn bản chấp thuận điều chỉnh, bổ sung danh mục 74 phòng học giai đoạn 2012-2015 thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời sớm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 nguồn chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2017-2020.

Trả lời:

Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình kiên cố hóa trường lớp học sử dụng 02 nguồn vốn trái phiếu Chính phủ: vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.

- Vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015:

Theo Quyết định số 1919/QĐ-TTg ngày 06/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ tổng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 bố trí thực hiện Đề án là 1.999.620 triệu đồng.

Tại Quyết định số 2096/QĐ-TTg ngày 02/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao 1.207.473 triệu đồng cho các dự án đã đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành để đầu tư 1.333 phòng học. số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại chưa giao sau kế hoạch 2016 là 792.147 triệu đồng.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh đối tượng thụ hưởng và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 414/NQ-UBTVQH14 ngày 27/7/2017, giao Chính phủ phân bổ cụ thể, thời gian thực hiện đến hết năm 2018.

Kế hoạch năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổng hợp giao 33.738 triệu đồng đối với 03 địa phương đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện Chương trình đối với các địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

- Vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020:

Trong năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương để tổng họp kế hoạch nguồn vốn trái phiếu thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017 về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020 trong đó số vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học giai đoạn 2016-2020 khoảng 5.400 tỷ đồng (sau khi đã trừ đi số vốn dự phòng 10% theo quy định). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1300/QĐ-TTg ngày 01/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định số 1215/QĐ-BKHĐT ngày 01/9/2017 về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ (đợt 2), trong đó giao là 2.734,797 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tiếp đối với các địa phương đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

c) Cho phép chuyển nguồn thanh toán sang giai đoạn 2017-2020 số vốn 150,4 tỷ đồng thuộc dự án 03 cầu qua sông Đà và hệ thống đường ngang phía Tây sông Đà để triển khai đoạn tuyến 1 tuyến đường Nậm Manh - Nậm Pồ.

Trả lời:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8699/TH-BKHĐT ngày 19/10/2016 về việc xin phép điều chuyển một số dự án TPCP trong đó có dự án của tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các tồn tại như trên của các địa phương.

d) Đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng còn thiếu cho dự án: Đường giao thông liên vùng - đường tỉnh lộ 107 (đoạn Pá Ngừa - Khau Riềng) thuộc huyện Tân Uyên. Đến nay dự án đã hoàn thành và đủ điều kiện để bàn giao đưa vào sử dụng, tuy nhiên do chưa bố trí đủ vốn nên chưa được bàn giao.

Trả lời: 

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 24/01/2014 là: 989.573 triệu đồng, từ năm 2010-2016, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ mức vốn được phê duyệt từ nguồn TPCP là 989,573 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 đã bố trí đủ số vốn theo đề nghị của UBND tỉnh Lai Châu là  820,677 tỷ đồng.

Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu, do quá trình tổng hợp vốn giai đoạn 2012-2015 và bổ sung 2014-2016, UBND tỉnh Lai Châu đã kiến nghị bổ sung vốn cho dự án không tính đến số vốn ứng năm 2010 và 2011 là 100 tỷ đồng, nhưng trong giai đoạn 2012-2015 lại phải thu hồi số vốn ứng trước 100 tỷ đồng, do đó số vốn bố trí cho dự án còn thiếu 100 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn TPCP đã được thông báo tại văn bản số 1186/BKHĐT-TH, theo đó tỉnh Lai Châu được phân bổ 1.045 tỷ đồng và đã có kế hoạch phân bổ hết cho các dự án. Do đó không còn nguồn bổ sung cho dự án trên.

Đề nghị UBND tỉnh Lai Châu rà soát lại tình hình thực hiện và giải ngân Dự án Đường giao thông liên vùng - Đường tỉnh 107 (đoạn Pá Ngừa - Khau Riềng), huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, trong trường hợp thiếu vốn như báo cáo của tỉnh, đề nghị UBND tỉnh Lai Châu có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác