Thứ hai, 00/00/2023
°

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty

Ngày 22/11/2018 - 08:50:00 | 163 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ, các Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và toàn thể Hội nghị.

Theo phân công của Ban tổ chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có nội dung trình bày về nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 99 về tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Hiện nay, dự thảo Nghị định này đang được gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ, do đó, xin phép Thủ tướng Chính phủ cho phép đồng chí Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sẽ trình bày vào phần tiếp theo.

Tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi xin có một số ý kiến như sau:

- Thứ nhất, về vai trò và vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội.

Hiến pháp năm 2013 đã xác định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”

Đồng thời, Nghị Quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước xác định mục tiêu: “Đối với DNNN phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả để giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”. “DNNN làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế”.

Với mục tiêu như vậy, đi đôi với các giải pháp về tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn,câu hỏi lớn được đặt ra là: Việc hình thành nên các ngành công nghiệp có tính chất dẫn dắt, nền tảng, đột phá, có tính chủ đạo để cùng thành phần kinh tế tư nhân đóng góp cho sự phát triển của đất nước cần phải được lực lượng DNNN triển khai như thế nào?

Một mặt, để tạo điều kiện cho khu vự kinh tế tư nhân phát triển, DNNN đang thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn với định hướng: DNNN chỉ làm những gì mà khu vực kinh tế tư nhân không làm được hoặc không muốn làm như quốc phòng, an ninh; độc quyền tự nhiên; các hạ tầng lớn cho xã hội và các dịch vụ công ích thiết yếu,… Mặt khác, việc xác định cho được các ngành công nghiệp mang tính nền tảng, tính dẫn dẵn, tạo động lực phát triển đất nước trong tương lai cần phải được nghiên cứu và triển khai tích cự, đồng bộ nhằm tận dụng được những cơ hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

DNNN cần thực hiện đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao hiệu suất lao động và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ mới

Do đó, nhiệm vụ này cần được các tập đoàn, tổng công ty lớn nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức trong tương lại để định hình được chiến lược phát triển của mình khi mà khoa học công nghệ đang thay đổi một cách nhanh chóng. Xu hướng của kinh tế số, công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh, v.v.… là xu hướng không thể đảo ngược. Bên cạnh đó, những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cần phải giải quyết khi chúng ta tập trung vào phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên tự nhiên. Đây cũng là những vấn đề và thách thức chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ, giải pháp để giải quyết các vấn đề môi trường này có thể là cơ hội cho chúng ta trong tương lai. Các giải pháp này không những giải quyết được vấn đề phát triển bền vững trong nước mà còn có thể vươn ra để giải quyết các vấn đề trong khu vực và trên thế giới, trở thành một ngành có tính vượt trội cho Việt nam.

- Thứ hai, về triển khai tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa DNNN.

Báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính đã đánh giá được một cách toàn diện quá trình triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, việc chuyển giao 19 Tập đoàn, tổng công ty với nhiều nhóm ngành đã hoàn thành thì cách tiếp cận tái cấu trúc hay tái cơ cấu DNNN có lẽ không chỉ đặt riêng lẻ cho từng doanh nghiệp mà phải có cách tiếp cận theo nhóm doanh nghiệp hoặc theo chuỗi các sản phẩm để có thể tận dụng được các thế mạnh của các tập đoàn, tổng công ty lớn. Đây là nhiệm vụ mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải nghiên cứu, có những đề xuất mang tính chiến lược để thực sự thay đổi được phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả các các tập đoàn, tổng công ty lớn này.

- Thứ ba, về giải quyết các DNNN yếu kém, các dự án hoạt động không hiệu quả.

Nhìn chung, mặc dù nắm giữ nguồn lực quan trọng của quốc gia nhưng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DNNN chưa có nhiều đột biến; thậm chí làm mất vốn và gây ra những hậu quả không mong muốn như trường hợp của Vinashin, Vinalines hay các dự án không hiệu quả của ngành công thương.

Nghị quyết số 12, Hội nghị Trung ương 5 cũng xác định xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém. Do vậy, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, không kéo dài gây lãng phí nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, việc xử lý các vấn đề này cần phải tiếp cận theo hướng thị trường trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, dự án khi thực hiện chuyển nhượng hoặc thanh lý; đánh giá đúng bản chất của sự việc và giải quyết theo nhóm vấn đề, có sự bổ trợ cho nhau để đảm bảo có tính khả thi hơn trong thực tiễn.

- Thứ tư, vấn đề thay đổi quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi thực hiện cổ phần hóa, đa sở hữu. 

Việc thực hiện tái cơ cấu thời gian qua mới chỉ tập trung vào việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chưa có đánh giá về hiệu quả của phương án thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đến lợi ích tổng thể của doanh nghiệp và Nhà nước trong dài hạn. Do vậy, ngoài việc cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hoá thì cũng cần có đánh giá về chất lượng của phương án cổ phần hoá, thoái vốn trong thời gian qua. Đặc biệt, cần xem xét lại cách tiếp cận và quá trình thực hiện tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoàiđể có thể thực sự tìm kiếm được nhà đầu tư nhằm phát triển doanh nghiệp theo định hướng, chiến lược chứ không chỉ là nhà đầu tư tài chính thông thường.

Bên cạnh đó, cần thực hiện quản trị Chuyên nghiệp hóa DNNN, sử dụng cơ chế quản lý dựa trên hiệu quả hoạt động (cần xây dựng vai trò, nhiệm vụ, chức năng, KPI cho từng vị trí trong tổ chức từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất)

- Thứ năm, vấn đề về người điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Tổng giám đốc điều hành cần phải là người chuyên nghiệp và cần có cơ chế tuyển chọn và trả lương theo thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cần dần hình thành thị trường các giám đốc/ Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp chuyên nghiệp xứng tầm khu vực và quốc tế để đảm bảo rằng DNNN được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại, công khai, minh bạch.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho Hội nghị. Cuối cùng, xin kinh chúc sức khỏe Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và toàn thể Hội nghị. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác