Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng

Ngày 13/08/2018 - 22:16:00 | 168 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị số 01:

Cử tri đề nghị xem xét hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng 10% vốn trung hạn từ ngân sách Trung ương cho một số dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng như: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, các dự án đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Trả lời:

Theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ, chủ trương cho phép sử dụng phần dự phòng trung hạn sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và bắt đầu từ kế hoạch năm 2019. Do vậy, chưa có cơ sở để xem xét bổ sung nguồn vốn trung hạn bố trí cho các dự án trên. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn 10% dự phòng ngân sách trung ương và 10% dự phòng đầu tư công trung hạn tại các bộ, ngành địa phương của kế hoạch đầu tư công trung hạn được xây dựng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 141/TB-VPCP ngày 13/4/2018 của Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí được thông qua sẽ tổng hợp danh mục được sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thương vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nội dung kiến nghị số 02:

Cử tri đề nghị xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho Hải Phòng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các dự án dở dang còn thiếu vốn (hiện thành phố Hải Phòng có 70 dự án đã được bố trí vốn ngân sách trung ương từ năm 2017 trở về trước, nhu cầu vốn còn thiếu để hoàn thành 70 dự án này là: 12.475,2 tỷ đồng); đồng thời cho phép thành phố Hải Phòng được sử dụng vốn ngân sách Trung ương cho một số dự án khởi công mới có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển Thành phố và cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Logistic quy mô cấp quốc gia, quốc tế phục vụ Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; xây dựng đường dẫn cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2.

Trả lời:

Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản số 2394/UBND-KHĐT ngày 28/4/2017 cam kết “đối với các dự án chưa dự kiến đủ 90% tổng mức đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, thành phố Hải Phòng sẽ bố trí các nguồn vốn ngân sách thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp để đáp ứng đủ 90% tổng mức đầu tư; đối với phần vốn còn lại sau khi dự án hoàn thành, có quyết định phê duyệt quyết toán thành phố sẽ bố trí thanh toán dứt điểm, tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước”. Đồng thời, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao tại các Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017, số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017, 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/4/2017, 1827/QĐ-BKHĐT ngày 15/12/2017 nên không có khả năng hỗ trợ cho các dự án như đề xuất của thành phố Hải Phòng. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chủ động rà soát, tập trung nguồn lực và xây dựng phương án xử lý dứt điểm theo cam kết tại văn bản số 2394/UBND-KHĐT ngày 28/4/2017 nêu trên.

(2) Đối với việc đề xuất cho phép thành phố được sử dụng ngân trung ương cho số dự án khởi công mới có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển Thành phố và cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Logistic quy mô cấp quốc gia, quốc tế phục vụ Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; xây dựng đường dẫn cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2:  Đây là các dự án mới có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế -  xã hội của Thành phố và cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo đúng tin thần của Nghị quyết 32-NQ/TW 05/08/ 2003 của Bộ Chính trị Khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nên việc đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, nguồn vốn NSTW hiện nay hạn chế, nguồn vốn  đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao nên không có khả năng hỗ trợ cho các dự án.

Do đó, trước mắt đề nghị thành phố Hải Phòng chủ động rà soát tập trung nguồn lực bố trí thanh toán nợ XDCB, hoàn vốn ứng trước, các dự án hoàn thành, chuyển tiếp,...Trường hợp cần đầu tư ngay, đề nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi có điều kiện về nguồn vốn.

Nội dung kiến nghị số 03:

Cử tri đề nghị Chính phủ rà soát bố trí nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi tập trung vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách, giảm sự bao cấp của Nhà nước bằng nguồn vốn vay nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ, đội vốn và đầu tư tràn lan.

Trả lời:

Tại văn bản số 3467/BKHĐT-KTĐN ngày 24/5/2018, báo cáo Thường trực Chính phủ số 4431/BC-KHĐT ngày 29/6/2018, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh số 4697/BC-KHĐT ngày 11/7/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình cấp có thẩm quyền một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn ODA như theo đề xuất của cử tri thành phố Hải Phòng.

Nội dung kiến nghị số 04:

Cử tri đề nghị xem xét, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài theo hướng bố trí đủ vốn cho các dự án đã ký Hiệp định rồi mới cho phép ký các Hiệp định hoặc bố trí vốn cho các dự án mới, đồng thời, phải đảm bảo sát với nhu cầu giải ngân thực tế, tránh trường hợp phải bổ sung vốn nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân, thực hiện dự án theo cam kết với nhà tài trợ.

Trả lời:

Tại văn bản số 3467/BKHĐT-KTĐN ngày 24/5/2018, báo cáo Thường trực Chính phủ số 4431/BC-KHĐT ngày 29/6/2018, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh số 4697/BC-KHĐT ngày 11/7/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình cấp có thẩm quyền một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn ODA như theo đề xuất của cử tri thành phố Hải Phòng.

Nội dung kiến nghị số 05:

Cử tri đề nghị xem xét kịp thời điều chuyển nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi khác từ các dự án giải ngân kém không đúng theo yêu cầu tiến độ về các địa phương có dự án giải ngân hiệu quả nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn vốn vay.

Trả lời:

Tại văn bản số 3467/BKHĐT-KTĐN ngày 24/5/2018, báo cáo Thường trực Chính phủ số 4431/BC-KHĐT ngày 29/6/2018, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh số 4697/BC-KHĐT ngày 11/7/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình cấp có thẩm quyền một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn ODA như theo đề xuất của cử tri thành phố Hải Phòng.

Nội dung kiến nghị số 06:

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét bổ sung số vốn còn thiếu trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 02 dự án cấp bách của thành phố Hải Phòng cụ thể: Dự án Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng (kết thúc Hiệp định vào 8/2018) cần được bổ sung vốn ODA cấp phát ngoài kế hoạch trung hạn đã giao là: 780,114 tỷ; Dự án Thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng, giai đoạn I (kết thúc Hiệp định vào tháng 8/2018) cần được bổ sung vốn ODA cấp phát ngoài kế hoạch trung hạn đã giao là: 905,489 tỷ đồng.

Trả lời:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương, hiện đang trong giai đoạn rà soát với các cơ quan chủ quản để hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền. Các dự án của thành phố Hải Phòng đang được xem xét, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020.

Nội dung kiến nghị số 07:

Cử tri đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã chuyển đổi mô hình hoạt động được vay vốn với lãi suất không % (0 %) để tạo điều kiện cho các Hợp tác xã làm dịch vụ cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, đạt yêu cầu chất lượng, loại trừ việc lưu thông các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; đồng thời làm dịch vụ đầu ra cho nông sản hàng hoá, rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giảm thất thoát sau thu hoạch, tránh tình trạng bị tư thương ép giá, nông sản không tiêu thụ được.

Trả lời:

Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nói chung đối với các hợp tác xã trong tất cả lĩnh vực và nhiều chính sách đặc thù riêng đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp với mục tiêu là khuyến khích, tạo điều kiện, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tập thể một cách vững chắc.

Cụ thể một số chính sách ưu đãi tín dụng cho hợp tác xã nông nghiệp được quy định như sau:

- Điểm a, Khoản 4, Điều 24, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã đã quy định về chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã như sau: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn được ưu đãi về lãi suất và bảo lãnh tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; ưu tiên vay vốn tín dụng từ ngân hàng phát triển và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật; được vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;”.

- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có chính sách ưu đãi cho hợp tác xã vay không có tài sản thế chấp.

- Điều 3, Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo NQ 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ: Hợp tác xã có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch được các Tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.

- Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp như sau:

Ngoài ra, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp còn được hưởng một số ưu đãi riêng về Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Chính sách giao đất, cho thuê đất; Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm (quy định chi tiết tại Điều 25, Nghị định 193/2013/NĐ-CP).

Đề nghị thành phố Hải Phòng căn cứ các quy định và chính sách hiện hành để hướng dẫn các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện. Về kiến nghị hỗ trợ 100% lãi suất vay đối với hợp tác xã nông nghiệp đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và báo cáo Chính phủ.

Nội dung kiến nghị số 08:

Cử tri đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành chức năng sớm ban hành Thông tư về các phương thức và hoạt động quản lý dự án ODA và vốn vay ưu đãi; xây dựng Đề án đào tạo tăng cường năng lực quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, chú trọng nâng cao năng lực lập kế hoạch thực hiện chương trình, dự án, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm giám sát chất lượng của cấp có thẩm quyền thông qua quá trình thẩm định và phê duyệt văn kiện và các tài liệu thiết kế chương trình, dự án; ban hành chế độ chính sách về định mức chi tiêu cho các Ban quản lý dự án ODA trên cơ sở các quy định chung của Chính phủ và có ưu đãi nhằm đảm bảo hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần cho cán bộ làm việc trong các dự án ODA để thu hút các cán bộ có đủ năng lực, đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai dự án;

Trả lời:

Các quy định liên quan đến ODA và nhất là Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng đã yêu cầu các cơ quan chủ quản phải chuyên nghiệp hóa công tác quản lý dự án theo hướng tập trung vào một ban quản lý dự án chuyên nghiệp nhằm tăng chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí hoạt động.

Nội dung kiến nghị số 09:

Cử tri đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá, đặc biệt đánh giá sau dự án (đánh giá tác động) các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Tăng cường kết hợp giữa hoạt động kiểm toán tài chính với hoạt động kiểm toán thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà tài trợ để đẩy nhanh công tác chuẩn bị và thực hiện các chương trình và dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Trả lời:

Các quy định liên quan đến ODA và nhất là Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư đã nêu rõ vai trò quan trọng của công tác theo dõi, giám sát, đánh giá đầu tư đã nêu rõ vai trò quan trọng của công tác theo dõi, giám sát, đánh giá dự án. Việc kết hợp theo dõi, giám sát, đánh giá với kiểm toán tài chính, kế toán sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm phối hợp cùng Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có liên quan.

Nội dung kiến nghị số 10:

Cử tri đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, ứng vốn trước cho thành phố Hải Phòng để đảm bảo nhu cầu vốn trong nước cho các dự án, nhằm đảm bảo đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng nói riêng và tiến độ triển khai dự án nói chung; tiếp tục hỗ trợ thành phố Hải Phòng được tiếp cận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp và thời gian vay dài để giảm bớt gánh nặng về trả nợ vốn vay lại của địa phương, để thành phố có thể huy động được nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Trả lời:

(1) Việc đề xuất ứng vốn trước cho thành phố Hải Phòng để đảm bảo nhu cầu vốn trong nước cho các dự án nhằm đảm bảo đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng nói riêng và tiến độ triển khai dự án nói chung là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chủ trương về ứng trước kế hoạch trung hạn, đồng thời tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 quy định “Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch trung hạn. Trường hợp cần thiết ứng trước, phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch phù hợp với quy định của Luật đầu tư công, Luật NSNN. Mức vốn ứng trước của từng dự án không vượt quá mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và đảm bảo có nguồn thanh toán các khoản vốn ứng trước”. Đề nghị, thành phố Hải Phòng có báo cáo về dự án cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định khi có điều kiện về nguồn vốn.

(2) Đối với việc tiếp tục hỗ trợ thành phố Hải Phòng được tiếp cận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp và thời gian vay dài để giảm bớt gánh nặng về trả nợ vốn vay lại của địa phương, để thành phố có thể huy động được nguồn vốn cho đầu tư phát triển: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và các Bộ, ngành liên quan để huy động vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển (Dự án Bệnh viện đa khoa Hải Phòng vốn vay CP Hàn Quốc, Dự án Phát triển Giao thông đô thị thành phố Hải Phòng sử dụng ODA của WB, Dự án Thoát nước mưa, Thoát nước thải và Quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn I sử dụng ODA của JICA, Dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi sử dụng ODA của JICA…). Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/NĐ-CP ngày 29/7/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù  đối với thành phố Hải Phòng, trong đó “Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ” cho thành phố để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, trong thời gian tới đề nghị UBND thành phố Hải Phòng đề xuất các chương trình, dự án cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát, thẩm định trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý nợ công, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các Nhà tài trợ, Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác