Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang

Ngày 04/08/2018 - 09:09:00 | 396 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị 1:

Cử tri rất bức xúc việc đầu tư công trình dàn trải, kéo dài thời gian, phát sinh kinh phí đầu tư; có nhiều công trình đã nhiều năm chưa đưa vào hoạt động, gây thất thoát, lãng phí.  

Trả lời:

Tại Điều 13 Nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm quy định về thời gian bố trí vốn để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo đó đối với dự án nhóm B có tổng mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng: không quá 5 năm; nhóm B có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng: không quá 8 năm; đối với nhóm C: không quá 03 năm.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, tỉnh An Giang không có dự án nào thực hiện bố trí vốn quá thời hạn quy định.

Về các dự án dàn trải, kéo dài như cử tri phản ánh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang làm rõ từng dự án cụ thể, trách nhiệm của các bên, trả lời cử tri biết.

Nội dung kiến nghị 2:

Đề nghị xem xét tiếp tục thực hiện chính sách vùng biên giới theo Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg.

Trả lời:

Theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về han hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có 21 chương trình mục tiêu được ngân sách trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020, trong đó nguồn vốn phân bổ cho các địa phương đã được lồng ghép các chính sách cụ thể trong đó có Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg. Đồng thời địa phương được quyền chủ động lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Đối với tỉnh An Giang, tỉnh đã lựa chọn các dự án động lực, có sức lan tỏa để đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương, vì vậy đối với chính sách vùng biên giới theo kiến nghị của cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.

Nội dung kiến nghị 3:

Đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì sớm xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về doanh nghiệp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp theo nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017.

Trả lời:

Tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017, định hướng đến năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam củng cố, cải thiện thứ hạng và điểm số của Chỉ số Khởi sự kinh doanh”. Triển khai nhiệm vụ nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh để thảo luận, xây dựng phương án cải thiện Quy trình Khởi sự kinh doanh. Theo đó, một số thay đổi tích cực đã được thực hiện là:

- Cho phép doanh nghiệp thực hiện thống nhất việc gộp thủ tục đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, làm con dấu doanh nghiệp không còn là một thủ tục hành chính. Doanh nghiệp liên hệ với cơ sở khắc dấu để làm con dấu. Trên thực tế, hiện nay, việc khắc dấu được hoàn thành ngay trong ngày. Bộ Công an cũng đã có chỉ đạo Công an địa phương ban hành văn bản đề nghị các cơ sở sản xuất con dấu thuộc thẩm quyền quản lý giảm thời gian sản xuất con dấu để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp trên cả nước đã thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu qua mạng và không cần phải nộp hồ sơ bằng bản giấy đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

- Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC và Thông tư số 26/2015-TT-BTC quy định về thông báo phát hành hóa đơn. Theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày 12/6/2017, thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục mua hóa đơn VAT, sử dụng hóa đơn in/đặt in được giảm từ 10 ngày xuống còn tối đa 4 ngày làm việc. Riêng đối với việc mua hóa đơn VAT từ cơ quan Thuế, doanh nghiệp có thể hoàn thành ngay trong ngày làm việc  theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Việc xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về doanh nghiệp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng là một mục tiêu cần hướng tới để hiện đại hóa hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ tương đối phức tạp, cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện do còn gặp một số khó khăn lớn như: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giữa các cơ quan chưa đồng bộ, phương thức lưu trữ dữ liệu khác nhau, cần sự đầu tư lớn về nguồn lực…. Hiện nay, nhiệm vụ này mới chỉ đang được triển khai ở bước nghiên cứu, tìm hiểu để tiến tới đề xuất phương án khả thi./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác