Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng

Ngày 09/02/2018 - 14:52:00 | 165 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị 1:

Cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm xem xét, thống nhất cho lập dự án đầu tư và bố trí vốn (từ nay đến năm 2020) từ ngân sách trung ương để địa phương lập dự án, triển khai đầu tư dự án ổn định cho hơn 320 hộ với hơn 1.720 khẩu dân di cư tự do, chủ yếu là người dân tộc H’Mông, đã sinh sống, sản xuất ổn định trong hơn 15 năm năm qua (trước khi thành lập huyện Đam Rông), tại các Tiểu khu 179, 181, 197, 198 (khu vực Tây Sơn), xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông.

Trả lời:

Việc đầu tư dự án là cần thiết, tuy nhiên đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chủ động rà soát, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để xử lý, thực hiện lập dự án theo quy định của Luật Đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ bổ sung vốn để thực hiện dự án này.

Nội dung kiến nghị 2:

Cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm xem xét giải quyết vốn thực hiện các dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2013 – 2017. Nguồn vốn được bố trí hằng năm thấp dẫn đến nhiều dự án kéo dài, phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn (tổng vốn đã được phê duyệt: 523,548 tỷ đồng nhưng chỉ mới bố trí được 118,72 tỷ đồng, đạt 22,7% so với kế hoạch); tổng vốn còn thiếu cần được tiếp tục đầu tư 404,828 tỷ đồng (ngân sách trung ương 301,702 tỷ đồng, ngân sách địa phương 65,741 tỷ đồng và vốn khác 37,385 tỷ đồng).

Trả lời:

Đề nghị UBND tỉnh chủ động, huy động, lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn, sắp xếp thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện hiệu quả các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ bổ sung khi có điều kiện nguồn vốn.

Nội dung kiến nghị 3:

Nhiều cử tri có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những bất ổn ở các trạm thu phí BOT giao thông trên phạm vi cả nước để ổn định tình hình trật tự xã hội, sớm sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có cơ chế, chính sách và các giải pháp cụ thể giải quyết các bất hợp lý trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức PPP nói chung và BOT nói riêng, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tham gia giao thông, doanh nghiệp và nhà nước.

Trả lời:

(1).Về đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những bất ổn ở các trạm thu phí BOT giao thông trên phạm vi cả nước

Việc huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã được Bộ Giao thông vận tải thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong thời gian qua. Hệ thống hạ tầng giao thông đã có những bước chuyển biến rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hợp đồng BOT đã có một số tồn tại, bất cập đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán công bố. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để giải quyết vấn đề này bao gồm cả việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tại Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/01/2018 về đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ và Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 23/01/2018 về xử lý các bất cập đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hợp đồng BOT, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, kiên quyết khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong quá trình triển khai các trạm BOT, nhằm giảm chi phí bất hợp lý cho người dân và doanh nghiệp qua các trạm thu giá.

Về giải pháp trước mắt, các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp để triển khai những nội dung tại Nghị quyết số 437/UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết bất ổn ở các trạm thu phí BOT giao thông trên phạm vi cả nước. Về giải pháp lâu dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất và đồng bộ cho hình thức đầu tư này.

(2). Về việc sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP):

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Tờ trình số 9788/BKHĐT-TTr ngày 28/11/2017); đã có văn bản giải trình tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ (văn bản số 422/BKHĐT-QLĐT ngày 22/01/2018). Theo đó, các nội dung sửa đổi cơ bản tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai dự án PPP nói chung và dự án giao thông nói riêng./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác