Thưa Đại sứ Nguyễn Minh Vũ
Thưa các bạn Đức và Việt Nam
Trước hết cho phép tôi được thay mặt Hội Hữu nghị Việt Nam- Đức và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chào mừng và chúc sức khỏe tất cả các vị khách quý có mặt hôm nay tại Berlin. Cảm ơn Đại sứ quán đã phối hợp tổ chức buổi gặp gỡ ngày hôm nay.
Đây là lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam -Đức nhiệm kỳ mới, tôi đến thăm Đức và gặp gỡ quý vị, những người đại diện cho các hội Hữu nghị, hội Doanh nghiệp, hội Người Việt, hội Đồng hương, hội Văn hóa của người Việt tại Đức.
Tôi rất vui mừng được gặp gỡ làm quen với các vị trong Ban Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam của CHLB Đức (FG) mà tôi vừa tiếp ông Chủ tịch Hội Giesenfeld tại Hà Nội hôm 21/02 vừa qua; ông Sommer Chủ tịch Hội Đức-Việt và các vị trong Ban Chấp hành Hội Đức-Việt.
Thưa các bạn,
Năm 2020 tới đây, chúng ta sẽ kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức (23/9/1975-23/9/2020). Nhưng mối liên hệ lịch sử giữa hai dân tộc chúng ta không phải chỉ mới có từ hơn bốn thập kỷ qua mà còn lâu hơn thế.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Dân chủ Đức vào ngày 03/02/1950. Ở bên CHLB Đức, vào những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước, các phong trào đoàn kết quốc tế, các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp các đường phố của Tây Đức để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó đến nay, dù trải qua những thăng trầm của lịch sử nhưng nhân dân hai nước chúng ta luôn có quan hệ hữu hảo, gắn bó với nhau. Đặc biệt, trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mình, nhân dân Việt Nam luôn luôn nhận được sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế, của các bạn Đức mà quý vị có mặt hôm nay là những người đại diện.
Những hành động, việc làm đầy ý nghĩa của các bạn trong những năm nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên phong trào đoàn kết rộng khắp của nhân dân thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến này. Sự ủng hộ đó của các bạn đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của nhân dân VN.
Bước ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ, với ý chí tự lực tự cường, tinh thần bền bỉ, với sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc và với sự giúp đỡ, ủng hộ và hợp tác của các cá nhân, tổ chức bạn bè thế giới trong đó có công lao to lớn của các bạn Đức, nhân dân Việt Nam đã từng bước tái thiết đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới. Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu quan trọng, đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp, trở thành một nền kinh tế phát triển năng động và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư. Năm 2018, mặc dù tiếp tục chịu tác động của những khó khăn kinh tế thế giới, song Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,08 %, cao nhất trong 7 năm qua, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Thưa các bạn,
Trong những năm qua, dù có lúc gặp khó khăn nhưng Đức luôn là một trong những nước viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ Euro cho các dự án ODA tại Việt Nam. Hiện nay, Đức cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm 16,4% xuất khẩu của Việt Nam sang EU, chiếm 27,5% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU, với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2018 là trên 10 tỷ USD. Đức đứng thứ 5 trong số 28 nước EU có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 2 tỷ USD.
Nhiều công trình quan trọng, phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước chúng ta, như Trường Đại học Đức-Việt và Ngôi Nhà Đức tại Tp. Hồ Chí Minh. … Sắp tới, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tôi tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt nam với các nước EU, trong đó CHLB Đức là đối tác hàng đầu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Về quan hệ văn hóa, hai nước Việt Nam và Đức có một truyền thống lâu đời. Ngay từ năm 1955 những thiếu niên Việt Nam đầu tiên – còn gọi là "Moritzburger" – đã sang Đức học tập. Khoảng 70.000 người Việt Nam đã tu nghiệp hoặc làm việc ở Đức và có 10.000 lưu học sinh, nghiên cứu sinh đã hình thành nên một cây cầu độc đáo duy nhất ở Châu Á giữa Đức và Việt Nam. Hiện tại có khoảng 100.000 người Việt Nam nói tiếng Đức đang ở Việt Nam và khoảng 125.000 người Việt Nam hoặc người Đức gốc Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức; đây chính là nguồn nhân lực quan trọng góp phần xây dựng, duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam- Đức ngày nay.
Với quá trình hình thành và phát triển lâu dài như trên, cộng đồng người Việt ở Đức được coi là cộng đồng mạnh, hội nhập tốt vào nước sở tại và có những gắn kết khăng khít với trong nước. Việc tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết, tương thân tương ái để làm gương cho những thế hệ thứ hai, thứ ba hội nhập tốt với sở tại và gắn bó với quê hương là yếu tố hết sức quan trọng để cộng đồng chúng ta ngày càng lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước
Thời gian qua, tuy có những khó khăn nhất định nhưng quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học, hợp tác phát triển, môi trường vẫn được duy trì và phát triển. Điều đó chứng tỏ xu hướng tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước là không thể đảo ngược Nguyện vọng của nhân dân hai nước vẫn luôn mong muốn tăng cường tình hữu nghị, hợp tác, gặp gỡ, trao đổi để tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, nhằm khôi phục mối quan hệ đối tác chiến lược hướng tới tương lai giữa Việt Nam và Đức.
Bản thân tôi đã cảm nhận được sâu sắc xu thế đó khi có cơ hội tham dự Sự kiện Li-bet-xman tối hôm kia tại thành phố Hamburg. Tôi thực sự xúc động và trân trọng tình cảm của nhiều cá nhân và tổ chức, từ cộng đồng doanh nghiệp đến các chính trị gia, các vị nghị sĩ Đức dành cho Việt Nam.
Thưa các bạn,
Trong một thế giới không ngừng vận động, cả Việt Nam và Đức đều cần phải đổi mới về đối nội và đối ngoại để thích ứng với tình hình thế giới hiện nay. Tôi cho rằng với cùng đặc điểm về quá khứ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, về thành tựu đáng ngưỡng mộ của quá trình khôi phục và tái thiết đất nước sau chiến tranh của cả hai nước, sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng và gắn kết về văn hóa giữa hai dân tộc chúng ta, cũng như những thành quả đầy ấn tượng của sự hợp tác bền bỉ trong hơn 40 năm qua là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.
Cuộc gặp gỡ hôm nay thực sự là cuộc gặp của những người bạn- những người anh em Đức và Việt Nam. Chắc có nhiều bạn đang có mặt ở đây đã có điều kiện chứng kiến một Việt Nam đổi mới và đang trên đà phát triển. Trước những thách thức và những cơ hội mới chưa từng có đối với đất nước, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được tình đoàn kết, hữu nghị, sự hợp tác và giúp đỡ của các bạn Đức trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Cuối cùng, tôi xin chúc nhân dân và đất nước Đức phồn vinh, hạnh phúc. Chúc tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Đức không ngừng củng cố và phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư