Thứ hai, 00/00/2023
°

Bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”

Ngày 24/06/2019 - 08:57:00 | 318 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Kính thưa Đ/c Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam,

Kính thưa các Đ/c Ủy viên BCH TW Đảng,

Thưa toàn thể các đồng chí, các quý vị đại biểu, khách quý

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự đồng tình cao đối với sự cần thiết phải tổ chức một hội nghị khoa học cấp quốc gia về các vấn đề pháp lý trong bối cảnh CMCN 4.0 ngày hôm nay.

Tôi cũng đánh giá rất cao những kết quả thảo luận, các định hướng về pháp luật liên quan đến các các chủ đề: (1) Dân sự, kinh tế; (2) Chính phủ điện tử và đô thị thông  minh; (3) Tiếp cận công lý và An ninh mạng diễn ra trong sáng nay. Những thảo luận này đã bao trùm những nội dung, phạm vi chính nơi cuộc CMCN 4.0 đã diễn ra hết sức mạnh mẽ tại nước ta.

Để làm sâu sắc thêm những nội dung của Hội thảo, tôi xin trinh bày ngắn gọn nội dung tham luận về các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh CMCN 4.0 và định hướng hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư ở Việt Nam.

Thưa quý vị đại biểu

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế giới đã bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các ngành, nghề kinh doanh truyền thống với hiệu quả cao hơn, năng suất cao hơn.

Trong đó, mô hình gần gũi và phổ biến nhất là mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) với bản chất là sự hợp tác trong tiêu dùng, giữa các bên cung cấp, sử dụng dịch vụ/sản phẩm. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin đã cho phép người sở hữu chia sẻ những tài sản; kỹ năng; tài chính với những cá nhân khác một cách nhanh chóng thuận tiện; tối ưu hóa công suất sử dụng với chi phí thấp nhất. Bằng phương thức kết nối hiệu quả; tăng lợi ích xã hội do làm giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản, tài nguyên hiệu quả hơn; các mô hình kinh tế chia sẻ phát triển nhanh chóng cả về số lượng mô hình; lượng người tham gia; giá trị giao dịch và quy mô diễn ra rộng rãi trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, tuy các mô hình chia sẻ tuy xuất hiện muộn hơn nhưng với văn hoá chia sẻ vốn có của mình thì các sản phẩm kinh tế chia sẻ đã nhanh chóng được chấp nhận, trở lên quen thuộc với người dân. Từ các ứng dụng nhập khẩu như Uber, Grap, AirBnb, Agoda, Ebay…. các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã phát triển các sản phẩm thuần Việt về đặt xe (FastGo), đặt chỗ du lịch (Trippy.vn), tài chính (Ví Momo), bán hàng qua mạng (Tiki); chia sẽ văn phòng làm việc .... kết nối giữa người có tài sản, dịch vụ với người có nhu cầu thông qua nền tảng internet/mạng xã hội...

Những dịch vụ này đã tận dụng được tinh thần tương thân, tương ái, sẵn lòng chia sẻ giúp đỡ cũng như bản tính cần cù, chịu khó của người Việt; góp phẩn nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Mô hình kinh doanh mới sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động; đồng thời cũng sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, cũng như thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.

Thưa quý vị!

Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong hoàn thiện khung khổ thể chế chính sách về đầu tư, doanh nghiệp cũng nhưng nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng một cách đầy đủ nhất, nhanh chóng những yêu cầu về nội dung, trình tự của các dự án Khoa học công nghệ, các mô hình kinh doanh mới (như doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế chia sẻ, v..v..).

Các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi đầu tư còn dàn trải, thiếu tính chọn lọc, chưa thực sự khuyến khích sự phát triển của các dự án khoa học công nghê cao, mô hình kinh doanh mới. Tiêu chí, điều kiện và hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư thiếu tính linh hoạt, chậm được đổi mới để đáp ứng yêu cầu thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng cao, khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hoạt động nghiên cứu-phát triển (R&D), thúc đẩy liên kết ngành, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ (như kinh tế chia sẻ) thì còn thiếu các chính sách: đảm bảo cạnh tranh công bằng; quản lý chất lượng sản phẩm; phân định trách nhiệm các bên và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm đối với người lao động và chủ sử dụng lao động;…. Còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý thuế, quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Các quy định về an toàn, an ninh thông tin cũng còn chưa thực sự đầy đủ.

Thưa toàn thể Quý vị!

Hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới của CMCN 4.0 là thách thức chung đối với các chính phủ trên toàn cầu. Mỗi quốc gia có những cách ứng xử khác nhau về các mô hình kinh doanh mới: Singapore và các nước ASEAN có xu hướng ủng hộ GRAP, UBER hoạt động nhưng Hàn quốc, quốc gia rất năng động trong CMCN 4.0 thì lại hạn chế để bảo đảm quyền lợi cho lái xe taxi truyền thống....

Do đó, để tối đa hóa lợi ích của các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực, cần thiết phải phải đánh giá được xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số của thế giới và Việt Nam; phân tích và nâng cao nhận thức của xã hội về các hoạt động kinh tế này. …

Trên tinh thần đó, xin đề xuất một số giải pháp để tối ưu hóa các thành tựu của CMCN 4.0 cũng như những định hướng hoàn thiện thể chế chính sách như sau:

Thứ nhất, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về CMCN 4.0. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện và sắp trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai, thúc đẩy hình thành hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo để từ đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản, đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình dự thảo quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt thành lập Trung tâm.

Thứ ba, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có kinh tế chia sẻ.

Thứ tư, ở các lĩnh vực có tiềm năng rủi ro cao (tài chính, ngân hàng, v.v.), cần xây dựng khung thể chế thí điểm để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định đối với mô hình kinh doanh mới về cạnh tranh, lao động, chất lượng sản phẩm, an toàn thông tin, vấn đề thuế..., trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của mô hình này.

Thứ 6, quan trọng nhất, sớm để sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0:

(i) Bổ sung một số ngành nghề ưu đãi đầu tư mới theo hướng hỗ trợ sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới theo hướng bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư như: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

(ii) Áp dụng thủ tục đơn giản nhất về thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

(iii) Áp dụng thủ tục đơn giản nhất nhằm thuận lợi hóa việc gia nhập thị trường và thực hiện dự án đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ...

Trên đây là tham luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trân trọng cám ơn các quý vị đã lắng nghe, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác