Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng

Ngày 04/11/2019 - 16:11:00 | 406 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị:

Cử tri cho rằng, Báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua đánh giá có 12/12 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch là tín hiệu tốt; tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, đánh giá rõ hơn về sự tác động của các chỉ tiêu trên đến các mặt của đời sống xã hội. Theo cử tri thực tế sự tác động này là chưa lớn, còn hạn chế, trong đó tình hình kinh tế - chính trị - xã hội và trật tự an ninh của đất nước vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu ý. Đồng thời, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa bổ sung đánh giá, phản ảnh số liệu về GDP vùng để có giải pháp phát triển tương xứng. Cử tri đề nghị, trong công tác điều hành, cần tiếp tục quan tâm đến các yếu tố nêu trên.  

Trả lời:

1. Sự tác động của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đến đời sống xã hội

Qua số liệu năm 2018 có thể nói Việt Nam thành công 12/12 mục tiêu quốc hội đã đề ra, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có tác động đến đời sống xã hội trên các mặt sau:

1.1. Về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đều vượt kế hoạch đề ra

Xuất nhập khẩu hàng hoá là một hoạt động nằm trong lĩnh vực phân phối và lưu thông hàng hoá của một quá trình tái sản xuất mở rộng nhằm mục đích liên kết sản xuất với tiêu dùng của nước này với nước khác. Xuất khẩu năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017; nhập khẩu đạt 236,7 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2017 (thấp hơn mức 13,2% tăng trưởng xuất khẩu). Xuất nhập khẩu có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá hiện nay; nó tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội:

Trong lĩnh vực kinh tế: Thông qua xuất khẩu có thể làm tăng thu ngoại tệ, cải thiện cán cân thanh toán, tăng thu cho ngân sách nhà nước, kích thích đổi mới công nghệ, tiếp cận được phương thức quản lý và kinh doanh mới, cải biến cơ cấu kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, tạo sự cạnh tranh của hàng hoá nội và ngoại, nâng cao mức sống của người dân. Đối với những nước trình độ phát triển kinh tế còn thấp như nước ta, có những nhân tố tiềm năng như tài nguyên thiên nhiên, lao động; có những yếu tố thiếu hụt như vốn, kỹ thuật, thị trường và khả năng quản lý. Đây là một trong những giải pháp mở cửa nền kinh tế nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật của nước ngoài, kết hợp chúng với tiềm năng trong nước về lao động và tài nguyên thiên nhiên để tạo ra sự tăng trưởng mạnh cho nền kinh tế góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các nước giàu.

Hoạt động nhập khẩu góp phần thúc đẩy giao lưu sản xuất và tiêu dùng.  Nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị giúp cho sản xuất phát triển, cập nhật và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất để hướng đến đa dạng sản phẩm với chất lượng cao, chất lượng phù hợp với yêu cầu và trình độ tiêu dùng trong nước và quốc tế (hướng đến xuất khẩu).

Xuất nhập khẩu tăng trưởng làm cho thị trường hàng hóa đa dạng và phong phú với chất lượng ngày càng cao. Người dân có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hàng hóa đến từ các nước khác nhau với mức giá cả phù hợp và cạnh tranh, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thương mại đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và văn hóa của những bộ phân dân cư trong xã hội. Ví dụ: thông qua việc xuất nhập khẩu các sản phẩm văn hóa (phim ảnh, truyện,…) chúng ta đã đem đến những hiểu biết về văn hóa của các nước trong đại bộ phận người dân; đồng thời cũng mang ra thế giới những nét văn hóa, truyền thống của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu những hàng hóa này thúc đẩy giao lưu văn hóa từ đó có tác động nhất định đến hành vi tiêu dùng của người dân.

1.2. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân vượt kế hoạch có những tác động nhất định đến đời sống dân cư

CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đạt trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2018.

CPI đạt được dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra, đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng lãi suất hạ, thanh khoản tốt lên, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh.

CPI năm 2018 đạt 3,54%, trong khi đó, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, góp phần cải thiện mức sống thực tế của người dân. Đối với người tiêu dùng, cán bộ công chức, người nghỉ hưu, CPI ổn định là điều đáng mừng, bởi nỗi lo tăng giá không còn ám ảnh và đời sống nhân dân được ổn định hơn.

1.3. Chỉ tiêu Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt kế hoạch đề ra sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế

Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP trong 3 năm 2016-2018 lần lượt đạt 33,0% (2016), 33,4% (2017) và  33,5% (ước 2018); chứng tỏ tỷ lệ này chưa có xu hướng giảm. Vốn đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (khi Việt Nam đang là quốc gia đang phát triển, cần nhiều vốn đầu tư để đầu tư phát triển đặc biệt là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội). Do vậy, các nguồn vốn đầu tư cần phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, cần đầu tư tập trung, trọng điểm nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua hệ số ICOR đang dần được cải thiện: trong 3 năm 2016-2018 lần lượt đạt 6,42 (2016); 6,11 (2017); 5,97 (ước 2018), bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR đạt 6,17 thấp hơn mức 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Như vậy, chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP chỉ đánh giá dưới giác độ tác động đến tăng trưởng kinh tế, không tác động trực tiếp đến đời sống xã hội.

1.4. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm dần qua các năm tác động đến cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị là chỉ tiêu biểu hiện tỷ lệ so sánh số người thất nghiệp với lực lượng lao động trong khu vực thành thị. Thất nghiệp là những người không có việc làm, có các hoạt động tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc ngay khi có cơ hội việc làm trong giai đoạn tham chiếu.

Tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi (nam từ 14-59 và nữ từ 15-54) ở khu vực thành thị giảm dần từ năm 2015 là 3,37% đến năm 2018 chỉ còn tương đối thấp là 3,1%. Điều này, chứng tỏ số người tìm kiếm và sẵn sàng làm việc nhưng không tìm được việc làm giảm đi trong tổng số lực lượng lao động (gồm những người có việc làm và những người thất nghiệp). Khi tỷ lệ thất nghiệp giảm và thấp, người lao động sẽ tin rằng cơ hội tìm kiếm việc làm của họ sẽ tăng lên. Điều này góp phần tăng thu nhập cho người lao động, những người trước đây thất nghiệp giờ đã có thể tăng chi tiêu cho tiêu dùng.

1.5. Tỷ lệ che phủ rừng vượt kế hoạch đề ra tạo môi trườn tốt và tạo việc làm cũng như tăng thu nhập

Tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đã đạt kế hoạch đề ra, có tác động trực tiếp đến vệc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có cam kết của Việt Nam trong việc làm giảm ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu. Tỷ lệ che phủ rừng đạt mục tiêu kế hoạch cho thấy kết quả của các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên (như đóng cửa rừng tự nhiên, các chương trình khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng); phát triển rừng (trồng rừng mới, trồng rừng thay thế, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển…); nâng cao chất lượng rừng (thông qua việc thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018, tham gia của Việt Nam vào các công ước Quốc tế về bảo vệ rừng và tài nguyên rừng).

Tỷ lệ che phủ rừng là chỉ tiêu gián tiếp đánh giá tác động của rừng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân sống trong khu vực có rừng, đảm bảo cho người dân có cơ hội tăng sinh kế trực tiếp từ rừng thông qua tiến hành trồng rừng lấy gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, khai thác và thu nhặt các sản phẩm từ rừng, thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái.

1.6. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) và các chỉ tiêu còn lại tác động đến đời sống dân cư như sau:

- Tác động đến việc làm: Tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng số việc làm có thu nhập cao và tay nghề cao như khu vực FDI. Nền kinh tế đang chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Do đó, số lượng lao động từ nông thôn ra thành thị, từ tay nghề thấp sang tay nghề cao là một tín hiệu tốt đối với xã hội.

- Tác động của tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đến giảm nghèo: Trong những năm qua, đặc biệt năm 2018 được các tổ chức quốc tế đánh giá cao là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nó được phản ánh về thu - chi của hộ dân cư trong điều tra mức sống sẽ được trình bày ở phần sau.

- Tác động đến số lượng người được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện tăng lên qua các năm: Sự tăng trưởng về kinh tế, đảm bảo kinh tế vĩ mô đã giúp cho số người được tham gia BHYT, BHXH và BHTN được tăng lên nhanh chóng. Tăng trưởng giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng chính sách tiền lương và người lao động có thu nhập tham gia và chi trả các loại bảo hiểm đó. 

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và đời sống xã hội có mối quan hệ mật thiết. Tăng trưởng làm cho các doanh nghiệp và người dân thụ hưởng những thành quả của quá trình đó. Ngược lại, doanh nghiệp và người dân khi đã được đảm bảo những quyền lợi cũng phấn đấu phát triển cho bản thân, gia đình làm cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Theo kết quả sơ bộ của cuộc điều tra Khảo sát mức sống dân cư năm 2018 do Tổng cục Thống kê tiến hành, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2018 theo giá hiện hành đạt 3.876 nghìn đồng. So với năm 2016 thu nhập của dân cư năm 2018 tăng 25,1%. Bình quân 1 năm trong giai đoạn 2016-2018 thu nhập của dân cư tăng 11,9%. Cơ cấu về thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn thể hiện là tỷ trọng các khoản thu từ tiền công, tiền lương ngày càng tăng, năm 2018 đạt 51,1% (năm 2016 là 48%). Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm dần, năm 2018 chỉ còn 13,3% (năm 2016 là 16,5%). Tuy nhiên, thu nhập giữa các vùng có sự chênh lệch. Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Đông Nam Bộ (5.709 nghìn đồng/ người/tháng) gấp 2,3 lần vùng có thu nhập thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (2.455 nghìn đồng/người/tháng). Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm 5 (20% dân số giàu nhất) gấp 10 lần nhóm 1 (20% dân số nghèo nhất), mức chênh lêch này năm 2016 là 9,8 lần.

Chi tiêu bình quân đầu người/tháng năm 2018 theo giá hiện hành đạt 2.546 nghìn đồng, tăng 18% so với năm 2016. Chi tiêu của dân cư bình quân trong năm trong giai đoạn 2016-2018 tăng 8,6%. Cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình đang chuyển dịch theo hướng giảm dần chi tiêu về ăn, uống, hút và tăng dần chi tiêu cho các mặt hàng không phải ăn, uống, hút. Năm 2018, chi tiêu cho ăn, uống, hút chỉ chiếm 43,9% trong tổng chi tiêu (năm 2016 là 47,6%).

Việc hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội giao: (i) Số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 giường bệnh (giao 26,0 giường bệnh), đã đạt mục tiêu 5 năm 2016-2020 Quốc hội giao (26,5 giường bệnh); (ii) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm  y tế đạt 87,7% dân số (giao 85,2%) có tác động tích cực đến tình hình sức khỏe nhân dân. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2018 so với năm 2017 một số bệnh dịch có xu hướng giảm, gồm: sốt xuất huyết (giảm 50.622 ca), bệnh do liên cầu lợn (giảm 87 ca), bệnh do virut zika (giảm 37 ca), viêm màng não mô cầu (giảm 20 ca), thương hàn (giảm 2 ca). Tuy nhiên một số bệnh lại tăng lên như viêm màng não vi rút tăng 40 ca tương đương 5%, tay chân miệng và ho gà tăng 20 ca, đặc biệt dịch tay chân miệng tăng thêm 24.682 trường hợp tương đương 24%.

2. Về số liệu GDP theo vùng

Thực hiện Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Thống kê đã chính thức tính và công bố số liệu GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số liệu GDP vùng có thể được tổng hợp từ GRDP của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, xem xét, bổ sung số liệu GDP vùng vào báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp tới theo kiến nghị của cử tri.

Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác