Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng

Ngày 18/03/2019 - 10:32:00 | 226 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị số 01 :

Cử tri đề nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường.

Trả lời:

a) Giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững an ninh, quốc phòng:

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là nhiệm vụ xuyên suốt của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhằm hiện thực mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

(i) Các văn bản của Trung ương chỉ đạo về nội dung trên

- Nghị quyết 28 - NQ/TW ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/09/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về việc tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới.

- Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 5 năm 2011 - 2015; Tại nhiệm vụ thứ 14 Nghị quyết có nêu: Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tập trung hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền và bảo đảm an ninh biên giới, phân định ranh giới trên biển và bảo đảm an ninh trên biển; nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới. Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; phát triển công nghiệp hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an ninh kinh tế; bảo đảm tài chính, hậu cần, kỹ thuật phục vụ có hiệu quả công tác giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở những vùng trọng yếu và các nhiệm vụ khác liên quan;

- Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh đến năm 2020;

- Điều 4, Luật Quy hoạch, về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch đã nêu: Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường

(ii) Trong thời gian tới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/09/2008 cho phù hợp với diễn biến của tình hình hiện nay, trong đó có nội dung cụ thể về gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh.

- Nghiên cứu ban hành Nghị quyết về chiến lược bảo vệ biên giới, đồng thời triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu và triển khai thực hiện;

- Xây dựng dự án trình Quốc hội ban hành và sửa đổi các luật liên quan để thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh;

- Xây dựng chính sách đầu tư, huy động các nguồn lực có chất lượng cao, đa dạng các nguồn lực và tăng cường nguồn lực bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh đủ sức sản xuất các loại vũ khí, trang bị để tự bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là chủ quyền trên biển, đảo;

- Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện luật Quy hoạch (Điều 27) nội dung Quy hoạch tỉnh cụ thể: Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

b) Giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường

Sau 30 năm đổi mới, việc chuyển đổi mô hình kinh tế có tín hiệu chuyển biến tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng. Việc lồng ghép các mục tiêu ứng phó BĐKH, TTX và BVMT trong các quy hoạch phát triển được triển khai. Hệ thống CSDL thống nhất về TNMT bắt đầu được xây dựng.

Về BVMT, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm tiếp tục được đẩy mạnh thông qua thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; kiểm soát ô nhiễm ở các KCN; tỷ lệ thu gom chất thải rắn đã tăng lên; bước đầu đã triển khai thu hồi năng lượng từ chất thải. Về phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường, việc cung cấp nước sạch cho nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện. Đã đạt được những kết quả nhất định trong xử lý, cải tạo các vùng đất nhiễm chất độc đi -ô-xin. Về bảo tồn đa dạng sinh học, tỷ lệ che phủ rừng đã tăng lên; quy định đóng cửa rừng tự nhiên đã được ban hành và triển khai thực hiện. Số lượng khu bảo tồn đã tăng lên 169 khu với diện tích 2,1 triệu ha; các hoạt động bảo tồn loài, gien và kiểm soát an toàn sinh học tiếp tục được triển khai.

Trong quản lý tài nguyên, công tác điều tra cơ bản được chú trọng và đẩy mạnh. Đã cơ bản điều tra, lập bản đồ địa chính, đất đai; cơ bản hoàn thành điều tra địa chất về khoáng sản biển ven bờ sâu đến 30m nước, đối với bôxit, laterit và than ở bể Đông Bắc, bước đầu thực hiện điều tra đánh giá nguồn nước mặt, lập được bản đồ tài nguyên nước dưới đất; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu gốc trong việc cập nhật diễn biến rừng hàng năm; hoàn thành điều tra đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên đất, các loại khoáng sản về cơ bản đã được xây dựng. Về đất đai đã thực hiện các biện pháp thúc đẩy tích tụ ruộng đất, giảm tình trạng sử dụng đất manh mún trong nông nghiệp. Về khoáng sản, thực hiện cấp phép, đấu giá quyền khai thác, thu tiền cấp quyền khai thác, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô; thiết lập 48 khu vực dự trữ đối với 10 loại khoáng sản. Về tài nguyên nước, bước đầu thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm nước trong nông nghiệp, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,…

Về tăng trưởng xanh, đã tiến hành nghiên cứu hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh, bao gồm xây dựng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh Việt Nam và tính toán chỉ tiêu tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP cho các năm cơ sở 2016, 2017; Hỗ trợ hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành và tỉnh. Đến nay, 07 Bộ và 39 tỉnh đã hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh; Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu lồng ghép “Hướng dẫn đầu tư cho Tăng trưởng xanh tại Việt Nam” vào quá trình thẩm định đầu tư.

Dự báo và định hướng:

- Bối cảnh thế giới: Hòa bình, hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng 4.0, phát triển KHCN, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành tài nguyên, lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực và trtene biển đông vẫn diễn biến phức tạp. BĐKH, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm ĐDSH tiếp tục mang tính toàn cầu. Sự gia tăng khai thác tài nguyên trên sông Mê Công, sông Hồng ở các quốc gia thượng nguồn; việc kiểm soát loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu, dừng nhập khẩu phế liệu ở Trung Quốc sẽ là thách thức đối với tài nguyên môi trường Việt Nam. Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được liên hợp quốc kêu gọi các nước triển khai thông qua phát triển năng lượng sạch, ít phát thải cacbon và phát triển bao trùm. Thực hiện Chương trình nghị sự PTBV đến 2030 với 17 mục tiêu SDGs và Thỏa thuận Pari về BĐKH là những trọng tâm ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh mới, nhiều thách thức tiếp tục đặt ra đối với nước ta. Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ và chất thải. Ở trong nước, điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn lực còn hạn chế; hệ thống thể chế, chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, nhận thức của người dân, doanh nghiệp chưa cao.

- Về bảo vệ môi trường:

+ Duy trì và đảm bảo tăng cường các mục tiêu về môi trường và đa dạng sinh học

+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra và nâng các chế tài xử phạt vi phạm; đẩy mạnh sự công khai minh bạch và giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng để nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của chính sách pháp luật về TN&MT.

+ Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN, tăng cường HTQT trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.

- Về tăng trưởng xanh:

+ Hoàn thiện Báo cáo 05 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh làm căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012;

+ Thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Triển khai các hoạt động liên quan đến Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu 2030 (Diễn đàn P4G).

+ Thúc đẩy huy động nguồn lực từ Diễn đàn P4G cho các dự án hợp tác công tư tiềm năng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh;

+ Xây dựng Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Nội dung kiến nghị số 02 :

Đề án xây dựng Đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 24/1/2013, trong đó xác định xây dựng đảo Bạch Long Vỹ là Đảo Thanh niên. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực góp phần xây dựng chỉnh trang lại diện mạo cho đảo Bạch Long Vỹ, đồng thời đầu tư thêm nhiều công trình mới mang sắc vóc của thanh niên.

Trả lời:

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 24/1/2014 về phê duyệt Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đảo thanh niên thẩm định, trả lời bằng văn bản về nội dung đầu tư và nguồn vốn của các dự án xây dựng đảo Thanh niên giai đoạn 2013-2020 của các địa phương”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền hỗ trợ đầu tư một số dự án quan trọng cấp bách tại đảo Bạch Long Vỹ từ nguồn vốn NSTW thông qua các chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các dự án như: Chương trình Biển Đông – Hải Đảo; Chương trình Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt; Chương trình đầu tư khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền trên đảo Bạch Long Vỹ;… Các dự án: Hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo Bạch Long Vỹ - giai đoạn I; Dự án Trồng rừng phòng hộ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thích ứng biến đổi khí hậu huyện Bạch Long Vỹ,…đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và diện mạo mới cho đảo Bạch Long Vĩ.

Do đó, với kiến nghị của cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và tiếp tục báo cáo cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ cho Đảo. Tuy nhiên, đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đảo Thanh niên đánh giá lại quá trình thực hiện Đề án; có đề xuất các dự án cụ thể gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ vốn.

Nội dung kiến nghị số 03 :

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, không gian phát triển rộng mở hơn, song hạ tầng đô thị cả nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng chưa phát triển kịp gây ra nhiều bất cập, nhu cầu sử dụng không gian chung ngày càng tăng tại các khu đô thị (như khu vui chơi giải trí, công viên, bãi đỗ xe,…). Trong khi đó, nguồn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, doanh nghiệp còn hạn chế tham gia đầu tư do nhu cầu vốn lớn, thu hồi vốn chậm và thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi. Cử tri đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình hạ tầng giao thông tĩnh (bãi đỗ xe), công viên và khu vui chơi giải trí.

Trả lời:

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu trong bối cảng tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh. Đồng thời, việc thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng bãi đỗ xe nhằm giải quyết vấn đề giao thông tĩnh cho các đô thị còn hạn chế do việc đầu tư xây dựng bãi đỗ xe có thời gian thu hồi vốn chậm. Do đó, cần phải có những cơ chế, chính sách thu hút và khuyến khích, cụ thể:

- Cần phải có quy hoạch và dành quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, vấn đề này thuộc thẩm quyền của địa phương;

- Cần có các chính sách ưu đãi về thuế, dành nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi, dài hạn đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, vấn đề này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Về chính sách thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, công viên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, việc đầu tư xây dựng công viên và bãi đỗ xe là thuộc lĩnh vực nhà nước khuyến khích việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác