Nội dung kiến nghị số 01
Cử tri kiến nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung liên quan đến Luật Đầu tư công, cụ thể: Tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công quy định:
“a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư: xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án. b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.”
Thực tế phát sinh một số dự án mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin có cấu phần xây dựng nhưng tỷ lệ rất nhỏ (chỉ chiếm 1-5% tổng mức đầu tư dự án). Tuy nhiên, theo quy định dự án này vẫn được phân loại dự án có cấu phần xây dựng (phải lấy ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng) trong khi tỷ lệ cấu phần xây dựng trong các dự án này là không đáng kể. Do đó, đề nghị xem xét chuyển phân loại dự án mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin có cấu phần xây dựng nhưng tỷ lệ rất nhỏ (chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án và không quá 15 tỷ đồng) sang dự án không có cấu phần xây dựng.
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công quy định, căn cứ vào tính chất của dự án, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng. Đối với các dự án có cấu phần xây dựng nhỏ đã được đơn giản hóa tại các văn bản pháp luật về xây dựng. Do đó, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng chuyển phân loại dự án mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin có cấu phần xây dựng nhưng tỷ lệ rất nhỏ (chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án và không quá 15 tỷ đồng) sang dự án không có cấu phần xây dựng là không cần thiết.
Nội dung kiến nghị số 02
Đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa nội dung quy định giữa Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, quan trọng. Cụ thể: Luật Đầu tư công quy định: “Nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư của các chương trình, dự án chỉ yêu cầu phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường, xã hội”. Tuy nhiên tại điểm a khoản 2, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc sau: a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư;..”
Trả lời:
Hiện nay, quy định giữa Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường về yêu cầu “có đánh giá sơ bộ tác động về môi trường” hay “báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được phê duyệt” trước khi quyết định chủ trương đầu tư còn chưa thống nhất, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, nội dung kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn về việc nghiên cứu chỉnh sửa nội dung quy định giữa Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công là cần thiết. Vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ghi nhận để tham gia ý kiến khi sửa đổi các quy định của pháp luật về môi trường.
Nội dung kiến nghị số 03
Với việc định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh cần phải đầu tư, nhất là công tác trồng rừng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn với xóa đói, giảm nghèo. Tính đến năm 2018 toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng được 21.033ha đạt 65% kế hoạch và trong 02 năm tới cần trồng 11.470ha. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do trung ương phân bổ chỉ đáp ứng khối lượng thực hiện trồng rừng đến năm 2018, 02 năm tiếp theo tỉnh không đủ nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho công tác trồng rừng. Do đó, đề nghị quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét có chính sách hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện trồng rừng đạt mục tiêu kế hoạch.
Trả lời:
Việc đầu tư các dự án của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và kế hoạch hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 tại Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 và số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách Trung ương có hạn, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng và hiện chưa có nguồn bổ sung.
Đề nghị các địa phương căn cứ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, đồng thời huy động nguồn vốn ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn, nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định 75/NĐ-CP và Quyết định 38/QĐ-TTg; thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 về phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững.
Nội dung kiến nghị số 04
Hiện nay tỉnh Bắc Kạn có 180.218,65ha diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất, nhưng chưa được bố trí kinh phí để thực hiện giao khoán cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân. Đề nghị xem xét bố trí kinh phí cho địa phương để triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất để người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.
Trả lời:
Đối với đề nghị hỗ trợ kinh phí cho địa phương triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất; đề nghị Tỉnh thống nhất với Bộ Tài chính sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ nội dung này.
Nội dung kiến nghị số 05
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu hướng dẫn thực hiện 01 bộ hồ sơ (từ khâu lập hồ sơ xây dựng đến khâu thanh quyết toán công trình) khi thực hiện đầu tư một tuyến đường giao thông tại các huyện nghèo từ các nguồn vốn chương trình khác nhau (nguồn vốn Chương trình 30a, nguồn vốn Chương trình 135, nguồn vốn Chương trình nông thôn mới) để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh việc phải thực hiện từng hồ sơ theo từng nguồn vốn chương trình, gây khó khăn cho địa phương.
Trả lời:
Hiện nay, về đầu tư xây dựng các dự án nói chung gồm các khâu cụ thể: lập kế hoạch, phê duyệt dự án, thiết kế chi tiết, thanh quyết toán, kiểm tra giám sát… được điều chỉnh bởi các văn bản pháp quy mang tính chuyên ngành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước, các Luật chuyên ngành khác…).
Đối với các dự án thuộc các chương trình như 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngoài tuân thủ các quy định chung về quản lý nhà nước trong công tác đầu tư xây dựng, để tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện, nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành (Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ; Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị trên và sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét khi tiến hành xây dựng các văn bản pháp quy liên quan./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư