Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định

Ngày 18/03/2019 - 09:58:00 | 168 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị số 01 :

Cử tri kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019 và đề ra giải pháp, đối sách phù hợp ngay từ đầu năm. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020; xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Kế hoạch cơ cấu lại các ngành dịch vụ theo các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan để xóa bỏ rào cản, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ.

Trả lời:

a) Công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019 và đề ra giải pháp, đối sách phù hợp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện ngay từ trong năm 2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019”, trong đó đã dự báo bối cảnh thế giới và trong nước trong năm 2019, đề ra mục tiêu tổng quát và dự kiến các chỉ tiêu phát triển chủ yếu năm 2019. Cuối năm 2018, Tổng cục thống kê đã công bố Báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018”, đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và cập nhật số liệu cả năm 2018.

b) Tính đến tháng 2 năm 2019, bối cảnh thế giới và trong nước đã có một số diễn biến mới như sau:

- Về bối cảnh thế giới: Cục diện địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp trong năm 2018 và sẽ kéo dài sang các năm tiếp theo. Các cường quốc đều có sự điều chỉnh chiến lược nhằm tranh giành ảnh hưởng, khẳng định vị thế của mình, điển hình nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng bảo hộ ở nhiều quốc gia, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại một số khu vực và nền kinh tế lớn cũng là những diễn biến mới, rất đáng chú ý và đang ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.

Các diễn biến của các sự kiện địa chính trị được đánh giá là đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, những cập nhật mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 01 năm 2019 cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn tương đối khá nhưng có phần suy yếu so với năm 2018, dự báo đạt 2,0%; điều chỉnh giảm -0,1% so với dự báo công bố vào tháng 10/2018. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang được đánh giá là tích cực trong khi đó triển vọng kinh tế khu vực EU đã được điều chỉnh khá mạnh, từ 1,9% xuống 1,6%. Nguyên nhân là do kinh tế Đức và Ý có nguy cơ suy giảm tăng trưởng do sự suy giảm của công nghiệp chế tạo, rủi ro về tài chính tăng lên và chính sách tiền tệ ngày càng được thắt chặt hơn. Triển vọng kinh tế Nhật Bản được đánh giá rất tích cực do chính phủ nước này tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và nỗ lực giảm thiểu tác động của chính sách tăng thuế tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống 6,5% năm 2018 và dự báo chỉ đạt 6,2% năm 2019, mức thấp nhất trong khoảng gần 30 năm. Tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ được đánh giá là một trong những nguyên nhân của sự suy giảm này. Đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới, dẫn đến dự báo tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã bị IMF điều chỉnh đến -0,4%, từ 5,1% xuống 4,7%.

- Về tình hình trong nước và dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2019: Tổ tư vấn của Thủ tướng đã căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2018, cơ hội thách thức của nền kinh tế năm 2019 để đề xuất 03 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế, GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%. Năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 và 2020. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,84%/7,02% (kịch bản cơ sở/kịch bản cao) trong năm 2019 và 7%/7,2% năm 2020.

Tại phiên họp ngày 28 tháng 12 năm 2019, Chính phủ đưa ra mục tiêu GDP tăng 6,8%, trong ngưỡng 6,6-6,8% được Quốc hội thông qua cuối tháng 11, đồng thời đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%. Để hiện thực hoá mục tiêu này, một trong những giải pháp hàng đầu là “củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”. Chính phủ tiếp tục nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Việc điều hành lãi suất, tỷ giá cũng sẽ theo hướng linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Các nội dung chi tiết khác đã được Chính phủ cụ thể hóa trong 08 nhóm giải pháp lớn của Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ.

c) Về tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

Ngày 06/12/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 13046/VPCP-KTTH thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 và tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan để xây dựng Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 10380/BKHĐT-KTDV ngày 21/12/2017 gửi các Bộ, ngành có liên quan để phối hợp triển khai nhiệm vụ được giao trong đó yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phối hợp 02 nội dung:

- Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020 đối với các lĩnh vực dịch vụ thuộc phạm vị quản lý, phụ trách; đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua nhằm đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, đồng thời kiểm soát xuất nhập khẩu dịch vụ;

- Dự kiến Chiến lược phát triển lĩnh vực dịch vụ thuộc phạm vi quản lý, phụ trách trong giai đoạn tiếp theo (2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035) trong đó lồng ghép nội dụng xuất nhật khẩu dịch vụ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng dự thảo Đề cương sơ bộ “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ngày 13/9/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 6437/BKHĐT-KTDV gửi các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến góp ý Dự thảo Đề cương sơ bộ và đã hoàn thiện Đề cương theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan.

Ngày 09/11/2018, Chính phủ Ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020; xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 8187/BKHĐT-KTDV ngày 15/11/2018 gửi các Bộ, ngành liên quan đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá và cung cấp các thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách theo nội dung Đề cương đã hoàn chỉnh trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành.

Đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục xin ý kiến của các Bộ, ngành và xây dựng báo cáo “Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020” và xây dựng “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Nội dung kiến nghị số 02 :

Cử tri kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án chậm tiến độ giải ngân, nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công. Cử tri kiến nghị tăng cường giám sát, kiểm tra các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, đảm bảo hiệu quả trong quản lý và sử dụng nợ công.

Trả lời:

a) Cử tri kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án chậm tiến độ giải ngân, nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công:

Thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 30/8/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và Nghị quyết số 44/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội Khóa XIV về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu tư tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trong đó có nội dung về giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương qua đó làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.

Trong năm 2018, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành 08 cuộc thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015 - 2017 tại các tỉnh: Lai Châu, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai và Kontum.

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu xuất toán; thu hồi, giảm trừ khi thanh, quyết toán và xử lý về mặt kinh tế với tổng số tiền là: 552.599.600.161 đồng (trong đó: thu về ngân sách Trung ương là: 26.220.024.665 đồng, thu về ngân sách địa phương là: 3.754.596.330 đồng, giảm trừ khi quyết toán là: 144.353.688.661 đồng, xử lý khác về mặt kinh tế: 378.901.290.505 đồng).

Trên cơ sở những phát hiện qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các cơ quan liên quan chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong quản lý, điều hành, triển khai thực hiện dự án; thực hiện nghiêm túc các nội dung trong các Kết luận thanh tra.

Năm 2019, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện 07 cuộc thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đầu tư công tại 07 tỉnh: Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Phú Thọ, Bắc Giang, Bình Định, Hưng Yên và Hậu Giang.

b) Cử tri kiến nghị tăng cường giám sát, kiểm tra các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, đảm bảo hiệu quả trong quản lý và sử dụng nợ công:

- Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm toán, kiểm sát và đánh giá dự án được Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Luật Đầu tư công đã dành một chương riêng cho công tác này (Chương IV), trong đó có Điều 82 (Giám sát đầu tư của cộng đồng). Căn cứ Luật Đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/09/2015 thay thế Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 về giám sát và đầu tư.

Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong các nghị định (Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP) đều dành một Chương riêng cho công tác giám sát và đánh giá.

- Công tác giám sát: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Cổng thông tin điện tử về giám sát đầu tư công, bao gồm tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

- Công tác đánh giá: Các nghị định quy định cụ thể các loại đánh giá (đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động) với nội dung yêu cầu cụ thể. Khác với nguồn vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định phải thuê tư vấn độc lập tiến hành trên cơ sở kế hoạch giám sát và đánh giá nằm trong văn kiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở các văn bản pháp quy này, các ngành, các cấp đã tổ chức đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Một số dự án ODA, vốn vay ưu đãi tiến hành đánh giá chung cùng nhà tài trợ để vừa nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đánh giá vừa đảm bảo chất lượng và tính toàn diện của báo cáo đánh giá.

Nội dung kiến nghị số 03 :

Cử tri tiếp tục mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải sớm có phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án đường Quốc lộ 19 từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1 để hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, tránh lãng phí; đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường vì hiện nay các phương tiện vào Cảng Quy Nhơn đều phải đi vào nội thành.  

Trả lời:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về phương án phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, trong đó đã bố trí một phần cho dự án là 600 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác