Nội dung kiến nghị số 1:
Đề nghị ủy quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch đô thị thuộc các đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (đô thị loại 1, Khu Kinh tế) đảm bảo các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy đinh tại Khoản 2 Điều 49 Luật Quy hoạch số 30/2009/QH12; khoản 2 Điều 37 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (khi nội dung dự kiến điều chỉnh không ảnh hưởng lớn đến tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết).
Lý do đề xuất: Trong quá trình triển khai các quy hoạch Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung thành phố Hạ Long, quy hoạch chung Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) cần bổ sung một số dự án phát sinh đang dự kiến triển khai (Tuyến đường bao biển thành phố Cẩm Phả - Hạ Long; Khu phức hợp đô thị Hạ Long xanh tại Quảng Yên và thành phố Hạ Long; Khu xử lý CTR liên vùng tại Hoành Bồ; tuyến cáp treo vào chủa Lôi Âm; Khu đô thị đồi Hùng Thắng ...) để phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển thực tế; nếu phải triển khai lập điều chỉnh quy hoạch, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch (theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Quy hoạch số 30/2009/QH12) sẽ mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến công tác quản lý, đầu tư phát triển.
Trả lời:
Về đề nghị ủy quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch đô thị thuộc các đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (đô thị loại 1, Khu Kinh tế) như đã nêu trên của cử tri thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về quy hoạch đô thị và thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Để nghị chuyển nội dung kiến nghị trên tới Bộ Xây dựng để cung cấp thêm thông tin trả lời cử tri.
Nội dung kiến nghị số 2:
Đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định 120/NĐ-CP ngày 13/9/2018: Đối với vốn chuẩn bị đầu tư hoặc dự án chuẩn bị đầu tư không cần quy định thời gian phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư (chỉ cần phê duyệt trước khi bố trí vốn).
Lý do đề xuất: Dự thảo Luật sửa đổi và Luật hiện hành không có quy định về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch trong kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên hiện tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 120/NĐ-CP ngày 13/9/2018 lại quy định điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phải được phê duyệt “Dự toán chuẩn bị đầu tư”trước 31/10 năm trước năm kế hoạch. Đây là nội dung vướng mắc và chưa thực sự linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư vì: không thể bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án mới phát sinh trong năm kế hoạch. Do đó làm chậm công tác chuẩn bị đầu tư và chậm tiến độ dự án đồng thời làm lỡ cơ hội phát triển KT-XH (theo mục tiêu mới phát sinh).
Trả lời:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về nội dung này trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019.
Nội dung kiến nghị số 3:
Đề nghị khẩn trương nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định cơ chế chính sách ưu đãi về kinh tế, xã hội đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý phát triển Khu kinh tế ven biển Vân Đồn theo theo mục tiêu Trung ương đề ra: Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiến Giang); nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng kết nối đã đầu tư, nhằm thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh, vùng kinh tế và cả nước.
Trả lời:
- Hiện nay, KKT Vân Đồn đang được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế, tài chính, đất đai.
- Về kiến nghị ban hành Nghị quyết quy định cơ chế chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội cho KKT Vân Đồn: sau khi Quốc hội, Chính phủ đồng ý về chủ trương vào giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất, xây dựng Nghị quyết riêng cho KKT Vân Đồn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nội dung kiến nghị số 4:
Trong Báo cáo số 264/BC-ĐĐBQH ngày 16/10/2018 của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh về Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri các huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị: “Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm bố trí nguồn để thực hiện đầu tư hoàn thiện hệ thống kè biên giới bảo vệ an ninh quốc phòng và ổn định tư tưởng, đời sống nhân dân.”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 221/BKHĐT-TH ngày 09/1/2019 trả lời thời gian qua Đảng và Chính phủ quan tâm việc xây dựng kè biên giới: Xây dựng tường kè bảo vệ khu vực Cột mốc số 1362 đoạn Km 10 xã Bắc Sơn. Tường kè Mốc 1347 Cửa khẩu Pò Hèn thành phố Móng Cái. Xây dựng tuyến tường kè bảo vệ bờ sông biên giới khu vực Cột mốc 1345, Mốc 1346, 1370, kè bảo vệ bãi Sa Vỹ, Móng Cái. Xây dựng tuyến kè bảo vệ Biên giới mốc 1313, tường kè Cột mốc 1313, Mốc 1314, Mốc 1315, sửa chữa kè Mốc 1317, Mốc 1321 xã Hoành Mô, Mốc 1324 xã Đồng Văn, Bình Liêu. Xây dựng kè Cột mốc 1343 huyện Hải Hà. Hiện nay còn 2 Dự án nằm trong danh mục theo Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 20/4/2010 đang trong quá trình đầu tư: Kè bảo vệ khu vực Coong Pa Xá (mốc 1351/1, kè khu vực Cột mốc số 1346 tp Móng Cái. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng CP xem xét hỗ trợ cho 2 Dự án này khi có điều kiện về nguồn vốn.
Trước tình hình mưa bão diến biến phức tạp, các dòng chảy sông suối tiếp tục xói mòn vào phần đất biên giới của Tổ quốc, Cử tri và nhân dân vùng giáp biên liên tục đề nghị có giải pháp cụ thể để giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng có cơ chế cho Tỉnh Quảng Ninh sử dụng ngân sách địa phương đầu tư nâng cấp, xây dựng một số điểm kè, cột mốc bị xói mòn hư hỏng để bảo vệ phần đất đai, ổn định dòng chảy sông suối của trên tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và ổn định tư tưởng người dân vùng biên giới.
Trả lời:
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách trung ương hạn chế, việc cử tri và nhân dân vùng giáp biên giới đề nghị sử dụng ngân sách địa phương đầu tư nâng cấp, xây dựng ngay một số điểm kè, cột mốc bị xói mòn hư hỏng để bảo vệ phần đất đai, ổn định dòng chảy sông suối của trên tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đặc biệt trong mùa mưa bão và ổn định tư tưởng của người dân vùng biên giới là cần thiết.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ kiến nghị của cử tri và đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao rà soát và lựa chọn những đoạn xung yếu, cấp bách cần làm này và hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư