Nội dung kiến nghị số 1
Đối với các dự án lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, cử tri đề nghị cần chọn lọc các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, không để thất thoát tài sản của Nhà nước và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm.
Trả lời:
Tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 và Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT ngày 16/12/2016 đã hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất quy định về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính - thương mại của nhà đầu tư nhằm đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đề xuất thực hiện dự án đạt hiệu quả cao nhất.
Để ràng buộc trách nhiệm thực hiện công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, đối với dự án PPP, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (khoản 1, 3 Điều 51 và điểm d khoản 1 Điều 52) quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ của dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng dự án và đề nghị nhà đầu tư yêu cầu nhà thầu điều chỉnh hoặc đình chỉ thi công khi xét thấy chất lượng công việc thực hiện không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư bổ sung các hành vi bị cấm trong quá trình chuẩn bị, lựa chọn nhà đầu tư, triển khai, thực hiện dự án PPP và chế tài xử lý vi phạm.
Nội dung kiến nghị số 2
Cử tri cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 70% GDP nhưng đầu tư cho loại hình doanh nghiệp này chưa thỏa đáng, trong khi đó doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả thấp thì lại được đầu tư lớn. Cử tri đề nghị có những chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển hơn nữa.
Trả lời:
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành ngày 12/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Sự ra đời của Luật đã góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, các chủ trương tại Nghị quyết Đại hội Đảng và Nhà nước về đảm bảo các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Đây là đạo luật đầu tiên của Việt Nam về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Luật quy định các chính sách hỗ trợ chung, cơ bản cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa như hỗ trợ tín dụng, thuế, thông tin, công nghệ, đào tạo, tư vấn, mặt bằng sản xuất...; đồng thời quy định 03 nhóm chính sách hỗ trợ trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Một số kết quả đạt được sau khi Luật có hiệu lực thi hành:
(1) Về khung pháp lý hướng dẫn triển khai Luật cơ bản được ban hành đầy đủ:
a) Ở cấp Trung ương:
- Ngày 08/03/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hướng dẫn thi hành Điều 9 của Luật, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng.
- Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nhằm hướng dẫn thi hành Điều 18 của Luật, xác định địa vị pháp lý và khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là startup).
- Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật nhằm hướng dẫn thi hành hầu hết các nội dung hỗ trợ của Luật, bao gồm: điều 14 (Hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý), Điều 15 (Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực), Điều 16 (Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh), Điều 17 (Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo) và Điều 19 (Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị).
- Ngày 10/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hướng dẫn thi hành Điều 20 của Luật, hỗ trợ cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Sau khi các nghị định được Chính phủ ban hành, các bộ cũng đã khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết để các nội dung hỗ trợ, hoạt động đủ căn cứ pháp lý triển khai, cụ thể:
- Về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tư vấn được triển khai trong thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành: Thông tư số 05/2019/TT- BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Thông tư số 54/2019/TT-BTC ngày 21/8/2019 hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên.
- Về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTC ngày 18/3/2019 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 57/2019/TT-BTC ngày 26/8/2019 hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Về hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ưu đãi từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hiện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo một số thông tư hướng dẫn các hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(2) Công tác đôn đốc, hướng dẫn triển khai Luật được triển khai kịp thời
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để chỉ đạo các bộ, ngành địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuộc sống.
- Trong năm 2018 và 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp triển khai 07 Hội nghị, hội thảo (01 Hội nghị cấp quốc gia, 03 Hội nghị cấp vùng trong năm 2018, 03 Hội thảo cấp vùng năm 2019) về hướng dẫn và đánh giá tình hình triển khai Luật trên toàn quốc; xây dựng báo cáo tình hình triển khai Luật hằng năm trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phối hợp với các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tổ chức hơn 20 hội thảo hướng dẫn triển khai Luật ở địa phương.
(3) Hầu hết các địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Tính đến hết tháng 01 năm 2020, có 50/63 địa phương xây dựng và ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Trong đó một số địa phương đã rất quyết liệt trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bố trí kinh phí của địa phương để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Tháp,...
Một số tỉnh/thành phố đã rất chủ động và sáng tạo ban hành các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, như: Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn về phí công bố thông tin doanh nghiệp lần đầu, phí làm dấu; thực hiện tư vấn miễn phí 01 năm về thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp; tỉnh Long An thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp các thủ tục hành chính thuế khi mới thành lập và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng; thành lập 16 điểm hồ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin và hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thuế. Các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế... đã ban hành chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp.
Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình để trả lời cử tri./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư