Nội dung kiến nghị (số 17 tại văn bản số 6230/ VPCP-QHĐP):
a) Theo Điều 5 Luật Đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A cho phép tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập để thực hiện trước; các dự án còn lại, việc GPMB chỉ được triển khai tại bước thực hiện dự án, tức là sau khi dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư (Điều 54). Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai theo hướng cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng riêng và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án, tách ra khỏi hoạt động thực hiện dự án. Vì, Luật Xây dựng qui định chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án; còn Luật Đất đai quy định việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng căn cứ: kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.
b) Cử tri đề nghị quy định rõ chế tài xử lý đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công theo hướng điều chuyển vốn đầu tư đối với các bộ ngành, địa phương chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho các Bộ, ngành, địa phương khác có khả năng giải ngân nguồn vốn tốt hơn để sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng đem lại hiệu quả khai thác công trình, lợi ích KT-XH cho nhân dân.
c) Để tiếp tục xây dựng và phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ trong thời gian tới, cử tri đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành trung ương có cơ chế, chính sách ưu đãi về: nguồn vốn, chính sách thuế, cơ chế bù lỗ, hỗ trợ rủi ro, về chế độ thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao... để thu hút đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ như: Cung ứng vật tư nghề cá, nhiên liệu và dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, lưu trú; phát triển đội tàu dịch vụ khai thác hải sản trên biển; phát triển công nghiệp phục vụ khai thác, sơ chế và bảo quản hải sản; dịch vụ y tế, giáo dục, viễn thông, hệ thống ngân hàng; phát triển các dịch vụ hàng hải,... tạo động lực phát triển KT-XH huyện đảo.
d) Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công - tư trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh nhập khẩu vaccine, khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu trực tiếp các loại vaccine đã được cấp phép và công nhận theo quy định pháp luật để tiêm phòng cho người dân; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tiến tới tự chủ vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả.
đ) Cử tri đề nghị Chính phủ xây dựng một chiến lược căn cơ, lựa chọn một số thành phố có điều kiện như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… để tập trung đầu tư, phát triển, đưa các thành phố này trở thành trung tâm của mạng lưới đô thị quốc gia và xuyên quốc gia, kết nối những dòng chảy về vốn, công nghệ, hàng hoá, dân số và các lĩnh vực văn hoá - xã hội của Việt Nam và Thế giới.
e) Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét đẩy mạnh phân cấp cho địa phương được phép điều chỉnh quy hoạch ở quy mô nhất định, không ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung và các chỉ tiêu chính của quy hoạch.
Trả lời:
a) Về đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai theo hướng cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng riêng và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án, tách ra khỏi hoạt động thực hiện dự án
Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị giao Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm tách việc giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 06/8/2021 về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng nhằm chỉ đạo xây dựng Đề án.
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5318/VPCP-NN ngày 04/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án nêu trên, sớm trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp chuyên đề cuối năm 2021.
b) Về đề nghị quy định rõ chế tài xử lý đối với các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công
Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã nêu rõ (điểm đ mục 5) về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, ngoài giải pháp điều chuyển vốn từ dự án, cơ quan giải ngân chậm sang dự án, cơ quan khác để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ còn quy định trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài Nghị quyết số 63/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công như tổ chức các Hội nghị toàn quốc, ban hành Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021,…
c) Các chính sách xây dựng và phát triển hút đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ tạo động lực phát triển KT-XH huyện đảo Bạch Long Vĩ
- Về du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí, lưu trú: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Du lịch năm 2017, Ủy ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng chủ động trong việc ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ vui chơi giải trí, lưu trú… nhằm phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ.
- Về dịch vụ viễn thông: Chính phủ đang xem xét phê duyệt “Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025” (trong đó có nội dung hỗ trợ các huyện đảo, bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ).
- Về hệ thống ngân hàng: Trong thời gian qua, trên cơ sở định hướng của Đảng và Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố, vùng sâu vùng xa nói riêng, trong đó có huyện đảo Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng. Cụ thể ngoài các chính sách chung như: đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi vay; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán; triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng đặc thù, tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ; đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới, thân thiện, tiện lợi mang lại lợi ích thiết thực để người dân (ở cả khu vực thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo) có thể tiếp cận và trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng hiện đại bên cạnh các dịch vụ truyền thống.
Riêng đối với huyện đảo Bạch Long Vĩ, hiện nay trên huyện đảo hiện có hoạt động của NHCSXH Chi nhánh Hải Phòng với 01 Hội Nông dân ủy thác, 04 Tổ tiết kiệm vay vốn. Nguồn vốn vay chính trên huyện đảo đến từ NHCSXH và nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nhân dân, ngoài ra còn một phần nguồn vốn cho vay đến từ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đảo, mang lại cơ hội cho người dân huyện đảo phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
- Dịch vụ y tế: Trong thời gian qua, ngoài các chế độ chính sách quy định chung đối với cán bộ, viên chức thì cán bộ, viên chức y tế đang được hưởng các loại phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi nghề; Chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ; Chế độ phụ cấp đặc thù . Đối với cán bộ, viên chức y tế nói chung và nhân viên y tế cấp xã nói riêng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện đảo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề y tế mức cao nhất 70% và các chế độ khác theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP.
- Phát triển công nghiệp phục vụ khai thác, sơ chế và bảo quản hải sản: trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định nhằm hỗ trợ các địa phương, người dân tham gia hoạt động sản xuất thủy sản có điều kiện tăng cường phát triển thủy sản tại địa phương như: hỗ trợ đầu tư hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần và một số ưu đãi về thuế đối với các hoạt động sản xuất thủy sản. Trong đó cũng có quy định cụ thể về hỗ trợ doanh nghiệp có dự án xây dựng, ưu tiên bố trí đầu tư xây dựng công trình tại các đảo (như: bến cảng phục vụ vận chuyển sản phẩm nông lâm thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền) bao gồm đảo Bạch Long Vĩ. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Phát triển thủy sản bền vững”, trong đó có dự án “Nâng cấp cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Bạch Long Vĩ” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
d) Về đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công - tư trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
* Về việc đẩy nhanh nhập khẩu vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý để thúc đẩy việc đàm phán, mua vắc-xin với các nhà sản xuất trong trường hợp cấp bách. Ngày 26/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, trong đó “Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên” với số lượng khoảng 150 triệu liều.
Tính đến ngày 25/9/2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 53,8 triệu liều, Các loại vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam đang nhập khẩu, nhận tài trợ đều đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc hoặc cơ quan quản lý dược của các nước trong danh sách SRA (Cơ quan quản lý dược chặt chẽ) phê duyệt sử dụng.
Việc cung ứng vắc-xin còn chậm do tình trạng khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu; tiến độ giao vắc-xin phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất, cung ứng: Vắc-xin trong Chương trình COVAX được ưu tiên cung ứng cho các nước có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng (trong khi Việt Nam được đánh giá là chống dịch tốt). Mặt khác, điều kiện mua vắc-xin rất khắt khe, chưa có trong tiền lệ và còn một số vướng mắc trong pháp luật Việt Nam.
* Về việc khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu trực tiếp các loại vắc-xin đã được cấp phép và công nhận theo quy định pháp luật để tiêm phòng cho người dân. Ngày 31/5/2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 4433/BYT-QLD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, các doanh nghiệp, tổ chức có nguồn cung vắc-xin phòng COVID-19 hướng dẫn việc tăng cường tiếp cận vắc-xin phòng COVID-19. Đối với các trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu có đề nghị cụ thể về việc nhập khẩu vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã có công văn trực tiếp hướng dẫn cho đơn vị.
* Về việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, tiến tới tự chủ vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả
Trong điều kiện cấp thiết cần có vắc-xin cho nhu cầu phòng chống đại dịch COVID-19, song song với các nỗ lực đàm phán mua vắc-xin từ các nhà sản xuất nước ngoài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng COVID-19 trong nước, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp trong nước.
- Về sản xuất vắc-xin trong nước
+ Vắc-xin Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 8/2021; hoàn thành việc tiêm vắc-xin cả 2 liều của giai đoạn 2 và giai đoạn 3, đang tiếp tục thu thập dữ liệu đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin theo đề cương nghiên cứu đảm bảo an toàn, hiệu quả.
+ Vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang đã đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, hoàn thành tiêm liều 1, liều 2 (vào tháng 9/2021) của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Sau khi có kết quả đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 2 để xác định được liều tối ưu, dự kiến tháng 12/2021 sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
- Về chuyển giao công nghệ vắc-xin COVID-19: Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân để liên hệ, đàm phán về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 từ các tập đoàn, doanh nghiệp ở các nước tiên tiến đã thành công trong việc phát triển, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trên thế giới, nhằm rút ngắn thời gian có vắc-xin trong nước sản xuất trong nước phục vụ phòng, chống dịch, cụ thể:
+ Vắc-xin ARCT-154 của Công ty Acturus-Hoa Kỳ được Tập đoàn VinGroup đám phán để chuyển giao công nghệ về Việt Nam, đã hoàn thành tiêm mũi 1 của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Dự kiến đến tháng 12/2021 sẽ có kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để phục vụ xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách.
+ Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) và Công ty DS-Bio đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin Sputnik-V từ bán thành phẩm. VABIOTECH đã tiến hành đóng ống và gửi mẫu sang Liên bang Nga để kiểm định chất lượng, kết quả phía Nga trả lời đã đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu.
+ Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và VABIOTECH đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với Công ty Shionogi-Nhật Bản để tiếp cận hồ sơ chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Recombinant SAR-CoV-2 Spike Protein. Trước mắt Công ty Shionogi tập trung vào việc chuẩn bị cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin này tại Việt Nam, nên các công việc liên quan đến các bước tiếp theo trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin này đang tiếp tục đàm phán.
+ Ký thỏa thuận bảo mật thông tin với đối tác Cu Ba và giao Công ty TNHH MTV vắc-xin Pasteur Đà Lạt thảo luận với đối tác Cu Ba về các điều khoản trong dự thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Abdala và lập kế hoạch làm việc với đoàn chuyên gia của Cu Ba sang khảo sát tại Việt Nam.
+ Hỗ trợ các đơn vị đàm phán nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin COVID-19 từ các đối tác của các quốc gia khác (Ấn Độ, Tây Ban Nha…).
đ) Về đề nghị Chính phủ xây dựng một chiến lược căn cơ, lựa chọn một số thành phố có điều kiện như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… để tập trung đầu tư, phát triển, đưa các thành phố này trở thành trung tâm của mạng lưới đô thị quốc gia và xuyên quốc gia, kết nối những dòng chảy về vốn, công nghệ, hàng hoá, dân số và các lĩnh vực văn hoá - xã hội của Việt Nam và thế giới. Kiến nghị này của cử tri phù hợp với chủ trương, đường lối và định hướng chính sách phát triển của đất nước đã khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước và đang được triển khai thực hiện, cụ thể:
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 (Văn kiện Đại hội XIII) đã xác định “Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng”, theo đó:
+ Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn” và “Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện”.
+ Đối với vùng Đông Nam Bộ: “Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã xác định: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại; có không gian xanh, sạch, đẹp”, “Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.
- Quốc hội, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã có các Nghị quyết về phương hướng phát triển của các thành phố đã lựa chọn, như:
+ Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 được Quốc Hội khóa XIII ban hành vào ngày 21/11/2012 tạo hành lang pháp lý (cao nhất) để quản lý phát triển Thủ đô Hà Nội “là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước” và giao trách nhiệm cho Chính phủ (Điều 23, Luật Thủ đô) “chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô”.
+ Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, trong đó đã xác định: “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông - Nam Á”;
+ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”...
- Chính phủ đã và đang chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Như vậy, Chính phủ đã có những lựa chọn chiến lược về tập trung phát triển các đô thị lớn nói riêng và đang triển khai thực hiện, đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển các đô thị này trong tổng thể phát triển đô thị quốc gia...
e) Về đề nghị Chính phủ xem xét đẩy mạnh phân cấp cho địa phương được phép điều chỉnh quy hoạch ở quy mô nhất định, không ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung và các chỉ tiêu chính của quy hoạch.
- Theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch được thực hiện theo phương pháp tiếp cận tổng hợp, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch, hoạt động quy hoạch cần đảm bảo các nguyên tắc chủ yếu là (i) tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; (ii) sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; …
Theo đó, quy hoạch tỉnh nói chung, quy hoạch Thành phố Hải Phòng nói riêng (đang được lập theo Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1412/QĐ-TTg ngày 15/9/2020) đang triển khai lập các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực được nghiên cứu tích hợp trong quy hoạch Thành phố Hải Phòng bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, đồng bộ, thống nhất, thứ bậc trong quy hoạch tỉnh, làm cơ sở thực hiện công tác quản lý quy hoạch một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng chia cắt cục bộ.
Tại Điều 51, 53, 54 Luật Quy hoạch đã quy định cụ thể về nguyên tắc điều chỉnh, căn cứ thực hiện và trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch để các bộ, ngành và địa phương có cơ sở triển khai, thực hiện.
- Theo quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành sẽ cụ thể quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Theo đó, đã quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyêt, điều chỉnh quy hoạch và đã có quy định thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho các địa phương.
Như vậy, với các quy định pháp luật hiện hành tại Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền ban hành khá đầy đủ, tương đối đồng bộ, thống nhất để các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư