Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái

Ngày 27/10/2021 - 15:21:00 | 337 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 18 tại văn bản số 6230/VPCP-QHĐP): Kiến nghị sớm xây dựng, ban hành kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, trong đó nghiên cứu các gói hỗ trợ của Chính phủ để kích thích nền kinh tế, giải quyết chính sách an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực như: (a) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nhà ở xã hội (ưu tiên nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, thuê mua); (b) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất kinh doanh; (c) Hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khu vực nông thôn, kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn để giải quyết bài toán “ly nông, bất ly hương”...   

Trả lời:

a) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nhà ở xã hội

- Về phát triển cơ sở hạ tầng: Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ đã luôn ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hằng năm cho Bộ Giao thông vận tải ở mức cao nhất toàn quốc, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu các gói hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư cơ sở hạ tầng còn phụ thuộc vào khả năng giải ngân (hấp thụ nguồn vốn), cần xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực thi các chính sách.

- Về phát triển nhà ở xã hội: Tại điểm đ Khoản 4 mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư xây dựng khu nhà ở, lưu trú cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp...

Cùng với việc thực hiện chính sách phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện;nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp (cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...). Đồng thời, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động khu công nghiệp, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020), theo đó giao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì thực hiện; các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia phối hợp; mục tiêu trong giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư thí điểm 01 thiết chế công đoàn; giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các KCN, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng, trong đó có công nhân khu công nghiệp, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo Bộ Xây dựng, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách và bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp.

Ngoài ra, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp, do tác động của dịch bệnh COVID-19, ngày 17/9/2021, Bộ Xây dựng có văn bản số 3822/BXD-QLN đề nghị các địa phương phối hợp và tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển nhà công nhân, để đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện chỗ ở cho công nhân, người lao động.

 b) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khôi phục sản xuất kinh doanh

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với những định hướng phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19; giải pháp hỗ trợ trước mắt khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là DNNVV, doanh nghiệp có khả năng khôi phục, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh; người lao động, nhất là trong khu vực dịch vụ, công nghiệp, người dân, nhất là người dân khu vực khó khăn, người nghèo, người yếu thế cùng các giải pháp căn cơ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển nhanh, bền vững hơn, dự kiến trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội vào Kỳ họp chuyên đề cuối năm 2021.

Bên cạnh các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có DNNVV tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, nhằm đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 thay thế cho Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hỗ trợ các DNNVV. Theo đó, các chính sách hỗ trợ DNNVV được quy định cụ thể và có mức hỗ trợ cao hơn, phù hợp với thực tế, tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ, tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác