Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội

Ngày 20/09/2022 - 16:34:00 | 362 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (câu 15 tại văn bản số 5060/VPCP-QHĐP):

(1) Đề nghị có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giá nguyên vật liệu tăng cao và điều chỉnh đơn giá cho các gói thầu thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói nhưng do yếu tố khách quan bị kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chênh lệch giá vật liệu giữa hợp đồng đã ký kết và giá thực tế thị trường, nhằm tạo điều kiện triển khai thi công và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư xây dựng.

(2) Kiến nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Cụ thể:

(i) Làm rõ khái niệm “phù hợp”, “tuân thủ”, “thứ bậc” của từng loại quy hoạch. (Điều 4, 6, 20 Luật Quy hoạch 2017). Trong trường hợp Bản đồ quy hoạch sử dụng đất trong đồ án quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đề nghị có quy định cụ thể việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

(ii) Cần bổ sung làm rõ các khái niệm, mối liên hệ, chức năng, nhiệm vụ của: “Chủ đầu tư”, “Cơ quan lập quy hoạch”, “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch”, “Cơ quan chủ trì lập quy hoạch” trong công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất trong các hệ thống Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

(iii) Cần phải xác định “cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh” là một “cơ quan, tổ chức chuyên môn” lấy ý kiến để đảm bảo việc tuân thủ, tính thống nhất giữa quy hoạch cấp dưới và quy hoạch cấp trên, kèm theo hướng dẫn về chuyên môn theo quy định. UBND cấp huyện có trách nhiệm hoặc chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý như đối với các cơ quan, tổ chức khác.

(iv). Đề nghị sớm ban hành quy định thống nhất, cụ thể về việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập quy hoạch, có hướng dẫn cụ thể về cấp độ, phạm vi, thành phần, tỷ lệ ý kiến đồng thuận….

Trả lời:

1. Về giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giá nguyên vật liệu tăng cao và điều chỉnh đơn giá cho các gói thầu

a) Các giải pháp về giá nguyên vật liệu tăng cao

Giá vật liệu xây dựng có biến động, tăng mạnh từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án, ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công, đặc biệt là các hợp đồng đã ký theo hình thức hợp đồng trọn gói và hợp đồng đơn giá cố định. Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức thực hiện một số giải pháp như sau:

- Bộ Xây dựng đã gửi văn bản, tổ chức hội nghị trực tuyến, yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm việc công bố giá theo quy định pháp luật, tăng tần suất công bố và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức các đoàn hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc công bố giá tại 07 địa phương. 

- Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia đã giao Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thép xây dựng, để tránh việc “đầu cơ, găm hàng, thổi giá” thép; yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, xác định các nguồn cung về vật liệu xây dựng;

- Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện việc tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng trong các công trình giao thông trọng điểm quốc gia gửi các địa phương để làm căn cứ khảo sát, công bố giá trên địa bàn;

Với những giải pháp trên, công tác tổ chức xác định, công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực[1]. Hiện nay, giá một số loại nguyên vật liệu đã giảm, như giá xăng đã giảm từ 31.000 đ/lít xuống còn 24.000 đ/lít, giá thép giảm từ 21.000đ/kg xuống còn 15.000đ/kg,…; một số nguyên vật liệu khác đã hình thành mặt bằng giá mới như: cát, xi măng do tính khan hiếm của nguồn vật liệu khai thác và nhiên liệu sản xuất.

b) Các giải pháp về việc đều chỉnh đơn giá cho các gói thầu

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 Luật đấu thầu, hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 62 Luật đấu thầu, hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Khi quyết định áp dụng loại hợp đồng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng này phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói. Theo đó, nội dung hợp đồng trọn gói thực hiện theo quy định nêu trên. Giá hợp đồng trọn gói là cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang hoàn thiện dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 9/2022 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tháng 10/2022. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các địa phương (trong đó có vấn đề hợp đồng trọn gói) trong quá trình sửa đổi Luật đấu thầu nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật đấu thầu, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua sắm sử dụng vốn nhà nước.

2. Kiến nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị

(i) Làm rõ khái niệm "phù hợp”, "tuân thủ”, “thứ bậc" của từng loại quy hoạch (Điều 4, 6, 20 Luật Quy hoạch 2017).

- Điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội đã kế thừa quy định của Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc giải thích một số điều của Luật Quy hoạch trong đó có Điều 20 Luật Quy hoạch về sự phù hợp, tính tuân thủ, thứ bậc và căn cứ lập quy hoạch.

Đồng thời, Nghị quyết số 61/2022/QH15 cũng đã quy định về việc điều chỉnh quy hoạch cấp dưới được phê duyệt trước để phù hợp với quy hoạch cấp trên được phê duyệt sau để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch.

- Việc lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất trong đồ án quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch đối với quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Đối với các quy hoạch xây dựng khu chức năng, đây là quy hoạch xây dựng có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (mục 11 Phụ lục 2 Luật Quy hoạch). Do vậy, việc lập bản đồ cho các quy hoạch sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Quy hoạch.

- Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (mục 1 Phụ lục 2 Luật Quy hoạch). Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Quy hoạch.

(ii) Cần bổ sung làm rõ các khái niệm, mối liên hệ, chức năng, nhiệm vụ của: “Chủ đầu tư”, “Cơ quan lập quy hoạch”, “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch”, “Cơ quan chủ trì lập quy hoạch” trong công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất trong các hệ thống Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Khái niệm về “Cơ quan lập quy hoạch” và ‘Cơ quan tổ chức lập quy hoạch” được quy định tại Điều 3 Luật Quy hoạch và Mục 1 Chương II Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch không quy định về khái niệm “Chủ đầu tư”, “Cơ quan chủ trì lập quy hoạch”. Các nội dung liên quan đến khái niệm “Chủ đầu tư”, “Cơ quan chủ trì lập quy hoạch” được giải thích tại các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch đô thị.

(iv) Đề nghị sớm ban hành quy định thống nhất, cụ thể về việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập quy hoạch, có hướng dẫn cụ thể về cấp độ, phạm vi, thành phần, tỷ lệ ý kiến đồng thuận….

Việc lấy ý kiến về quy hoạch được quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch và được quy định chi tiết tại Chương III Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Việc lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch xây dựng có tính chất, kỹ thuật chuyên ngành được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 27 và Điều 28 Luật Quy hoạch.



[1] Đến nay, đã có 46 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 17 địa phương công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý. Một số địa phương thực hiện tốt công tác khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, bám sát diễn biến thị trường.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác