Nội dung kiến nghị (số 28 tại văn bản số 580/VPCP-QHĐP):
(1) Cử tri đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sớm xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng thực hiện hiệu quả Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đề nghị quan tâm đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết này.
(2) Cử tri phản ánh, Chính phủ đã ban hành một số chính sách về phát triển nông nghiệp, thủy sản như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 quy định cơ chế chính sách hỗ trợ tập trung đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó quy định: “Ngân sách trung ương dành khoản ngân sách tương đương tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp”; và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó quy định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, cân đối, lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hỗ trợ cho liên kết theo quy định. Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, cân đối, lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách hỗ trợ cho liên kết theo quy định”. Tuy nhiên, đến nay thành phố Hải Phòng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm tạo điều kiện để thành phố Hải Phòng sớm tiếp cận nguồn vỗn hỗ trợ theo các Nghị định trên.
(3) Để đảm bảo hiệu quả các gói hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiêu dùng, ổn định đời sống cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội trong thời gian tới, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhất là việc tăng giá nhiên liệu, vật tư thiết yếu: xăng dầu, điện, sắt, thép…
(4) Cử tri phản ánh, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá thể gia đình là khu vực chịu tổn thương nhiều nặng nề bởi dịch bệnh; năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, tiền vay lại hạn chế nên khó tiếp cận các khoản vay theo tiêu chí ngân hàng đề ra. Đề nghị Chính phủ và các địa phương hỗ trợ xây dựng Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn duy trì sản xuất - kinh doanh.
(5) Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban ngành, địa phương tạo điều kiện hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật cho ngành giáo dục đào tạo thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong thời gian tới.
(6) Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa to lớn tạo động lực để Hải Phòng phát triển đột phá, xứng đáng là trọng điểm trong tứ giác phát triển của khu vực phía bắc. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện Nghị quyết chỉ trong 5 năm, nhiều nội dung để thực hiện được phải do Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành trung ương quan tâm phối hợp với thành phố Hải Phòng:
- Sớm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết; nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại mà các địa phương đã được thí điểm thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng) gặp phải để quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại Hải Phòng đạt được hiệu quả cao hơn, tốt hơn.
- Triển khai xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do để báo cáo Bộ Chính trị quyết định, sớm trình Quốc hội thông qua, vì Hải Phòng thực sự là địa phương có nhiều lợi thế trở thành địa phương đi đầu (không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho cả đất nước).
Trả lời:
1. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét thông qua các Nghị quyết số 35/2021/QH15, 36/2021/QH15, 37/2021/QH15, 38/2021/QH15, 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương: thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Cần Thơ.
Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 29/12/2021 và Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ nhất; trong đó, giao các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng chủ trì xây dựng các Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, các văn bản đã được các Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm:
- Quyết định về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha (HĐND thành phố Hải Phòng, HĐND thành phố Cần Thơ, HĐND tỉnh Nghệ An và HĐND tỉnh Thanh Hóa) tại Tờ trình số 06/TTr-BTNMT ngày 15/02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Quyết định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc thành phố Hải phòng, các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tại Tờ trình số 06/TTr-BXD ngày 25/01/2022 của Bộ Xây dựng.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các Quyết định nêu trên sẽ làm cơ sở để các địa phương, trong đó có thành phố Hải Phòng tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung (hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, hỗ trợ hợp tác xã theo quy định tại Nghị định Nghị định số 98/2018/NĐ-CP) là đối tượng được sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 (theo quy định tại điểm o khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025).
Theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, các địa phương có quyền chủ động đề xuất phương án phân bổ kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được giao kế hoạch cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án (không bao gồm số vốn ngân sách trung ương phải bố trí để thu hồi vốn ứng trước, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án có tính kết nối, liên vùng, đường ven biển).
3. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, đồng thời theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý trong trường hợp có vấn đề phát sinh, bất thường, bảo đảm ổn định kinh tế thị trường, giá cả, lạm phát, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa một số mặt hàng thiết yếu có dấu hiệu tăng giá mạnh, như xăng dầu, sắt thép… kịp thời tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường, găm hàng trục lợi, buôn bán hàng lậu, hàng giả…
Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cũng đã theo dõi sát sao diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kịp thời đánh giá, xây dựng các kịch bản ứng phó và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, bảo đảm điều tiết cung - cầu hàng hóa hợp lý, kiểm soát giá cả, lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường giá cả, tránh tăng giá bất hợp lý, sốt giá ảo, lạm phát kỳ vọng…
Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong và ngoài nước để kịp thời có những ứng phó, điều chỉnh, triển khai các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm ổn định và đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 là khoảng 4% đã được Quốc hội thông qua.
4. Trong năm 2020-2021, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá thể gia đình.
Năm 2022, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất để tăng trưởng và phát triển, như: giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay,… và đặc biệt là triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình này, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhóm về các giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quy định: “Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua”; đồng thời giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam: “…Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên”.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định về hỗ trợ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn cho vay theo Nghị định. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp để tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Về quỹ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại 02 Nghị định đã quy định cụ thể về việc bảo lãnh tín dụng và cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Triển khai Quyết định nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất thực hiện 03 dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đối với các cấp học từ mầm non, phổ thông đến đại học với tổng mức đầu tư khoảng 780 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2022-2023. Việc thực hiện các dự án theo đề xuất nêu trên trong giai đoạn tới sẽ góp phần hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật cho ngành giáo dục nhằm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
6. Về việc sớm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố: Tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Báo cáo số 429/BC-CP ngày 19/10/2022 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương: thành phố Hải phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa thiên Huế. Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra các vướng mắc, tồn tại hạn chế ở các địa phương đã được thí điểm (như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) để làm cơ sở báo cáo Quốc hội thông qua các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương: thành phố Hải phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa thiên Huế. Hiện nay, các Bộ, ngành đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để sớm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội.
Về triển khai xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do để báo cáo Bộ Chính trị quyết định, sớm trình Quốc hội thông qua: Tại Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 11/02/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hải Phòng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng với một số cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình tổ chức quản lý phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hiện nay, một số địa phương như Cần Thơ, Đà Nẵng đang đề xuất nghiên cứu, xây dựng Đề án xin thành lập các Khu thương mại tự do/khu phi thuế quan,... Về cơ bản, các đề xuất này dựa trên mô hình khu phi thuế quan theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng với các ưu đãi cao hơn quy định hiện hành. Do vậy, đề xuất xin triển khai lập Đề án Khu thương mại tự do tại của Hải Phòng cần được cân nhắc, xem xét tổng thể trên cơ sở tổng kết mô hình khu phi thuế quan kể từ khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực đến nay. Đề nghị Hải Phòng nghiên cứu cơ sở pháp lý về việc xây dựng Đề án với cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình quản lý phù hợp và có đánh giá tác động các hiệu quả mang lại để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư