Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp

Ngày 29/03/2022 - 14:42:00 | 461 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 32 tại văn bản số 580/VPCP-QHĐP):

(1) Cử tri kiến nghị bên cạnh việc ban hành cơ chế đặc thù để phát triển các Tỉnh như vừa qua thì cũng cần xem xét, ban hành cơ chế đặc thù để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long xứng tầm với vai trò là vùng kinh tế trọng điểm về sản xuất, xuất khẩu nông sản, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng di dân tự do như thời gian qua.

(2) Cử tri cho rằng việc triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu còn chậm và chưa đồng bộ. Kiến nghị Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết này để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong vùng, nhất là tập trung hoàn thiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm kết nối vùng; quy hoạch xây dựng vùng trữ nước ngọt để đảm bảo sản xuất; sớm đầu tư các Trung tâm chế biến nông sản...

(3) Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19…

Trả lời:

1. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản, đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia. Do đó, việc nghiên cứu ban hành một số cơ chế đặc thù cho vùng là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc thù hiện nay chưa có tiền lệ ban hành cho từng vùng. Thực tế, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách, cơ chế ưu tiên hỗ trợ phát triển riêng cho vùng ĐBSCL như Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 đã ưu tiên số điểm để tính phân bổ vốn của vùng ĐBSCL cao hơn các vùng khác trong cả nước. Ngoài ra, vùng ĐBSCL cũng là vùng đầu tiên trong cả nước có Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; là vùng đầu tiên thành lập Hội đồng điều phối vùng và là vùng hoàn thiện quy hoạch vùng sớm nhất cả nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ trong đó đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi để thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ với mục tiêu thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản cho vùng ĐBSCL.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong Vùng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch vùng ĐBSCL, trong đó chú trọng đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối trong Vùng, cụ thể là trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vùng ĐBSCL đã được bố trí nguồn vốn đầu tư 2 tuyến cao tốc là An Hữu - Cao Lãnh và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ngoài ra, trong vùng ĐBSCL còn các dự án liên kết vùng sử dụng vốn NSTW đã được ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trong vùng tập trung triển khai thực hiện các dự án đã được phân bổ vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, để sớm đưa vào sử dụng, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

3. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có nhiều chính sách miễn giảm thuế, đầu tư phát triển,.... nhằm mục tiêu phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất để triển khai hiệu quả Chương trình ngay sau khi được ban hành, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/02/2022 và 141/CĐ-TTg ngày 16/2/2022, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Hiện nay, các bộ, cơ quan đã chủ động xây dựng, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định, Thông tư hướng dẫn, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP, bảo đảm tiến độ ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý I năm 2022./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác