Nội dung kiến nghị (câu 17 tại văn bản số 5060/VPCP-QHĐP):
Đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện công tác lập Quy hoạch chung cả nước, quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh và các quy hoạch về an ninh lương thực; môi trường, đô thị để đảm bảo sự phát triển hài hòa bền vững. Thực tế sự phát triển nhanh của đô thị hóa, các dự án dân cư đã lấp ao, hồ tự nhiên, gây biến đổi về trữ lượng nước mưa và dòng chảy tự nhiên… gây ra nhiều tình trạng ngập lụt, thiên tai, ảnh hưởng đến người dân khi mùa mưa đến.
Trả lời:
Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương “…Ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch”.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng kế hoạch, tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch, bảo đảm khả thi và chất lượng theo yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9/2022.
Đối với các quy hoạch về an ninh lương thực, theo quy định tại Luật Quy hoạch hiện nay không có loại hình quy hoạch về an ninh lương thực, quy hoạch về ngành hàng, sản phẩm (trong đó có ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp). Về vấn đề an ninh lương thực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Để cụ thể hóa Kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp nông thôn, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai,.. trong đó, chỉ rõ các mục tiêu, giải pháp đối với sản xuất chung, nhóm các sản phẩm cụ thể (lúa, gia súc, gia cầm, thủy sản, rau quả ...) và các giải pháp phục vụ sản xuất (tưới, tiêu, phòng chống thiên tai). Các quy hoạch ngành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai lập theo Luật Quy hoạch tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết, của Chiến lược để làm cơ sơ tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương quốc gia, an ninh nguồn nước và an toàn trước thiên tai.
Về vấn đề quy hoạch đô thị, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương đã và đang xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể. Việc thích ứng, giảm thiểu do biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được Bộ Xây dựng quan tâm và đưa vào trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, cũng như ban hành các văn bản quy phạm có liên quan. Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến cử chi của tỉnh Quảng Ninh để nghiên cứu trong công tác quản lý của ngành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư