Nội dung kiến nghị (số 13 tại văn bản số 907/BDN):
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, trong khi đó việc đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) khác, có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn; bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cần phải huy động nhiều nguồn vốn tham gia từ doanh nghiệp tư nhân. Quá trình triển khai, áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn công tác đầu tư phát triển các dự án đường bộ theo phương thức đối tác công tư gặp phải khó khăn trong việc huy động vốn, do vốn của nhà đầu tư tham gia dự án rất lớn, khả năng hoàn vốn kéo dài trong khi vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án không quá 50%, dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư. Đề nghị xem xét, trình Quốc hội việc quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP trên 50% tổng mức đầu tư dự án cho mục đích quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật theo phương thức đối tác công tư, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Đối với dự án có nhiều dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP theo tỷ lệ vốn nhà nước quy định tại khoản này được xác định trên tổng mức đầu tư của dự án thành phần đó.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận thấy do thực tế hiện nay lĩnh vực đầu tư PPP chủ yếu vẫn tập trung trong lĩnh vực giao thông đường bộ (chiếm 75%), nên vướng mắc về hạn mức vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP tập trung ở lĩnh vực này.
Nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP về bản chất là mang tính hỗ trợ dự án, là "vốn mồi" nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án, đồng thời tại Luật PPP đã có quy định về việc chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, có một số dự án giao thông đường bộ đang được chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, kinh phí chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng đúng quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho mục đích hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án (khoản 2 Điều 69 Luật PPP) sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP.
Do vậy, cần thiết phải tháo gỡ vướng mắc nêu trên nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án PPP và mục tiêu huy động vốn đầu tư tư nhân xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã có Tờ trình số 417/TTr-CP ngày 30/8/2023 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Trong đó dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định: Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư