Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh

Ngày 28/09/2023 - 19:00:00 | 475 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 19 tại văn bản số 6122/VPCP-QHĐP):
Cử tri đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp ổn định nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trả lời:
1. Về kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp ổn định nền kinh tế:
Thời gian qua, các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ của tình hình trong nước và ngoài nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Mặc dù vậy, diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của nước ta... Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, vừa qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 04 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022, đến nay mặt bằng lãi suất đã dần ổn định.
- Về hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: (i) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; (ii) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (iii) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; (iv) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; (v) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; (vi) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (vii) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành quy định mới về thị thực nâng thời hạn tạm trú 45 ngày cho công dân 13 nước gia hạn thị thực. Nhờ đó, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt trên 8,9 triệu lượt, đạt 111,25% kế hoạch năm 2023.
- Về các chính sách hỗ trợ trực tiếp như: chính sách miễn, giảm thuế , hỗ trợ lãi suất cho khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh , hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động , gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước . Bên cạnh đó, từ ngày 01/7/2023, thuế VAT giảm 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng, có 36 loại phí, lệ phí được giảm ; giãn hoãn tiền nộp thuế đất, tiền thuê mặt nước ; giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhiều mặt hàng xuống 50%-70% .
- Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện cũng đã được lấy ý kiến rộng rãi, đã trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đang được khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
- Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV):
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV, tính đến hết tháng 08/2023, đạt một số kết quả như: xây dựng mạng lưới 500 tư vấn viên được 6 Bộ công nhận; đào tạo, tư vấn cho 5.000 học viên từ doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối cho hơn 250 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hồng Kông với tổng giá trị hợp đồng kết nối đạt gần 8 triệu USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Nghị quyết số 58/NQ-CP bao gồm 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn:
+ Trong ngắn hạn bao gồm 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (i) Tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; (ii) Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; (iii) Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; (iv) Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
+ Trong dài hạn bao gồm 04 nhiệm vụ, giải pháp: (i) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; (ii)Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; (iii) Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; (iv) Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
2. Về hỗ trợ DNNVV mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng
- Về hỗ trợ DNNVV kết nối và mở rộng thị trường:
Hiện nay, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV đã có các quy định chi tiết về hỗ trợ DNNVV kết nối và mở rộng thị trường (miễn phí tra cứu thông tin về các sự kiện kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi, hỗ trợ chi phí tư vấn về đăng ký tài khoản bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ tìm kiếm thông tin, quảng bá, phát triển thương hiệu, chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, chi phí thuê địa điểm, thiết kế dàn dựng gian hàng…).
Bên cạnh đó, các khoá đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số, áp dụng thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng hiệu quả thông qua các nền tảng trực tuyến và hội chợ thương mại tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thông qua các nguồn lực quốc tế) đẩy mạnh triển khai cho các DNNVV. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 1.600 DNNVV được tham gia các hoạt động nâng cao năng lực liên quan tới mở rộng thị trường.
- Về hỗ trợ nâng cấp năng lực cho DNNVV tham gia chuỗi giá trị: Nhằm hỗ trợ các DNNVV nâng cao năng lực nội tại, từng bước tham gia chuỗi liên kết trong nước, khu vực và thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa; thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp và các hãng toàn cầu như Samsung, Toyota, Honda, Kia, Mazda,...; khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Đến nay, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Các hoạt động nâng cấp kỹ thuật cho DNNVV để giới thiệu cho các doanh nghiệp đầu chuỗi từ một số thị trường chính như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hồng Kông và Việt Nam cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực triển khai thông qua một số nguồn lực quốc tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh để trả lời cử tri./.
 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác