Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình

Ngày 28/09/2023 - 09:24:00 | 146 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 27 tại văn bản số 6122/VPCP-QHĐP):

Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Trả lời:

Từ đầu năm 2023 đến nay, bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta.

Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, kịp thời có đối sách xử lý những vấn đề mới phát sinh; triển khai chủ động, linh hoạt, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô, giảm 04 lần lãi suất điều hành và thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tranh thủ tối đa cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư; tổ chức 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung xử lý nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là các ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; những bất cập về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giáo dục; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Trong 8 tháng năm 2023, đã đưa vào khai thác nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, liên vùng như: tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu; khởi công đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Tp. Hà Nội, đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất…

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 8 và 08 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu, chỉ số chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần qua hàng tháng; bình quân 8 tháng tăng 3,1%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 8 tháng ước đạt 70% dự toán trong khi thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu duy trì xu hướng tháng sau tăng so với tháng trước; cán cân thương mại 8 tháng năm 2023 xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu là 1,34 tỷ USD). An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), lương thực, thực phẩm được bảo đảm.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực công nghiệp thời gian gần đây phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10%, thu hút được 7,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,4 lần cùng kỳ. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực; giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8 đạt 42,35% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (39,15%), về số tuyệt đối cao hơn gần 87 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký 8 tháng đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3%. Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn; tính chung 8 tháng có 149,4 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức đã và đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng chỉ tăng 3,72%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp; thu NSNN 8 tháng giảm 8% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường năng lực, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế KTXH 5 năm 2021-2025. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

(1) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; quản lý chặt chẽ thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn. Phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

(2) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

(3) Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII. Tiếp tục chuyển dịch phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số.

(4) Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế. Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, nhất là với doanh nghiệp nhà nước; tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

(5) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo; có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, nhất là đầu tư phát triển công nghệ hydrogen xanh, sản xuất chip bán dẫn. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số quốc gia.

(6) Tiếp tục chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, phản ánh tình hình KTXH, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình để trả lời cử tri./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác