Thứ hai, 00/00/2023
°

Bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên tổng kết cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8

Ngày 07/03/2023 - 17:23:00 | 532 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Kính thưa:

- Ngài YAMADA Takio (Ya-ma-đa Ta-ki-ô), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

- Ngài TANAKA Akihiko (Ta-na-ka A-ki-hi-ko), Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, JICA;

- Ngài MAEDA Tadashi (Ma-ê-đa Ta-đa-si), Chủ tịch Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản, JBIC;

- Các ngài đồng Chủ tịch Uỷ ban kinh tế Việt -Nhật thuộc Keidanren;

Thưa toàn thể Quý vị đại biểu,​

Chúng ta đã được nghe bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó đã đánh giá tích cực về những đóng góp của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Đồng thời, đã được nghe ý kiến của ngài đồng Chủ tịch Uỷ ban kinh tế Nhật -Việt thuộc Keidanren, ngài Đại sứ và báo cáo của các ông Đồng Trưởng ban Sáng kiến chung Nhật – Việt thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam về tình hình thực hiện giai đoạn 8.

Tôi đồng tình với các đánh giá đó và xin chân thành cảm ơn các đối tác phía Nhật Bản đã luôn đồng hành và phối hợp với các bộ ngành phía Việt Nam triển khai thực hiện tốt 8 giai đoạn của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong suốt 20 nămqua. Với 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục hai bên thực hiện, Sáng kiến chung là một trong những kênh đối thoại hiệu quả, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, tôi xin đề xuất một số ý như sau:

Một là, Với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức. Trong hành trình đó, chúng tôi mong muốn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản rất có tiềm năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ việt nam nêu trên.

Hai là, Trong thời gian tới, tôi đề nghị Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản không chỉ là kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, mà thông qua đó,các bạn sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tham mưu, đề xuất việc xây dựng chính sách của Việt Nam, tập trung vào các nhóm vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo....

Ba là, Trong 8 giai đoạn vừa qua, đã có nhóm công tác tập trung phát triển năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam như nhóm công tác về lao động hay công nghiệp hỗ trợ. Tôi đề nghị, các giai đoạn tới, phía Nhật Bản sẽ cần có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả hợp tác đầu tư thông qua các đề án, chương trình cụ thể.

Bộ KHĐT kiến nghị xây dựng Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào 3 lĩnh vực: (i) chuyển đổi dố; (ii) phát triển công nghiệp hỗ trợ; (iii) đào tạo nhân lực. Bốn là, Bên cạnh việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, tôi mong các bạn sẽ tăng cường và tham gia sâu vào quá trình triển khai các cơ chế chính sách. Đề nghị các nhóm công tác phía Nhật Bản phối hợp với các bộ ngành liên quan của Việt Nam và các địa phương nghiên cứu triển khai, có thể thông qua việc đề nghị Chính phủ Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp (gói viện trợ không hoàn lại) để có chương trình hành động và đề án cụ thể nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch đề ra. Đề nghị các nhóm kỹ thuật phía Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục trao đổi, thống nhất để báo cáo lãnh đạo hai bên xem xét nội dung của giai đoạn tiếp theo.

Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lời cám ơn sâu sắc đến Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, các Ngài đồng Chủ tịch Uỷ ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản của Keidanren, các nhóm công tác của hai bên và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản về những đóng góp tích cực trong quá trình triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Tôi cũng xin cảm ơn các Bộ, ngành phía Việt Nam đã nhiệt tình, phối hợp cùng với phía Nhật Bản thực hiện và hoàn thành các nội dung của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong suốt 20 năm và trong quá trình xây dựng, triển khai Kế hoạch hành động Giai đoạn 8 vừa qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đem lại hiệu quả hợp tác đầu tư cho cả hai bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc.

Trên tinh thần vì sự phát triển và thịnh vượng chung, tôi xin tuyên bố kết thúc giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác