Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau

Ngày 08/03/2023 - 17:08:00 | 447 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 16 tại văn bản số 272/VPCP-QHĐP):

1. Về điều chỉnh cục bộ phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, danh mục dự án đầu tư trong Quy hoạch tỉnh (theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, thẩm quyền điều chỉnh Quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ): Đề xuất giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tỉnh điều chỉnh cục bộ phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, danh mục dự án đầu tư trong Quy hoạch tỉnh, thành phố cho phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế (khi có phát sinh các yếu tố mới), phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

2. Kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ để ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án, tạo nguồn thu góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

3. Tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, quy mô nguồn thu thấp, tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu, địa hình thấp, địa chất yếu và không có nguồn vật liệu tại chỗ để xây dựng công trình nên suất đầu tư cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Do đó, kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét cho phép Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau cao gấp 3 - 4 lần so với nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn trong giai đoạn 2021 - 2030.

Trả lời:

1. Về điều chỉnh cục bộ phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, danh mục dự án đầu tư trong Quy hoạch tỉnh, thành phố

- Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hoá quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; phương án phát triển các ngành, lĩnh vực được nghiên cứu tích hợp trong nội dung quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính kết nối, đồng bộ, thống nhất với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực cùng cấp và quy hoạch cấp cao hơn; do đó, việc điều chỉnh phương án phát triển của ngành, lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng đến phương án phát triển của ngành, lĩnh vực khác và ảnh hưởng phương án phát triển của các ngành, lĩnh vực thuộc quy hoạch cấp trên; vì vậy, việc điều chỉnh cục bộ phương án phát triển các ngành, lĩnh vực phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

- Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực sẽ được cụ thể hoá bởi quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và được lập, điều chỉnh theo quy định pháp luật có liên quan (trong đó có việc điều chỉnh cục bộ).

- Tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 được lập đồng thời theo quy định của Luật Quy hoạch, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn; trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp, căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển ngành và từ yêu cầu thực tiễn, cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch, cũng như các nội dung có liên quan đến quy hoạch (trong đó có nội dung liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ, phân cấp cho các địa phương) tại các luật, văn bản quy phạm pháp luật khác về quy hoạch để nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động quy hoạch.

2. Về việc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp

Đối với dự án đầu tư hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 thẩm quyền đã được phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.

Đối với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 4870/BKHĐT-PC ngày 26/7/2021 gửi Bộ Tư pháp trong đó kiến nghị sửa đổi Điều 31, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp. Việc phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cần được xem xét đồng bộ với các thủ tục có liên quan đến pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, cũng như các thủ tục có liên quan khác về môi trường, xây dựng, xử lý tài sản công để có cơ sở để tiến hành thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp. Sau khi các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và đầu tư được sửa đổi đồng bộ thì sẽ có cơ sở để các địa phương chủ trì thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 05 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam, có 03 khu công nghiệp (An Khánh, Hòa Trung, Sông Đốc phía Nam) đã thành lập với tổng diện tích 663 ha, đã cho thuê được 170 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 41,8% trong đó có 02 khu công nghiệp (Hòa Trung và Sông Đốc phía Nam) đạt tỷ lệ lấp đầy thấp (lần lượt là 11% và 0%). Do đó, đề nghị UBND tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo các cơ quan có liên quan hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đã được thành lập, đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả sử dụng đất.

3. Về kiến nghị phân bổ vốn đầu tư công hỗ trợ tỉnh Cà Mau cao gấp 3 - 4 lần so với nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn trong giai đoạn 2021 - 2030

Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật Đầu tư công năm 2019, việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trong từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với giai đoạn 2021-2025, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 và Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020. Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã được phê duyệt, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó có tỉnh Cà Mau./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác