Nội dung kiến nghị (số 23 tại văn bản số 176/VPCP-QHĐP):
Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét và có cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng về đường giao thông, hồ đập thuỷ lợi, trường học, trạm y tế. Đồng thời, có chính sách để các doanh nghiệp được đầu tư ở vùng Tây Nguyên, qua đó giải quyết việc làm cho Nhân dân tại chỗ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trả lời:
Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
Ngày 06/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ngày 25/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Chính phủ sẽ xây dựng đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vùng Tây Nguyên dự kiến trình Quốc Hội ban hành trong năm 2024 và đồng thời xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư