Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội

Ngày 16/01/2024 - 16:56:00 | 302 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị số 28a tại văn bản số 9424/VPCP-QHĐP:

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có kế hoạch, bố trí kinh phí để tiếp tục giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, huyện Thạch Thất, tạo điều kiện sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trả lời:

Dự án giải phóng mặt bằng được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4355/KHTC ngày 21/11/2007 với tổng mức đầu tư là 536.057 triệu đồng và được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 749/QĐ-ĐHQGHN ngày 11/3/2020 với tổng mức đầu tư là 1.656.000 triệu đồng. Lũy kế giao vốn cho Dự án đến năm 2020 là 563.794 triệu đồng (gồm: vốn trong nước: 540.054 triệu đồng, vốn nước ngoài: 23.740 triệu đồng). Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Dự án được giao là 165.506 triệu đồng (vốn trong nước).

- Về triển khai thực hiện, giải ngân Dự án:

Năm 2021, Dự án được giao 15 tỷ đồng vốn trong nước, đến 31/01/2022, Dự án giải ngân được 7,007 tỷ đồng và được kéo dài sang năm 2022 với số vốn là 7,993 tỷ đồng.

Năm 2022, Dự án được giao 150 tỷ đồng (vốn trong nước). Tính đến 31/01/2023, Dự án giải ngân được 51,674 tỷ đồng và được phép kéo dài sang năm 2003 với số vốn là 98,326 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay số vốn này cũng chưa giải ngân được trong năm 2023.

Năm 2023, Dự án không được giao vốn do Dự án đã được bố trí đủ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

- Đối với nhu cầu bố trí kinh phí để tiếp tục giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của Dự án, hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Do đó, không còn nguồn để bổ sung cho Dự án. Đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội bố trí kế hoạch vốn hằng năm cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao (165.506 triệu đồng). Trong trường hợp cần thiết phải sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống ngay trong giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội rà soát, cắt giảm các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao nhưng chưa thực hiện, đang vướng thủ tục hoặc những dự án triển khai chậm để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án này để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.

2. Nội dung kiến nghị số 28b tại văn bản số 9424/VPCP-QHĐP:

Cử tri cho rằng hậu quả do đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng tới đời sống, mức sống của người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Mặc dù tiền lương đã tăng nhưng tình hình giá cả nhiều mặt hàng cũng tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, tăng cường an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Trả lời:

Năm 2023, bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta, đã tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, doanh nghiệp…, đời sống người dân, người lao động nước ta.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Công điện, Chỉ thị để chỉ đạo đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là chính sách phân cấp về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; giải quyết các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, mua sắm thuốc, phòng cháy, chữa cháy…; tổ chức 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với địa phương, phát huy hiệu quả 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công…

Các khó khăn, vướng mắc, bất cập tiếp tục được tập trung tháo gỡ, đã đạt kết quả bước đầu, nhất là về cơ chế, chính sách, pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, điện, xăng dầu, công tác phòng cháy, chữa cháy… Trong năm 2023, đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất (trong đó miễn, giảm khoảng 78,35 nghìn tỷ đồng); Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội, các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản được đẩy nhanh. Nhiều dự án cao tốc, hạ tầng trọng điểm được khởi công; một số dự án được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả.

Thực hiện tốt chế độ, chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, chăm lo, hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách. Tăng cường kết nối cung - cầu; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ để ổn định đời sống người dân.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm; sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt ứng phó, thích ứng với tình hình; phát huy cơ hội từ thị trường trong nước và xuất khẩu để thúc đẩy các động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, các giải pháp trong trung và dài hạn... Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

(1) Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tranh thủ cơ hội từ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xu hướng phục hồi của các thị trường xuất khẩu.

- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Triển khai đồng bộ các giải pháp về quảng bá, xúc tiến du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), xuất nhập cảnh, quản lý thị trường... để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại từng thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết, Hiệp định thương mại tự do với Israel. Kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tháo gỡ quyết liệt, hiệu quả ách tắc, khắc phục "thẻ vàng" (IUU) của ngành thủy sản; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa; tăng cường đàm phán, trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc.

Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các Hiệp định thương mại tự do với Brazil, khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)..., khai thác thị trường thực phẩm Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.

- Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...

- Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất cho vay đối với của doanh nghiệp, người dân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33/NQ-CP. Theo dõi chặt chẽ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh.

- Tiếp tục tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đầu tư các dự án lớn trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, góp phần thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển.

(2) Đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Tiếp tục xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền. Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến. Bãi bỏ, sửa đổi các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn, khả năng áp dụng của doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy hiệu quả các Tổ công tác của bộ, địa phương về cải cách thủ tục hành chính; cơ chế Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

(3) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, bảo đảm hiệu quả các chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, tăng cường ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả quản lý thu; phấn đấu tăng thu, đồng thời kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngân sách nhà nước. Bám sát tình hình, diễn biến cung - cầu, chủ động phương án điều tiết, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt người dân. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ, thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động lên lạm phát, đời sống người dân.

(4) Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, phát triển kinh tế số, các ngành, lĩnh vực sản xuất chíp, bán dẫn, linh kiện, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là nhân lực trong ngành sản xuất chíp và bán dẫn. Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

(5) Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động; tăng cường kết nối cung - cầu, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề bền vững; chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.

(6) Tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế ... Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở; làm tốt công tác y tế dự phòng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, bảo đảm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác