Nội dung kiến nghị (số 22 tại văn bản số 942/BDN): Để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và thống nhất với các chính sách hiện hành, đề nghị xem xét quy định mức hỗ trợ đối với các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo khi tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau (bằng mức hỗ trợ tại địa bàn đặc biệt khó khăn), vì:Tại mục 12 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 về hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, quy định: “5. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước a) Hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn; không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia”. Tại mục 13 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 về hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng quy định:“5. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước: a) Hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng kinh phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng kinh phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khó khăn; không quá 60% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ quan phê duyệt dự án, phương án quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án, phương án, nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”. Theo các quy định trên thì đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các địa bàn khác (không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn và địa bàn khó khăn) thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, khi thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, mức hỗ trợ không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết và không quá 60% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Tuy nhiên, tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 quy định mức thu nhập đối với khu vực nông thôn 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2.000.000 đồng/người/tháng, không phân biệt xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), xã khó khăn (khu vực II) hay xã khu vực khác (khu vực I). Đồng thời, trong thực tế các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở địa bàn các xã khu vực I, II điều kiện đời sống còn rất khó khăn, việc quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất mức từ 50-60% và người dân phải đối ứng từ 40-50% là rất khó khăn, không thực hiện được.
Trả lời:
Tại khoản 12, Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 (sửa đổi, bổ sung Điều số 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia) quy định: “Đối với dự án, kế hoạch của địa phương, cơ quan phê duyệt dự án quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án, nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”. Như vậy, trung ương quy định tỉ lệ hỗ trợ trên 01 dự án, việc quyết định mức hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc dự án phân cấp cho địa phương quyết định theo thẩm quyền. Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức hỗ trợ cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư