Nội dung kiến nghị (số 34 và 35 tại văn bản số 942/BDN):
(1) Đề nghị xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 42 Luật Đầu tư công theo hướng trình tự, thủ tục dự án đầu tư công khẩn cấp thực hiện theo quy định tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020; về quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng khẩn cấp thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.
Lý do: Theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 có quy định về vốn đầu tư công (bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật). Như vậy đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công thì trình tự, thủ tục quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên cũng là công trình xây dựng khẩn cấp nhưng sử dụng vốn dự phòng ngân sách (vẫn là vốn ngân sách nhà nước) thì thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020, dẫn đến chưa thống nhất giữa các luật, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện công trình (dự án) khẩn cấp tại địa phương.
(2) Đề nghị xem xét bổ sung quy định về trường hợp chương trình, dự án phải tạm dừng, dừng, huỷ bỏ dự án. Lý do: Thực tế có phát sinh các chương trình dự án đã quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng khi triển khai vì nhiều lý do khác nhau phải tạm ngừng, dừng thực hiện, song Luật Đầu tư công chưa quy định về việc tạm dừng, dừng, hủy bỏ dự án dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện.
Trả lời:
Đối với kiến nghị của cử tri, Chính phủ đã tiếp thu và trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư