1. Nội dung kiến nghị (số 26 tại văn bản số 942/BDN): Theo khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm quy định:
“1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
Tuy nhiên, hiện nay, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không thể hiện cụ thể ngành nghề kinh doanh gây khó khăn cho cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành văn bản hướng dẫn.
Trả lời:
Nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong đó không bao gồm ngành, nghề kinh doanh.
Đồng thời, thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp được cung cấp công khai, miễn phí trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm thì một trong những điều kiện để cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là “Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh".
Căn cứ các quy định nêu trên, nội dung về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp không phải nội dung vướng mắc cần Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn mà cần sửa đổi quy định của Luật An toàn thực phẩm về điều kiện kinh doanh và hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh thực phẩm, cụ thể như sau:
- Bãi bỏ quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại điểm b khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm.
- Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm quy định về hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo hướng không yêu cầu doanh nghiệp nộp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý hồ sơ thực hiện tra cứu thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Nội dung kiến nghị (số 27 tại văn bản số 942/BDN): Liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư có Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án trúng đấu giá, trúng đấu thầu:
* Trường hợp 1: Nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư (đã trúng đấu giá) không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Điều 32 của Luật Đầu tư 2020; thuộc trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư 2020.
Theo quy định tại Luật Đầu tư, nhà đầu tư có được quyền điều chỉnh dự án đầu tư và thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với những nội dung như mục tiêu đầu tư hoặc tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư) khác với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá trong Quyết định phê duyệt Phương án đấu giá quyền sử dụng đất, Quyết định đấu giá do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, tổng vốn đầu tư dự án, thời hạn hoạt động dự án; tiến độ triển khai thực hiện dự án) mà nhà đầu tư đã tham gia trúng đấu giá, được công nhận tại Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá hay không.
Khi điều chỉnh nội dung dự án đầu tư, nhà đầu tư có phải thực hiện thủ tục điều chỉnh nội dung trong Quyết định phê duyệt Phương án đấu giá quyền sử dụng đất, Quyết định đấu giá do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt vì trong Quyết định phê duyệt Phương án đấu giá quyền sử dụng đất, Quyết định đấu giá có quy định nội dung dự án đầu tư (mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, tổng vốn đầu tư dự án, thời hạn hoạt động dự án; tiến độ triển khai thực hiện dự án), là điều kiện ràng buộc khi đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án trong trường hợp này được thực hiện như thế nào.
* Trường hợp 2: Các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Điều 32 của Luật Đầu tư 2020; thuộc trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư 2020.
Các dự án này, sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Khi nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư 2020, trong đó nhà đầu tư đăng ký tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo đúng tiến độ của hồ sơ trúng đấu giá hoặc chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Sau đó, trong quá trình thực hiện, Nhà đầu tư có được quyền điều chỉnh dự án đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư khác với quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định phê duyệt Phương án đấu giá quyền sử dụng đất, Quyết định đấu giá hay không.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án lựa chọn nhà đầu tư (như trường hợp 2) được thực hiện như thế nào.
Việc điều chỉnh nội dung dự án đầu tư khác với phương án đấu giá, quyết định trúng đấu giá hoặc chủ trương đầu tư sau khi đã có nhà đầu tư được lựa chọn có phù hợp quy định về tính công khai, minh bạch và cạnh tranh công bằng của các nhà đầu tư.
* Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn:
+ Trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án như trường hợp 1 và trường hợp 2 nêu trên.
+ Việc điều chỉnh nội dung dự án đầu tư khác với phương án đấu giá, quyết định trúng đấu giá hoặc chủ trương đầu tư sau khi đã có nhà đầu tư được lựa chọn có phù hợp quy định về tính công khai, minh bạch và cạnh tranh công bằng của các nhà đầu tư.
Trả lời:
Về việc điều chỉnh dự án trong trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Về việc điều chỉnh dự án đầu tư thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất có thể làm thay đổi nội dung phương án đấu giá, quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Do vậy, đề nghị tỉnh Tây Ninh trao đổi với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục điều chỉnh phương án đấu giá, quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
- Việc điều chỉnh dự án đầu tư đã được quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư. Nội dung về thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư được quy định tại Điều 43 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
3. Nội dung kiến nghị (số 28 tại văn bản số 942/BDN): Điều 44 Nghị định 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành lĩnh vực quy định như sau:
“Điều 44. Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu
1. Hồ sơ mời thầu bao gồm:
a) Chỉ dẫn nhà thầu, tùy chọn mua thêm (nếu có);
b) Bảng dữ liệu đấu thầu;
c) Tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng.
Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, hồ sơ mời thầu phải nêu rõ phạm vi công việc và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt;
d) Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;
đ) Phạm vi cung cấp, yêu cầu về kỹ thuật, điều khoản tham chiếu;
e) Điều kiện và biểu mẫu hợp đồng;
g) Các hồ sơ, bản vẽ và nội dung khác (nếu có).
2. Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.
3. Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
4. Trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu.”
Theo quy định này, hồ sơ mời thầu bao gồm nhiều nội dung trong đó có Tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng.
Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, hồ sơ mời thầu phải nêu rõ phạm vi công việc và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt;
Đối với dự án thuộc trường hợp đấu thầu theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 1 Nghị định 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ, chưa có hướng dẫn về việc quy định tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng
Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy định về hồ sơ mời thầu đối với dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề nói riêng và dự án quy định tại điểm h khoản 4 Điều 1 Nghị định 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ.
Trả lời:
Điều 47, 48 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực địa phương, trong đó, gồm tiêu chuẩn đánh giá đối với dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hoá.
Ngày 30/9/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư kinh doanh; cung cấp, đăng tải thông tin về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đã quy định chi tiết hồ sơ mời thầu cho các dự án xã hội hoá.
4. Nội dung kiến nghị (số 29 tại văn bản số 942/BDN): Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư, trong đó có nội dung Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Đất đai 2024 thì để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định: “Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư và điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Theo văn bản số 2541/CV-TCT ngày 18/4/2022 của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư hướng dẫn một số nội dung về triển khai, thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trả lời Câu hỏi số 39 có nêu: nhà đầu tư là tổ chức mới thành lập có thể nộp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính như cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Việc doanh nghiệp mới thành lập chứng minh năng lực tài chính thông qua Văn bản xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ có phải là tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, có đảm bảo theo quy định hay không.
Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn về tài liệu chứng minh năng lực tài chính đối với doanh nghiệp mới thành lập. Nhà đầu tư mới thành lập chứng minh năng lực tài chính thông qua Văn bản xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ có đảm bảm theo quy định pháp luật không? Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư cụ thể là tài liệu gì.
Trả lời:
Điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư quy định: “Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư”.
Do vậy, nhà đầu tư là tổ chức mới thành lập có thể nộp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính như cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ và các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Nội dung kiến nghị (số 30 tại văn bản số 942/BDN): Điều 32 Luật Đầu tư 2020 quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau: “2. Đối với dự án đầu tư quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.”
Khoản 13 Điều 2 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định: “13. Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh”; Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP “Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng. Quy mô diện tích, vị trí, tính chất của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Điều 203 Luật đất đai 2024 thì “đất sử dụng cho khu kinh tế là diện tích đất sử dụng cho các khu chức năng”.
Căn cứ các quy định nêu trên, dự án đầu tư thực hiện tại khu kinh tế phù hợp với quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng của khu kinh tế để cụ thể hóa đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là thuộc cơ quan nào.
Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án dự án đầu tư thực hiện tại khu kinh tế nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng của khu kinh tế.
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư, một trong các nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư là đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có).
Do đó, trường hợp dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch nêu trên thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc Ban Quản lý các khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư