Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình

Ngày 20/12/2024 - 14:21:00 | 30 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị (số 21 tại văn bản số 8502/VPCP-QHĐP):

a) Đề nghị quan tâm xem xét các các loại hình đầu tư cụ thể và phân cấp cho cấp tỉnh được quyết định cấp phép đối với các dự án không có yếu tố nước ngoài đầu tư vào các xã vùng CT229.

b) Đề nghị quan tâm vận động các Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế tăng cường cung cấp các nguồn vốn ODA không hoàn lại để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

c) Đề nghị sớm ban hành các quy định, hướng dẫn việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ để Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND), các sở, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp có cơ sở triển khai thực hiện.

d) Đề nghị quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương xem xét một số nội dung về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), cụ thể, ngày 18/01/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp các khó khăn, vướng mắc như sau:

(i) Tại khoản 5 Điều 4 quy định về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đối với các tài sản có giá trị lớn hơn (hoặc nhỏ hơn) 500 triệu đồng, quy trình, thủ tục xác định giá trị còn lại và xử lý tài sản được hình thành, chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, dễ dẫn đến rủi ro về mặt pháp lý đối với các cơ quan quản lý, đối tượng tham gia dự án. Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương có văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

(ii) Tại khoản 7 Điều 4 quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2024 - 2025. Tuy nhiên, theo Văn bản số 5817/BKHĐT-TCTT ngày 23/7/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị của địa phương về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó tại trang 5 có nêu “Trường hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm tại huyện thí điểm không phù hợp với các quy định tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành, trước khi trình HĐND cấp huyện quyết định việc điều chỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện báo cáo UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền”. Như vậy, mặc dù đã thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện (02 huyện được chọn), tuy nhiên việc điều chỉnh vốn đầu tư, vốn sự nghiệp vẫn phải trình HĐND cấp tỉnh quyết định, bước này làm tăng thời gian khai thực hiện, trong khi thời gian thực hiện các CTMTQG chỉ còn hơn một năm. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho phép HĐND cấp huyện (02 huyện được chọn cơ chế thí điểm) được chủ động điều chỉnh theo quy định, sau đó UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh tại kỳ họp gần nhất.

đ) Dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) đã được bố trí 4.650 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dự án có hướng, tuyến đi qua địa hình đồi, núi khó khăn, hiểm trở với nhiều hạng mục quy mô lớn, thiết kế phức tạp; quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư dự án như đấu thầu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng… còn mất nhiều thời gian; điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, nhất là cơn bão số 3… gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Kính đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2025 của dự án, số vốn là 1.350 tỷ đồng.

Trả lời:

a) Căn cứ Quy chế quản lý, bảo vệ và xây dựng các vùng CT229 và Thông tư liên tịch số 57/2013/TTLT-BQP-BKHĐT-BCA-BTC ngày 03/5/2013 thì công tác cấp phép đối với các dự án đầu tư vào vùng CT229 thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Do đó, đề nghị tỉnh Hoà Bình chủ động, phối hợp với Bộ Quốc phòng để được hướng dẫn chi tiết.

b) Trong thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã tiếp cận được nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài khá đa dạng (KfW, WB, Kexim, ADB, AFD,...). Do vậy, trong thời gian tới, đề nghị tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các dự án đang thực hiện, hoàn thành thủ tục đối với các dự án đang trong quá trình hoàn tất thủ tục phê duyệt theo quy định. Đối với các đề xuất dự án mới (nếu có), đề nghị tỉnh bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, đề án thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và các quy định liên quan trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cùng các Đối tác phát triển để tiến hành các thủ tục theo quy định.

c) Việc phân cấp, ủy quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện một số các nhiệm vụ đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 68 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 57, khoản 3 Điều 58 và khoản 9 Điều 66 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, đề nghị tỉnh Hoà Bình chủ động, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể.

d) Về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện CTMTQG

(i) Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024:

Tại văn bản số 1508/VPCP-QHĐP ngày 19/02/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 đã giao Bộ Tài chính, trên cơ sở tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các địa phương, hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15. Do vậy, đề nghị địa phương rà soát, làm rõ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện cơ chế đặc thù quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 tại địa phương, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để được hướng dẫn chi tiết.

(ii) Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2024-2025 tại khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15:

Theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15, HĐND cấp huyện chỉ được phân cấp  thực hiện thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh (theo quy định tại khoản 1, khoản 2 của Luật Ngân sách nhà nước) trong quyết định điều chỉnh phân bổ vốn ngân sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh đã giao cho cấp huyện; không được phân cấp thực hiện thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh (theo quy định tại điểm e khoản 9 Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước, điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2024 của Chính phủ) trong quyết định việc điều chỉnh quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách ở địa phương.

Căn cứ thẩm quyền được giao và điều kiện thực tiễn tại địa phương, đề nghị địa phương chủ động rà soát các phương án điều chỉnh phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG tại các huyện được lựa chọn thực hiện cơ chế thí điểm để quyết định việc điều chỉnh theo cơ chế thí điểm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15. Trong đó:

- Trường hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm tại huyện thí điểm phù hợp với các quy định tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được HĐND tỉnh ban hành, UBND cấp huyện chủ động trình HĐND cấp huyện quyết định việc điều chỉnh theo thẩm quyền.

- Trường hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm tại huyện thí điểm không phù hợp với các quy định tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được HĐND tỉnh ban hành, trước khi trình HĐND cấp huyện quyết định việc điều chỉnh, UBND cấp huyện báo cáo UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền.

đ) Ngày 13/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, quyết nghị tại điểm b khoản 6 Điều 2 về phân bổ, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như sau: “Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân tối đa 9.204,133 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa giải ngân hết đến hết ngày 31/12/2025 của 33 dự án, 02 nhiệm vụ theo danh mục dự án, nhiệm vụ tại Báo cáo số 652/BC-CP ngày 17/10/2024 của Chính phủ”, trong đó có dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình). Như vậy Quốc hội đã cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân dự án này đến 31/12/2025./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác