Thứ hai, 00/00/2023
°

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói về con số thống kê

Ngày 05/11/2015 - 11:00:00 | 347 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đề cập một số vấn đề "nóng" trong lĩnh vực thống kê.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Thành Chung

Trước đó, đã có gần 10 đại biểu cho ý kiến về dự án Luật. Các đại biểu phản ánh về mức độ không chính xác của một số con số thống kê liên quan đến GDP, chỉ tiêu việc làm qua đào tạo, chỉ tiêu hộ nghèo trong thời gian qua của Tổng cục Thống kê và đề nghị thành lập một cơ quan thẩm định số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê.

Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu thống kê quốc gia và hệ thống; bày tỏ ủng hộ tính khách quan của số liệu thống kê mà các bộ ngành công bố; yêu cầu về thời điểm công bố số liệu thống kê chính thức đảm bảo phục vụ hiệu quả nhất các hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội..

Phát biểu với tư cách là đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã giải thích cho các ý kiến trước đó của một số đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh “vấn đề cốt lõi của thống kê là chính xác”, tuy nhiên “số liệu thống kê hiện nay khó có thể chính xác hết được nhưng không có khác biệt đến mức chúng ta nghĩ rằng bị bóp méo vì ngành thống kê rất hội nhập quốc tế”.

Phương pháp thống kê của Việt Nam được Hiệp hội Thống kê Quốc tế công nhận. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đánh giá cao và sử dụng số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đưa ra ví dụ có sự chênh lệch chỉ số hộ nghèo giữa Tổng cục Thống kê và Bộ LĐTB&XH. Sở dĩ số liệu hộ nghèo của Tổng cục Thống kê cao hơn vì phương pháp tính hộ nghèo theo chuẩn quốc tế có tính thêm phần trượt giá vào thu nhập (vốn không thay đổi từ đầu nhiệm kỳ tới nay) của hộ nghèo. Nhưng Bộ LĐTB&XH không tính yếu tố trượt giá vào thu nhập mà chỉ căn cứ vào quy định thu nhập hộ nghèo từ đầu để tính toán thì số liệu thấp hơn..

Hay như số liệu lao động qua đào tạo, ở Việt Nam chỉ cần đang học nghề cũng tính là được đào tạo nhưng cách tính của quốc tế mà Tổng cục Thống kê áp dụng là phải có chứng chỉ thì mới được tính vào lao động đã qua đào tạo. Do đó, số liệu lao động qua đào tạo thường vênh giữa Tổng cục Thống kê và Bộ LĐTB&XH.

Nếu có sai là do số liệu đầu vào. Đầu vào không chính xác thì số liệu không chính xác. Nên xử phạt thật nặng việc cung cấp số liệu đầu vào sai cho thống kê theo hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự.

Trước một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu thống kê, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng tinh thần là không bỏ sót chỉ tiêu đánh giá, nhưng trước hết phải xác định rõ hệ thống chỉ tiêu quốc gia và hệ thống chỉ tiêu bộ, ngành. “Ví dụ số đại biểu nữ tham gia chính quyền thì Ban Tổ chức Trung ương có hết hay xã có bao nhiêu hộ có điện thì nên để cho Bộ Công Thương trả lời”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói

Thứ nữa là khi đưa ra chỉ tiêu thì phải có phương pháp đo đếm từ cơ sở tính lên, chứ không phải cứ đưa chỉ tiêu ra là ngồi phác thảo.

Định kỳ công bố số liệu thống kê: Không dễ dàng

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết hiện ngành thống kê có 3 loại số liệu và đây cũng là “trăn trở” của ngành vì bị xã hội hiểu sai.

Thứ nhất là số liệu ước tính, lấy từ 2 kỳ điều tra đầu trong tháng (tháng nào cũng tính) để phục vụ điều hành của Chính phủ. Thứ hai là số liệu thống kê sơ bộ, được lấy sau kỳ điều tra thứ 3 trong tháng nhưng số liệu này chưa được thẩm định. Cuối cùng là số liệu chính thức nhưng thường được công bố vào tháng 6 của năm sau (theo quy chuẩn của quốc tế).

Hiện Việt Nam đang có 185 chỉ tiêu thống kê quốc gia nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng không phải 185 chỉ tiêu này công bố chính thức, thống nhất vì có những chỉ tiêu chưa hoàn thành do thời hạn thực hiện chỉ tiêu là khác nhau. Chính vì thế, để quy định rõ định kỳ công bố số liệu thống kê là không dễ dàng

Tổng cục Thống kê phải thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngàn

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ở bộ, ngành chỉ có khoảng 1 đến 2 cán bộ làm công tác thống kê nên “độ chính xác chỉ có mức độ thôi”

Do đó, Tổng cục Thống kê phải thẩm định vì không thể để các bộ, ngành tự làm được. Đồng thời trên thế giới không có bất kỳ quốc gia nào có Hội đồng thẩm định lại số liệu thống kê của cơ quan thống kê quốc gia. Chỉ có Hội đồng tư vấn số liệu thống kê làm nhiệm vụ tham vấn phương pháp, cách tính, bộ máy của ngành thống kê. Cơ quan thống kê Trung ương là cao nhất và chỉ có cơ quan này chịu trách nhiệm

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng ngoài Nhà nước, chỉ có rất ít tổ chức chuyên nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, họ chỉ điều tra dư luận xã hội là chủ yếu./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác