Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến 2020, phấn đấu 100% đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa, tỷ lệ này ở đường xã tối thiểu là 70%.
|
Đến 2020, phấn đấu 100% đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa
|
Đây là chiến lược quan trọng bởi giao thông nông thôn là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, cần được ưu tiên đầu tư nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế -xã hội khu vực nông thôn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóc nông nghiệp nông thôn.
Phấn đấu xóa bỏ hết cầu khỉ
Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 là sẽ từng bước kiên cố hóa cầu cống trên đường GTNT; xóa bỏ hết cầu khỉ, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các bến, bến ngang, cảng sông đến năm 2020 đạt bình quân 1 cảng hoặc bến/xã tại các vùng có thể sử dụng vận tải sông phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp,
Phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng từ trung tâm huyện đến xã
Về vận tải, Bộ Giao thông vận tải chủ trương tổ chức dịch vụ vận tải hành khách công cộng thuận lợi từ trung tâm huyện về các trung tâm xã, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người nông dân sống ở khu vực nông thôn và phục vụ phát triển của vùng nông thôn.
Cụ thể, đến năm 2020, sẽ phát triển các loại phương tiện vận tải phù hợp với địa hình, kết cấu hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân khu vực nông thôn.
Phấn đấu 100% các huyện có bến xe khách tại trung tâm, tối thiểu đạt loại 4. Bố trí điểm dừng, đỗ tại trung tâm xã dọc theo các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng.
Đồng thời, phấn đấu 100% các huyện có bến bãi phục vụ hàng hóa nông nghiệp, tổ chức các dịch vụ sửa chữa phương tiện tại các trung tâm huyện.
Huy động nguồn lực
Để đạt được mục tiêu trên, theo Bộ Giao thông vận tải, cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển giao thông nông thôn.
Đồng thời, một trong những giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ cho Chiến lược này là sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, chú trọng sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng để xây dựng phát triển giao thông nông thôn./.