Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015

Ngày 22/10/2015 - 15:11:00 | 793 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI Portal) – Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, 5 năm 2011 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016.

Ảnh: Internet

Theo Báo cáo, trước khi bước vào kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới sau năm 2010. Trong nước, giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trên cơ sở kết quả đạt được và do chưa lường hết những khó khăn thách thức nên nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho 5 năm 2011 - 2015 là khá cao.

Từ năm 2011, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo. Khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia. Trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn trong khi yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh ngày càng cao.

Trước diễn biến mới của tình hình, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015 đạt được những kết quả cụ thể như sau:

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011, dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỉ giá được điều chỉnh phù hợp, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.

Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh. Nhập khẩu tăng 15%/năm, tỉ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao. Dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường. Thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định .

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2% GDP. Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 70,5% .

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên. Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%), bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối, năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng 3,85%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm, loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2011. Khách quốc tế năm 2015 đạt khoảng 7,9 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với năm 2010.

Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% xuống 45%. Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 28,94%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525 nghìn, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010.

Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và nhiều luật, pháp lệnh, nhất là các luật liên quan trực tiếp đến thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước tiến mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc.

Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, mạng lưới được mở rộng, cơ cấu đào tạo hợp lý hơn, quy mô và chất lượng được nâng lên. Chú trọng bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số,…

Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, xây dựng. Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển, giá trị giao dịch tăng 13,5%/năm. Số lượng sáng chế và các giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ gấp gần 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010 .

Chính sách, pháp luật và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng được hoàn thiện với tầm nhìn tổng thể, dài hạn. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, tạo diện mạo mới cho đất nước.

Theo Báo cáo, tình hình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Triển khai thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực, tập trung vào các trọng tâm. Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nêu ra các kết quả cụ thể như: Văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; Cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng; Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trên cơ sở đạt được 9 tháng đầu năm và phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (có 8 chỉ tiêu vượt), chỉ tiêu tỉ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch (42%). Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; Thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; Bảo đảm ổn định chính trị xã hội, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.Từ những kết quả đạt được, báo cáo đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và năm 2016 với mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác