1. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 (Báo cáo số 190/BC-TCTK ngày 27/12/2018 của Tổng cục Thống kê)
- Tổng sản phẩm trong nước: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 6,01% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
- Sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2018 ước tính tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó ngành khai khoáng giảm 3,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%. Tính chung cả năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,2% so với năm trước (quý I tăng 12,7%, quý II tăng 8,2%, quý III tăng 10,7% và quý IV tăng 9,4%), thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017.
- Hoạt động của doanh nghiệp: Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2018 lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 1.107,1 nghìn người, giảm 4,7% so với năm trước.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm 2017, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước, trong đó 14.880 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,2% và tăng 34,2%.
- Hoạt động dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 ước tính đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (năm 2017 tăng 9,3%), trong đó quý IV/2018 đạt 1.161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với quý trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 ước tính đạt 3.306,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,4% so với năm 2017.
- Vận tải hành khách: trong quý IV năm nay đạt 1.195,6 triệu lượt khách, tăng 11,3% so với quý IV năm trước và 52,9 tỷ lượt khách.km, tăng 11%; vận tải hàng hóa đạt 423,3 triệu tấn, tăng 10,1% và 80 tỷ tấn.km, tăng 7,1%.
Tính chung cả năm 2018, vận tải hành khách đạt 4.641,5 triệu lượt khách, tăng 10,7% so với năm trước và 207,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,9%; vận tải hàng hóa đạt 1.634,7 triệu tấn, tăng 10% và 306,4 tỷ tấn.km, tăng 7,6%.
- Khách quốc tế đến Việt Nam: trong quý IV/2018 đạt 3.881,3 nghìn lượt người, tăng 11,7% so cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2018, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm trước (tăng 2,6 triệu lượt khách).
- Hoạt động ngân hàng: Tính đến thời điểm 20/12/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,34% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,19%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,56% (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,5%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,30% (cùng kỳ năm trước tăng 16,96%).
- Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước (quý IV đạt 606,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%), bằng 33,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 619,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,3% tổng vốn và tăng 3,9% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% và tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 434,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,6%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/12/2018 thu hút 3.046 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, tăng 17,6% về số dự án và giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư.
- Thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2018 ước tính đạt 1.272,5 nghìn tỷ đồng, bằng 96,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 1.012,3 nghìn tỷ đồng, bằng 92,1%; thu từ dầu thô 59,4 nghìn tỷ đồng, bằng 165,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 195,9 nghìn tỷ đồng, bằng 109,4%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2018 ước tính đạt 1.272,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 874,5 nghìn tỷ đồng, bằng 93%; chi đầu tư phát triển 260,2 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1%; chi trả nợ lãi 102,2 nghìn tỷ đồng, bằng 90,8%.
- Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cả năm 2018 ước tính đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017 (quý IV đạt 64,37 tỷ USD, tăng 11,2%). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.
- Chỉ số giá tiêu dùng: CPI tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng 11/2018. Tính chung quý IV/2018, CPI tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,44% so với quý IV/2017. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017, bình quân mỗi tháng tăng 0,25%. Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017.
- Lao động và việc làm: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2018 là 55,4 triệu người, tăng 566,2 nghìn người so với năm 2017 (quý IV là 55,7 triệu người, tăng 530,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước); lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,7 triệu người, tăng 549,8 nghìn người.
2. Chín tháng năm 2018 (Báo cáo số 144/BC-TCTK ngày 27/9/2018 của Tổng cục Thống kê)
- Tổng sản phẩm trong nước: 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây . Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,9% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
- Sản xuất công nghiệp: Tính chung 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.
- Hoạt động của doanh nghiệp: Tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%. Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2018 là 819,7 nghìn người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động dịch vụ: Hoạt động thương mại dịch vụ trong 9 tháng năm nay tiếp tục xu hướng tăng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao. Tính chung 9 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,76%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước tính đạt 2.433,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
- Vận tải hành khách và hàng hóa: Tính chung 9 tháng, vận tải hàng hóa đạt 1.211,2 triệu tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước và 225,9 tỷ tấn.km, tăng 7,5%, trong đó vận tải trong nước đạt 1.185,8 triệu tấn, tăng 10% và 122,7 tỷ tấn.km, tăng 10,3%; vận tải ngoài nước đạt 25,4 triệu tấn, tăng 3,2% và 103,2 tỷ tấn.km, tăng 4,4%.
- Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính chung 9 tháng năm 2018, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 11.616,5 nghìn lượt người, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước
- Hoạt động ngân hàng: Tính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%).
- Hoạt động đầu tư: Tính chung 9 tháng năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 420,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 533,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,5% và tăng 17,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 299,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,9% và tăng 8,4%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2018 thu hút 2.182 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14.124,5 triệu USD, tăng 18,3% về số dự án và giảm 3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 9 tháng năm 2018 đạt 330,9 triệu USD. Cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 9 tháng 2018.
- Thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 898,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 710,1 nghìn tỷ đồng, bằng 64,6%; thu từ dầu thô 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 121,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,9 nghìn tỷ đồng, bằng 78,7%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 936,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 651 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; chi đầu tư phát triển 192,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2%; chi trả nợ lãi 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5%.
- Xuất, nhập khẩu: Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.
- Chỉ số giá tiêu dùng: CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 9/2018 tăng 3,20% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
- Lao động, việc làm: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III năm 2018 ước tính là 55,4 triệu người, tăng 307,4 nghìn người so với quý trước và tăng 551,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Lao động nam 29 triệu người, chiếm 52,3%; lao động nữ 26,4 triệu người, chiếm 47,7%.
3. Sáu tháng đầu năm 2018 (Báo cáo số 85/BC-TCTK ngày 28/6/2018 của Tổng cục Thống kê)
- Tổng sản phẩm trong nước: GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; Ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,41%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; Ngành lâm nghiệp tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 4,31% của cùng kỳ năm trước nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
- Sản xuất công nghiệp: Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 8,4%), cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017.
- Hoạt động của doanh nghiệp: Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4%. Nếu tính cả 1.192,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2018 là 1.841,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 lên gần 81 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2018 là 508,5 nghìn người, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động dịch vụ: Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.597,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,3% tổng mức và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước do hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, giá cả tương đối ổn định và đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng của người dân và khách du lịch.
- Vận tải hành khách và hàng hóa: Tính chung 6 tháng, vận tải hàng hóa đạt 796,2 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước và 147,9 tỷ tấn.km, tăng 6,6%, trong đó vận tải trong nước đạt 779,4 triệu tấn, tăng 9,5% và 79,6 tỷ tấn.km, tăng 9,7%; vận tải ngoài nước đạt 16,8 triệu tấn, tăng 2,3% và 68,3 tỷ tấn.km, tăng 3,2%.
- Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7.891,5 nghìn lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động ngân hàng: Tính đến thời điểm 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 5,69%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%); tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6,35% (cùng kỳ năm trước tăng 7,54%).
- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 theo giá hiện hành ước tính đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,9% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 249,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 308,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,3% và tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 189,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% và tăng 8,5%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2018 thu hút 1.366 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11.799,8 triệu USD, tăng 15,5% về số dự án và giảm 0,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 6 tháng đầu năm 2018 đạt 263,1 triệu USD. Cả nước có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 6 tháng đầu năm 2018.
- Thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2018 ước tính đạt 582,1 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 462,7 nghìn tỷ đồng, bằng 42,1%; thu từ dầu thô 27 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 92 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2018 ước tính đạt 586 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 416 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2%; chi trả nợ lãi 55,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7%; riêng chi đầu tư phát triển mới bằng 27,8% dự toán năm tương ứng với 111,1 nghìn tỷ đồng.
- Xuất, nhập khẩu: Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.
- Chỉ số giá tiêu dùng: CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
- Lao động, việc làm: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 1/7/2018 ước tính là 55,1 triệu người, tăng 594 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2017, bao gồm: Lao động nam 28,8 triệu người, chiếm 52,2%; lao động nữ 26,3 triệu người, chiếm 47,8%.
4. Ba tháng đầu năm 2018 (Báo cáo số 42/BC-TCTK ngày 28/3/2018 của Tổng cục Thống kê)
- Tổng sản phẩm trong nước: GDP quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: ngành nông nghiệp tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả; ngành lâm nghiệp tăng 5,03%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,76%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
- Sản xuất công nghiệp: Tính chung quý I năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ các năm gần đây.
- Hoạt động của doanh nghiệp: Trong quý I năm nay, cả nước có 26.785 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là 225,4 nghìn người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2017. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay là 20.337 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I năm 2018 là 3.321 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2018 ước tính đạt 1.048 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,4%).
- Vận tải hành khách và hàng hóa: Vận tải hành khách 3 tháng đầu năm ước tính đạt 1.049,8 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và 46,8 tỷ lượt khách.km, tăng 10%; vận tải hàng hóa đạt 391,5 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và 72,7 tỷ tấn.km, tăng 5,8%.
- Khách quốc tế đến Việt Nam: trong quý I/2018 ước tính đạt 4.205,4 nghìn lượt người, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động ngân hàng: Tính đến thời điểm 20/3/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 2,88%); huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%).
- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2018 theo giá hiện hành đạt khá với 331,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,2% GDP bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 104,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng vốn và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 138,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,9% và tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 87,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% và tăng 8,1%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3/2018 thu hút 618 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2.121,6 triệu USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 27,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong quý I/2018 cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 123,6 triệu USD.
- Thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2018 ước tính đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 185,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16,9%; thu từ dầu thô đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, bằng 29,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2018 ước tính đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, bằng 14,8% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 183 nghìn tỷ đồng, bằng 19,5%; chi đầu tư phát triển đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% dự toán năm; chi trả nợ lãi 24,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1%.
-Xuất, nhập khẩu: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I năm 2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I năm 2018 ước tính đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I/2018 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I/2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD.
- Chỉ số giá tiêu dùng: CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 3/2018 tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 3/2018 giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2018 tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
- Lao động, việc làm: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 1/4/2018 ước tính là 55,1 triệu người, tăng 586,8 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2017, bao gồm: Lao động nam 28,6 triệu người, chiếm 52%; lao động nữ 26,5 triệu người, chiếm 48%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư