(MPI) - Ngày 17/5/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 liên quan đến quyền trẻ em tại một số ngành, địa phương.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Bảo đảm quyền con người, coi trọng phát huy tối đa nhân tố con người là một trong những quan điểm phát triển được xác định rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020. Thực tế cho thấy, một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp là công tác chăm lo, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, cung cấp hệ thống các dịch vụ công có chất lượng nhằm đảm bảo môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ em đã và đang tạo tiền đề cho các hoạt động đầu tư, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dưới sự tác động của môi trường sống có nhiều biến động, trẻ em ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận các cơ hội phát triển và các vấn đề của trẻ em ngày càng trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, các hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Lao động, văn hóa, xã hội Trần Ngọc Hùng cho biết, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò là Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng hai Văn kiện này. Báo cáo đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 liên quan đến quyền trẻ em do UNICEFtài trợ nhằm đánh giá những kết quả đạt được, từ đó đưa ra những khuyến nghị lồng ghép liên quan đến quyền trẻ em trong Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao đóng góp của UNICEF trong việc hỗ trợ xây dựng Báo cáo và cam kết phối hợp chặt chẽ hiệu quả Chương trình đã ký kết giai đoạn 2017 - 2021.
Đại diện UNICEF cho biết, mục tiêu của nghiên cứu nhằm rà soát và đánh giá về quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến trẻ em và quyền trẻ em giai đoạn 2016 - 2018 ở cấp trung ương và địa phương tại tỉnh Điện Biên và Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, đưa ra kết quả đạt được cũng như mức độ lồng ghép quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết các vấn đề liên quan tới trẻ em của ngành, địa phương. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị cho việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.
Phạm vi nghiên cứu là đánh giá quy trình, mức độ phù hợp và cách thức lồng ghép quyền trẻ em theo 04 nhóm, gồm quyền còn sống, quyền phát triển, quyền chăm sóc, bảo vệ và quyền tham gia. Nghiên cứu cũng xem xét sự đồng bộ và mức độ đổi mới của hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước, đồng thời xác định những thiếu hụt tiềm ẩn của hệ thống các can thiệp, các chính sách, dịch vụ hỗ trợ nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến trẻ em thuộc các ngành lao động, thương binh, xã hội, y tế ở cấp trung ương và địa phương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng đáp ứng đầy đủ 04 nhóm quyền trong phát triển kinh tế - xã hội ở cấp tỉnh ở mức tương đương hoặc tốt hơn so với kế hoạch ở cấp trung ương. Mức độ lồng ghép các chỉ tiêu đảm bảo 04 nhóm quyền của trẻ em ở trung ương còn thấp. Nhìn chung, các ngành, các cấp quản lý đã nỗ lực đổi mới và linh hoạt trong quá trình xác định các chỉ tiêu kế hoạch. Hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch cấp tỉnh và cấp huyện đã được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với bối cảnh của địa phương có sự tính toán, cân đối hợp lý giữa kế hoạch và nguồn lực thực hiện. Ngoài 05 chỉ tiêu chung do trung ương hướng dẫn, các tỉnh tự bổ sung nhiều chỉ tiêu nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương như dinh dưỡng hay rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và các chỉ tiêu đảm bảo quyền giáo dục, bảo vệ quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, tỉnh Điện Biên bổ sung các chỉ tiêu số liên quan tới suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỉnh Ninh Thuận bổ sung các chỉ tiêu phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đối với cấp trung ương về các giải pháp để tiếp tục lồng ghép các mục tiêu ưu tiên nhằm bảo đảm thực hiện toàn diện các quyền trẻ em. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cần nghiên cứu để đưa ra lộ trình thực hiện, có thể kết hợp thực hiện song song hai giải pháp trọng tâm đó là xây dựng Chiến lược phát triển trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và lồng ghép các mục tiêu ưu tiên về quyền trẻ em trong các chiến lược. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý và quy trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng Chiến lược phát triển trẻ em sẽ tạo ra một khung chính sách thống nhất, định hướng cho các ưu tiên trong kế hoạch và phân bổ ngân sách đảm bảo đạt được mục tiêu kế hoạch ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Các chính sách cần thúc đẩy để hỗ trợ việc thực hiện các giải pháp, gồm: Các quy định của Chính phủ về trách nhiệm giải trình, về giám sát đánh giá chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, chính sách phát triển ở gia đình Việt Nam và các chính sách khác về nâng cao chất lượng dân số, giáo dục, dịch vụ công.
Tại Hội thảo, giới thiệu nội dung triển khai thực hiện đánh giá tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và lộ trình chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chánh Văn phòng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Bùi Tất Thắng đã nêu một số vấn đề về yêu cầu đặt ra của việc xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến tư tưởng phát triển bền vững, phát triển vì con người để không ai bị bỏ lại phía sau. Muốn vậy, các định hướng và chính sách phải phát triển phải được ưu tiên cao độ cho một môi trường thể chế đảm bảo bình đẳng cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được các nguồn lực phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay, trong đó giáo dục và đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu.
Ông Bùi Tất Thắng hy vọng, các khuôn khổ Dự án Quyền trẻ em trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thuộc Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và UNICEF sẽ cung cấp nhiều căn cứ, lập luận có căn cứ khoa học để góp phần phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư