Thứ ba, 7/1/2025
°C

Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP

Ngày 21/09/2020 - 08:53:00 | 5195 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến.

Theo Dự thảo, Thông tư sẽ quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP.

Về nội dung áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, Dự thảo nêu rõ, khi lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hoá, tổ chức, cá nhân căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, căn cứ nhu cầu sử dụng của hàng hoá để đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật (đặc tính, thông số kỹ thuật…) bảo đảm đáp ứng về công năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế và năng lực kinh doanh cũng như điều kiện của thị trường. Trường hợp đấu thầu nội khối, trong hồ sơ mời thầu ghi rõ chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu.

Theo Dự thảo, không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hoá, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử, trừ trường hợp đấu thầu nội khối theo quy định tại Điều 4 và Điều 15 của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP; không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu.

Dự thảo quy định rõ việc áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ; Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu. Đối với gói thầu mua sắm hàng hoá áp dụng hình thức chỉ định thầu, có thể tham khảo, chỉnh sửa Mẫu hồ sơ mời thầu nêu trên để áp dụng cho phù hợp.

Khi đánh giá về giá không xem xét và không đưa vào để so sánh, xếp hạng nhà thầu đối với chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có). Trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất thì chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ được xác định cụ thể trong bước thương thảo hợp đồng. Giá đề nghị trúng thầu, giá hợp đồng phải bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) trên cơ sở điều kiện giao hàng nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu.

Dự thảo quy định về Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Theo đó, đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Dự thảo cũng quy định chi tiết Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp; đối với trường hợp trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu không đóng kèm Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; Trường hợp trong nội dung Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; Trường hợp các nhà sản xuất, các đại lý, nhà phân phối trong lãnh thổ Việt Nam cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác.

Điều 1 Nghị định số 95/2020/NĐ-CP quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa nêu tại Phụ lục IV, V và VI kèm theo Nghị định này thuộc dự án, dự toán mua sắm của cơ quan mua sắm được liệt kê tại Phụ lục II và Phụ lục III kèm theo Nghị định này khi có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này trở lên.

Nghị định này không áp dụng đối với các hoạt động chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, mua hoặc thuê nhà, trụ sở, bất động sản hoặc các quyền liên quan đến các hoạt động này; Các thỏa thuận không hình thành hợp đồng; các khoản hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan mua sắm bao gồm: Thoả thuận hợp tác, viện trợ không hoàn lại, khoản vay, huy động vốn bằng cổ phiếu, khoản bảo lãnh, trợ cấp, ưu đãi tài chính và thỏa thuận tài trợ; Các dịch vụ lưu ký hoặc ủy thác tài chính; các dịch vụ thanh toán nợ và quản lý đối với các tổ chức tín dụng; các dịch vụ liên quan đến bán, mua lại và phân bổ nợ công, bao gồm các khoản vay và trái phiếu Chính phủ, giấy tờ có giá và các chứng khoán khác; Gói thầu của cơ quan mua sắm nhằm cung cấp hỗ trợ quốc tế bao gồm cả viện trợ phát triển; Gói thầu được tài trợ bởi tổ chức quốc tế hoặc được tài trợ, cho vay, hỗ trợ từ nước ngoài hoặc quốc tế có yêu cầu áp dụng các điều kiện, quy định về lựa chọn nhà thầu của tổ chức, nhà tài trợ quốc tế đó…/.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác

EMC Đã kết nối EMC