(MPI) – Đây là chủ đề của phiên thảo luận tại Hội nghị bàn tròn Khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA do Phái đoàn Liên minh châu Âu tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/3/2021 với sự tham gia chia sẻ của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI.
|
Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: MPI |
Chính phủ: kỳ vọng vào sự thay đổi trong chất lượng hoạt động của doanh nghiệp
Chia sẻ tại phiên thảo luận, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thu Thủy cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong đó trên 97% là DNNVV có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Chiếm tỷ lệ gần tuyệt đối về số lượng, đóng góp hơn 40% GDP, 50% việc làm, các doanh nghiệp tư nhân và DNNVV đang là một trong nhiều trụ cột cùng với khu vực doanh nghiệp FDI và DNNN góp phần quan trọng cho nền kinh tế.
Với khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, các doanh nghiệp đã tạo nhiều việc làm, đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới để phát triển. Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đặt mục tiêu sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế vào năm 2030 và 2,5 triệu năm 2035. Đây là một mục tiêu và nhiệm vụ rất lớn để có thể đạt được. Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động và do tác động của nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân lớn là dịch covid đã khiến mục tiêu không đạt và hiện mới chỉ đạt hơn 800.000 doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ không chỉ đặt mục tiêu gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập trong nền kinh tế mà còn kỳ vọng vào sự thay đổi trong chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, chuyển đổi số toàn diện, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất.
Về chiến lược, kế hoạch hành động thời gian tới, Phó Cục trưởng Bùi Thu Thủy cho rằng, thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh vẫn được đánh giá là cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, rào cản trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp như: Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020; Luật PPP, hiện Bộ đã hoàn thiện trình Chính phủ ban hành một loạt các nghị định hướng dẫn các Luật trên tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các khu vực. Tiếp tục nắm bắt khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp về gia hạn, giãn, hoãn nộp các loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, có giải pháp phòng dịch tốt để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Theo tính toán sau khoảng 7 năm, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết cho đến nay. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ hội thì lớn như vậy nhưng không có nghĩa là cứ tham gia hiệp định, EU giảm thuế là các DNNVV có thể hưởng lợi và nâng cao năng lực được ngay. Hiện nay trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước gồm cả DNNN và doanh nghiệp tư nhân chiếm chưa đến 30%; đây là rào cản các doanh nghiệp trong nước không được hưởng lợi nhiều từ hiệp định do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào các hoạt động xuất khẩu, chưa tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Nhận thức được điều đó, năm 2017 Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV và Chính phủ đã ban hành 4 nghị định để thúc đẩy triển khai bao gồm cả đẩy nhanh hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ quản lý tín dụng DNNVV và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho startup. Trên căn cứ đó, 63 tỉnh thành phố đã xây dựng, ban hành và bố trí ngân sách để hỗ trợ DNNVV tại địa phương: trợ giá đất thuê cho DNNVV trong khu công nghiệp, hỗ trợ đổi mới công nghệ, khởi nghiệp, hỗ trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ hộ kinh doanh…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với USAID triển khai dự án LinkSME nhằm mục tiêu hỗ trợ, nâng cấp các DNNVV tiềm năng để đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lớn đầu chuỗi. Bộ cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi liên kết giai đoạn 2021-2025 với nhiều giải pháp nâng cấp kỹ thuật cho các DNNVV với hy vọng đến năm 2025 sẽ nâng cấp được khoảng 60 chuỗi liên kết và khoảng 3000 doanh nghiệp hưởng lợi từ chương trình.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: MPI |
Cần nỗ lực của cả Chính phủ và khu vực doanh nghiệp
Đồng tình với nhận định chia sẻ về việc cần nỗ lực của cả Chính phủ và khu vực doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Bùi Thu Thủy cho rằng, về phía Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ hiệp định, đánh giá đúng mức cơ hội và tác động của EVFTA đối với các doanh nghiệp, theo ngành nghề và theo quy mô. Doanh nghiệp quy mô, ngành nghề khác nhau sẽ có cơ hội và thách thức khác nhau cần thiết kế các chính sách trúng và phù hợp.
Đối với nhóm doanh nghiệp ở mức độ phát triển khá, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến có quy mô vừa, có nhà máy, sẵn sàng tham gia chuỗi liên kết cần các hoạt động hỗ trợ để tăng cường năng lực đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phổ biến về các tiêu chuẩn mới về bền vững, môi trường, trách nhiệm xã hội…
Đối với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, cần đẩy mạnh các giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hỗ trợ các phần mềm, nền tảng sẵn có để dùng miễn phí, hỗ trợ đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn tài chính, tư vấn chuyển đổi mô hình kinh doanh… từng bước nâng cao năng lực để tham gia được vào chuỗi liên kết.
Các doanh nghiệp cần chủ động, đầu tiên là phải hiểu được hiệp định, cơ hội và thách thức là gì để có giải pháp tận dụng và ứng phó. Đồng thời, cần tìm hiểu và phối hợp, tham gia cùng với cơ quan nhà nước để triển khai các dự án hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu các nền tảng giải pháp để ứng dụng chuyển đổi số: quản trị tài chính, nhân sự, bán hàng… tiến tới chuyển đổi toàn bộ quy trình sản xuất kinh doanh./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư