Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2021 tỉnh Đắk Lắk

Ngày 07/04/2021 - 09:46:00 | 361 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Trong quý I/2021, mặc dù nền kinh tế của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đặc biệt là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - là vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống của nhân dân trên địa bàn; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển; gieo trồng vụ Đông Xuân 2020-2021 vượt kế hoạch đề ra; giá cả một số sản phẩm cây công nghiệp, nông nghiệp đã có dấu hiệu tăng trở lại (như hồ tiêu hạt, cà phê nhân, mía nguyên liệu và thịt heo hơi,...); dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh do các nhà máy điện hoạt động ổn định; thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, phát điện thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải quyết việc làm và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Tuy nhiên, do dịch covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đặc biệt là du lịch, tiêu dùng, vận tải; các hoạt động kinh doanh dịch vụ kèm theo như lữ hành, ăn uống, lưu trú du lịch, tham quan trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, số lượng khách du lịch ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tỉnh giảm; các hoạt động tham quan du lịch, hoạt động lễ hội, thể thao, tổ chức sự kiện bị tạm dừng hoặc hủy bỏ, kéo theo các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải, lữ hành, dịch vụ ăn uống, lưu trú,… cũng bị thiệt hại. Bên cạnh đó, xuất khẩu giảm, nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ít có đơn hàng mới và bị giãn tiến độ giao hàng, sức tiêu thụ chậm.

1. Thu - chi Ngân sách nhà nước (NSNN)

Tính đến ngày 16/3/2021, Tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.470.685 triệu đồng, đạt 27,39% dự toán Trung ương giao và 19,84% dự toán HĐND tỉnh giao; tăng 4,28% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Thu thuế, phí 1.463.489 triệu đồng, đạt 27,88% dự toán TW giao và 20,43% dự toán HĐND tỉnh giao; tăng 4,11% so với cùng kỳ năm 2020. Thu biện pháp tài chính: 320.000 triệu đồng, đạt 31,47% dự toán TW giao và 11,93% dự toán HĐND tỉnh giao; giảm 8,88% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 4.169.917 triệu đồng, đạt 27,20% dự toán Trung ương giao và 23,89% dự toán HĐND tỉnh giao, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 31,13%. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.635.262 triệu đồng, đạt 49,49% dự toán TW giao và 31,78% dự toán HĐND giao; tăng 203,72% so cùng kỳ 2020. Chi thường xuyên 2.534.655 triệu đồng, đạt 21,09% dự toán TW giao và 20,61% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 3,56% so cùng kỳ 2020.

2. Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động đến hết quý I/2021 ước đạt 52.700 tỷ đồng, tăng 9,90% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 110.000 tỷ đồng, tăng 9,55% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 7,92% so với cùng kỳ.

3. Đầu tư

Ước tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn quý I năm 2021 đạt 6.191,9 tỷ đồng, giảm 58,90% so với quý IV năm 2020, tăng 0,27% so với cùng kỳ năm trước, bằng 20,78% kế hoạch năm. Trong đó, nguồn vốn nhà nước 520 tỷ đồng, chiếm 8,40% tổng vốn, giảm 12,14% chủ yếu giảm ở nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước và vốn vay từ các nguồn khác; vốn ngoài quốc doanh 5.650,7 tỷ đồng, chiếm 91,26% tổng vốn, tăng 2,23%; vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài 21,2 tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng vốn, giảm 62,27% là do tác động mạnh của dịch Covid-19 làm cho làn sóng đầu tư của khối doanh nghiệp FDI giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn quý I năm 2021, ước đạt 395,2 tỷ đồng, bằng 7,77% kế hoạch năm, giảm 13,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 299,4 tỷ đồng, chiếm 75,75% tổng nguồn vốn, giảm 15,53% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 95,6 tỷ đồng, chiếm 23,93%, giảm 7,93%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 203,53%. Việc thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước ước quý I năm 2021 giảm so với cùng kỳ là do khả năng cân đối vốn của ngân sách tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu thanh toán nợ và chuyển tiếp các công trình đã được tất toán còn chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

4. Xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý I năm 2021 (giá so sánh 2010), ước đạt 2.426,4 tỷ đồng, giảm 31,63% so với quý IV/2020, tăng 8,90% so cùng kỳ. Trong đó, công trình kỹ thuật dân dụng đạt 1.170,8 tỷ đồng, chiếm 48,25% tổng giá trị sản xuất, tăng 26,15%; công trình nhà không để ở đạt 346,4 đồng, chiếm 14,27%, tăng 72,40%; công trình nhà ở đạt 740,4 tỷ đồng, chiếm 30,51%, giảm 31,52%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 168,89 tỷ đồng, tăng 842,68% là do ngay từ năm 2021 thực hiện kế hoạch phát triển của ngành xây dựng tỉnh, chi phí giải phóng mặt bằng các công trình được đẩy mạnh, các hệ thống lắp đặt điện nước và hoàn thiện các công trình dở dang được hoàn thành ở các khu tái định cư, các dự án phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió. Trong quý I năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động Xây dựng trên địa bàn. Tỉnh Đắk Lắk là tỉnh nông nghiệp, giá cả nông sản giảm mạnh, đời sống nhân dân khó khăn nên hoạt động xây dựng trong dân cư giảm mạnh. Một số công trình xây dựng dự kiến khởi công và đang thi công cũng tạm ngừng để phòng dịch bệnh. Các doanh nghiệp Xây dựng nhỏ và vừa trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn.

5. Hoạt động xúc tiến đầu tư

Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, thực hiện dự án tại tỉnh.

Trong quý I năm 2021, tỉnh đã Quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng số vốn đầu tư 10.185,96 tỷ đồng, giảm 02 dự án nhưng tổng số vốn đầu tư tăng 9.405,29 tỷ đồng so với cùng kỳ.  Đặc biệt trong đó, có 06/10 là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực điện gió, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 20 dự án, với tổng vốn đăng ký 12.386,73 tỷ (tương đương 564,609 triệu USD), hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, môi trường, điện gió.

6. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 01 Dự án; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vốn đối ứng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tích cực tạo điều kiện cho dự án ODA hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.

7. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Trong quý I năm 2021, nhà đầu tư tiếp tục triển khai thi công các hạng mục theo tiến độ hợp đồng; đồng thời, phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện bồi thường GPMB Dự án Đường Giải Phóng, đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến bùng binh km5, quốc lộ 26, thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, triển khai hướng dẫn, đôn đốc các chủ dự án, nhà đầu tư các thủ tục đầu tư các dự án Đường giao thông liên xã Ea Phê - Ea Kuăng - Vụ Bổn huyện Krông Pắc và Dự án Đường giao thông đoạn qua Quốc lộ 26 (km145+800) - Quốc lộ 14 - Tỉnh lộ 8, thành phố Buôn Ma Thuột theo quy định.

8. Tình hình đầu tư tại các cụm công nghiệp

Tại Khu công nghiệp Hòa Phú, có 54 dự án đã đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, có 36 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm gần 2.000 lao động. Tại 08 cụm công nghiệp có 160 dự án đã đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu 6.243 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký 256,51 ha, đã cho doanh nghiệp thuê 229,96 ha; tỷ lệ lấp đầy 08 CCN đang hoạt động 76%.

9. Tình hình thực hiện các dự án điện gió, điện năng lượng trên địa bàn

 Dự án điện gió: Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên - giai đoạn 1, công suất 28,8MW đã xây dựng xong 12/12 tuabin gió; đưa vào vận hành phát điện thương mại 11/12 tuabin từ tháng 10/2020 với công suất 26,4MW, 01 tuabin còn lại đã hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành gặp sự cố kỹ thuật, hiện đang sửa chữa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 09 dự án điện gió với tổng công suất 742MW đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, trong đó có 03 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 785MW; 10 dự án với tổng công suất 776MW được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch điện VII; 30 dự án với tổng công suất 8.138,3 MW được UBND tỉnh trình bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

 Dự án điện mặt trời: Có 10 dự án với công suất 960 MWp đã hoàn thành đưa vào vận hành phát điện thương mại, góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia. Đến nay, 03 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 480 MWp. Còn 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.768 MWp được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

  Dự án điện mặt trời áp mái: Đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 5.367 công trình điện mặt trời áp mái đã phát điện thương mại, với tổng công suất 648,9 MWp.

10. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

- Vụ Đông xuân 2020-2021

Toàn tỉnh đã gieo trồng được 62.259 ha, vượt 16,20% so với kế hoạch, giảm 0,17% so với chính thức Đông Xuân năm trước. Trong đó, lúa nước 42.231 ha, vượt 14,13% so với kế hoạch, tăng 1,73%; ngô 3.510 ha, vượt 5,08% so với kế hoạch, giảm 5,81%; khoai lang 2.432 ha, vượt 24,08% so với kế hoạch, giảm 0,68%; sắn 2.705 ha, vượt 27,59% so với kế hoạch, giảm 0,22%; cây mía 965 ha, đạt 96,5% kế hoạch, tăng 0,89%; đậu các loại 1.507 ha, vượt 19,60% so với kế hoạch, tăng 2,87%; rau các loại 5.150 ha, vượt 42,26% so với kế hoạch, tăng 0,82%; cây hàng năm khác (chủ yếu cây thức ăn gia súc) 1.010/1.363 ha đạt 74,10% kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2020-2021 tuy có tăng so với kế hoạch nhưng lại giảm so với chính thức năm trước do yếu tố thời tiết, khí hậu nắng nóng, cơ cấu cây trồng cũng như giá cả, đã tác động nhiều đến diện tích gieo trồng các loại cây này.

Thu hoạch sớm vụ Đông Xuân 2020-2021: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đang thu hoạch trà lúa Đông Xuân sớm và một số cây trồng khác. Cụ thể Lúa đã thu hoạch được 6.200 ha, năng suất thu hoạch đạt khoảng 74,3 tạ/ha, Ngô 1.250 ha năng suất thu hoạch đạt 59,50 tạ/ha; khoai lang 1.164 ha năng suất đạt 195 tạ/ha, rau quả các loại 1.660ha... Nhìn chung vụ Đông Xuân năm nay người dân thu hoạch sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, hơn nữa người dân sử dụng giống cây trồng chất lượng cao như giống lúa RVT, ST24, khoai lang Nhật, ngô nếp Thái... giá những sản phẩm này cao hơn dễ tiêu thụ và không bị ép giá.

- Cây công nghiệp lâu năm

*Cây cà phê là loại cây trồng chủ lực của tỉnh với 209.955 ha, chiếm tỷ trọng 61,56% trong tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh. Mặc dù giá cả thời gian qua ở mức khá thấp nhưng người dân vẫn cố gắng đầu tư chăm sóc hy vọng giá cả của loại nông sản này sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tình hình sản xuất cây cà phê nhìn chung tương đối thuận lợi, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản tưới xong đợt 2 cho cây cà phê một số địa phương đang tiến hành tưới đợt 3, nguồn nước tưới cho cây cà phê hiện nay vẫn đảm bảo kể nguồn nước ngầm và các hồ, đập, do ảnh hưởng của trận mưa trái vụ ngày 8 và 9 tháng 2 vừa qua một số địa phương trong tỉnh phải tưới lại (tưới đuổi) để đảm bảo cho hoa cà phê nở đại trà. Hiện nay các địa phương đang tập trung tỉa cảnh, tạo tán, chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch.

*Cây cao su: Diện tích cao su toàn tỉnh là 32.602 ha. Tháng 3 là thời gian cây cao su thay lá nên hầu hết các vuờn cây nghỉ cạo theo chu kỳ để  bảo dưỡng vườn cây nên không có sản lượng mủ khai thác. Sản lượng mủ cao su khai thác trong quý 1 đạt 2.180 tấn (chủ yếu của 03 công ty cao su), giảm 7,77% so với cùng kỳ năm trước. Do giá mủ cao su vẫn ở mức thấp nên cao su tiểu điền hầu như không khai thác hết theo chu kỳ.

*Cây tiêu: Diện tích Tiêu của toàn tỉnh là 33.064 ha. Nhìn chung tình hình sản xuất cây Tiêu hiện nay tương đối thuận lợi do giá cả của loại nông sản này đã được cải thiện tăng liên tục trong thời gian qua (giá hiện nay từ 70.000 - 74.000 đồng/kg). Các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch tiêu vụ 2021, một số địa phương thiếu công lao động thu hái giá thuê công từ 180.000 – 200.000 đồng/ngày, với giá bán hiện nay lợi nhuận của người trồng tiêu vẫn còn thấp.

- Chăn nuôi, thú y

Tình hình chăn nuôi quý I năm 2021 cụ thể như sau: Ước số lượng đàn trâu là 29.100 con, giảm 26,63% so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân giảm là do nuôi trâu lấy thịt không có hiệu quả kinh tế, người dân cũng không sử dụng sức kéo nhiều mà thay thế bằng các máy móc hiện đại hơn. Ước số con xuất chuồng trong tháng 3/2021 là 272 con; Sản lượng thịt trâu xuất chuồng ước đạt 68 tấn. Ước quý I năm 2021 sản lượng thịt trâu xuất chuồng là 585 tấn, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước;

Đàn bò hiện có 245.600 con, giảm 7,83% so với cùng kỳ năm trước, là do sau dịp tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021, một lượng lớn thực phẩm được tiêu thụ vì thế hiện nay bà con đang trong giai đoạn tái đàn. Tuy nhiên, do các đồng cỏ tự nhiên hiện nay ngày càng hạn hẹp, nguồn thức ăn không đủ nên quá trình tái đàn gặp nhiều khó khăn. Ước số con xuất chuồng trong tháng 3/2021 là 11.354 con, tăng 4,55%; Sản lượng thịt bò xuất chuồng là 2.514 tấn, tăng 3,93%. Ước quý I năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 5.100 tấn, tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước là do hiện nay giá thịt lợn vẫn còn cao người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ nhiều các thực phẩm khác ngoài thịt lợn nên sản lượng thịt bò vẫn tăng nhiều sau dịp tết;

  Đàn lợn hiện có 907.990 con, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,02%. Ước số con xuất chuồng trong tháng 3/2021 là 131.884 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 12.529 tấn. Ước quý I năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 37.506 tấn, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đàn lợn tăng do các hộ chăn nuôi quy mô lớn tăng bên cạnh đó công tác phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi rất chú trọng tuân thủ theo đúng quy định về phòng dịch mặc dù có xảy ra rải rác các ổ dịch tả lợn Châu Phi nhưng đã được kiểm soát chặt chẽ không lây lan trên diện rộng, vẫn đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ thịt lợn trong tỉnh và các vùng lân cận;

 Đàn gia cầm hiện có 12.661 nghìn con gia cầm, so với cùng kỳ năm trước tăng 16,40%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng 3/2021 là 2.193,8 tấn. Ước quý I năm 2021, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng là 12.343,8 tấn, tăng 5,28%. Ước sản lượng trứng gia cầm trong tháng là 21.301,6 nghìn quả, quý I năm 2021 là 76.621,6 nghìn quả, tăng 4,25%.

Trong quý I năm 2021, Chi cục thú y các cấp đã kiểm dịch xuất tỉnh được 708.164  con gia súc, gia cầm. Trong đó, trâu 257 con, bò 376 con, heo 63.346 con, gà 555.411 con, vịt và ngan 88.524 con... Kiểm dịch nhập tỉnh 2.480.495 con gia súc, gia cầm. Trong đó, trâu 0 con, bò 321 con, heo 59.581 con, gà 2.278.433 con, vịt và ngan 142.090 con…

- Lâm nghiệp: Sản lượng gỗ khai thác ước quý I năm 2021, toàn tỉnh đã khai thác được 94.202 m3, tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng gỗ khai thác từ các công ty Lâm nghiệp và Ban quản lý rừng được là 49.250 m3, khai thác gỗ trong nhân dân là 44.952 m3. Sản lượng củi khai thác ước tính quý I năm 2021 là 165.500 ste, tăng 16,59% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang bước vào mùa khô, dự báo sản lượng củi khai thác sẽ tăng do người dân tập trung thu nhặt, chặt bỏ những cành củi khô để hạn chế nguy cơ cháy rừng.

- Thủy sản: Nuôi trồng thủy sản được người dân tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, một số cơ sở đã thực hiện nuôi trồng các loài thủy sản đặc sản, giá trị kinh tế cao. Tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2021 tương đối thuận lợi, mực nước trên các ao hồ, sông suối có giảm nhưng không đáng kể nên phần nào đã tạo lợi cho nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước tháng 3 năm 2021 là 1.697,39 tấn, ước sản lượng thủy sản quý I năm 2021 là 4.406 tấn, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước là 3.888 tấn, tăng 4,90%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 519 tấn, tăng 5,66%. Sản xuất giống thủy sản ước 70,5 triệu con, tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các lồng bè nuôi cá trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hoạch xong, các hộ dân đang tập trung cải tạo và vệ sinh lồng bè nhằm phục vụ cho việc nuôi thả cá vụ mới của năm 2021.

11. Sản xuất công nghiệp

Quý I năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Đắk Lắk tăng 28,52% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 24,60% so cùng kỳ, trong đó: Sản phẩm đá xây dựng đạt 505,7 ngàn m3, tăng 28,15%; Chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo, giảm 5,74% so cùng kỳ, một số ngành sản phẩm tác động tiêu cực đến việc giảm chỉ số của ngành công nghiệp chế biến chế tạo như: Sản xuất chế biến thực phẩm, giảm 16,09%; sản xuất trang phục, giảm 15,21%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, giảm 51,79%. Sản phẩm quần áo, giảm 62,82%, giày dép giảm 42,23%. Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa, giảm 37,79%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastíc giảm 56,24%...Ở chiều ngược lại, một số ngành tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng đó là sản xuất đồ uống, tăng 27,63%, sản phẩm bia đóng chai đạt 18.676 lít, tăng 29,27%; In, sao chép bản ghi các loại, tăng 71,59%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, tăng 115,10%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế, tăng 48,95%, sản phẩm bàn gỗ các loại, tăng 34,16%...Điểm sáng nhất trong việc góp phần làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2021 đó là chỉ số ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 117,50% so cùng kỳ là do sản lượng điện tăng mạnh, đặc biệt là điện gió và điện năng lượng mặt trời. Sản lượng điện sản xuất đạt 638 triệu kwh, tăng 50,32%; điện thương phẩm đạt 476 triệu kwh, tăng 0,50%. Là do nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp tiếp tục duy trì được công suất hoạt động và ngành điện hoạt động theo sự điều tiết của tập đoàn điện lực Việt Nam EVN. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,64% so cùng kỳ, sản lượng nước ghi thu đạt 8.625 ngàn m3, giảm 7,62% so cùng kỳ; dịch vụ thu gom xử lý rác thải đạt 15,7 tỷ đồng, tăng 12,44% so cùng kỳ.

Nhìn chung chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn ngành quý I năm 2021 ảnh hưởng bởi một số yếu tố sản xuất sau: Ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục duy trì được sự thuận lợi, sản xuất ổn định hơn, do có cơ chế, chính sách và các giải pháp trong việc khai thác tài nguyên cũng như việc thực hiện hiệu quả một số chính sách nhằm bảo vệ môi trường; ngành công nghiệp chế biến giảm do một số nhà máy sản xuất đường chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu, sản phẩm đường RS, giảm 31,94%; cà phê bột các loại, giảm 18,90% do tác động của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó các sản phẩm quần áo, phân bón, các sản phẩm từ hóa chất... đều giảm do dịch bệnh Covid-19 làm cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đều bị thiếu hụt, các công ty sản xuất các sản phẩm này đã bị ngưng trệ hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, số lượng công nhân bị thất nghiệp tăng cao... Ngành sản xuất phân phối điện, nước: Điện sản xuất và điện thương phẩm tăng do sản xuất theo kế hoạch điều độ của Tổng công ty EVN. Điện gió và điện mặt trời tăng mạnh do nhà máy điện gió Ea’Hleo và điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp tăng công suất hoạt động.

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021, tăng 15,41% so với tháng trước, giảm 14,38% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2021, chỉ số này giảm 6,14% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu ở một số ngành như: Sản xuất chế biến thực phẩm, giảm 29,16%; sản xuất trang phục, giảm 71,28%; Chế biến gỗ và các sản phẩm từ tre nứa, giảm 54,11%... Qua mức giảm trên cho thấy, các đơn vị sản xuất công nghiệp của các ngành nói trên đã gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế ngay lúc này các doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, đã chú trọng đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm..., nhằm tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao mức tiêu thụ của sản phẩm. Bên cạnh những ngành có chỉ số tiêu thụ giảm, thì một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: sản xuất đồ uống, tăng 22,77%; sản xuất giường tủ bàn ghế, tăng 41,95%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tăng 13,51%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 22,58%...; phần nào đã tác động tích cực đến chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong kỳ.

*Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 3/2021, tăng 48,41% so với tháng trước, tăng 18,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất đồ uống, tăng 53,29% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất, tăng 15,24%; sản xuất kim loại, tăng 80,31%..., đã tác động tiêu cực đến chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ở chiều ngược lại thì ngành sản xuất chế biến thực phẩm, giảm 3,86% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, giảm 83,09%; sản xuất giường tủ bàn ghế, giảm 53,12%;... đã phần nào cải thiện đến chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

*Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2021, tăng 0,66% so tháng trước và tăng 3,92% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2020, chỉ số sử dụng lao động tăng 1,38%. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước, giảm 1,02%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tăng 3,49%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng, tăng 17,11% so với thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến chế tạo, giảm 1,10%; công nghiệp sản xuất phân phối điện, tăng 8,76%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, tăng 0,42% so cùng kỳ năm trước.

12. Tình hình phát triển doanh nghiệp, HTX và sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước

- Về phát triển doanh nghiệp (DN): Trong quý I năm 2021, đã giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới cho 268 DN dân doanh, bằng 19,85% KH, giảm 10,67% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký là 6.939 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý giảm, tuy nhiên tổng vốn điều lệ đăng ký tăng cao so với cùng kỳ (Quý 1/2020, có 301 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 1.885 tỷ đồng), nguyên nhân do trong kỳ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đăng ký hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Lũy kế đến 31/3/2021, toàn tỉnh ước có 10.452 DN (gồm 9.594 DN và 858 chi nhánh DN ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn).

- Hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh: Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh giai đoạn 2021-2025. Hiện  tỉnh đang tổ chức xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh theo mô hình xã hội hóa (dự kiến hoàn thành trong năm 2021).

- Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Trong quý I năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết toán phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk tại thời điểm chính thức chuyển thành Công ty cổ phần; tổ chức đánh giá tình hình góp vốn của các thành viên tại Công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những vướng mắc trong quá trình sắp xếp các DNNN còn lại.

- Tình hình kinh tế tập thể: Công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm. Trong Quý I/2021, ước có 15 HTX thành lập mới, giải thể 17 HTX. Lũy kế đến 31/3/2021, toàn tỉnh có 583 HTX (bao gồm 4 Liên hiệp HTX) đăng ký, trong đó có 457 HTX hoạt động, 126 HTX ngừng hoạt động, tồn tại hình thức đang thực hiện thủ tục giải thể.

13. Thương mại, dịch vụ giá cả

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I năm 2021 thì Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 22.048,3 tỷ đồng, tăng 6,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 19.104,3 tỷ đồng, tăng 5,05%. Xét theo doanh thu của các mặt hàng bán lẻ một số mặt hàng có mức tăng trưởng thì cao nhất là lương thực, thực phẩm, tăng 14,93%; tiếp theo là nhiên liệu khác, tăng 14,26%; vật phẩm văn hóa giáo dục, tăng 12,76%...Một số mặt hàng giảm hoặc thấp hơn mức tăng chung như: gỗ và vật liệu xây dựng, tăng 2,50%; hàng hóa khác, tăng 4,39%; phương tiện đi lại, giảm 1,33%; xăng dầu các loại, giảm 11,87% do tác động của dịch Covid-19. Các mặt hàng giảm này đã tác động đến tổng mức bán lẻ trong kỳ;

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước tính đạt 1.902,9 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 169,2 tỷ đồng, tăng 3,01%; dịch vụ ăn uống đạt 1.718,1 tỷ đồng, tăng 14,82%; dịch vụ lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 15,6 tỷ đồng, tăng 0,15% so cùng kỳ năm trước;

Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 12,20% so với cùng kỳ năm 2021. Phân theo nhóm, ngành hàng thì dịch vụ kinh doanh bất động sản đạt 102,4 tỷ đồng, tăng 2,23%; dịch vụ hành chính đạt 58,0 tỷ đồng, tăng 7,50%; dịch vụ giáo dục và đào tạo đạt 77,1 tỷ đồng, tăng 12,79%; dịch vụ y tế đạt 277,0 tỷ đồng, tăng14,42%; dịch vụ vui chơi giải trí đạt 226,3 tỷ đồng, tăng 12,40%  so cùng kỳ năm trước…

Kim ngạch xuất khẩu: Ước quý I năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 95 triệu USD, bằng 14,62% KH, giảm 20,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ít có đơn hàng mới và bị giãn tiến độ giao hàng, sức tiêu thụ chậm.

Kim ngạch nhập khẩu: Ước quý I năm 2021, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 13 triệu USD, bằng 14,44% KH, tăng 30,0% so với cùng kỳ; nhập khẩu tăng cao do các dự án công nghiệp nhập khẩu máy móc, trang thiết bị để thực hiện dự án và nguyên liệu, phân bón phục vụ sản xuất.

- Giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng năm 2021, tăng 1,38%. Có 10/11 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giao thông, tăng 4,78%; tiếp đó là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, tăng 1,81%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, tăng 1,76%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, tăng 1,70%. Nhóm nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng, tăng 1,43%. Nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 1,11%. Tiếp đến nữa là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,99%, cụ thể lương thực tăng 1,64%; thực phẩm tăng 0,62%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,84%. Nhóm hàng này tăng là do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thịt lợn hơi mặc dù có giảm nhẹ song vẫn ở mức cao, xuất nhập khẩu bị hạn chế dẫn tới một số mặt hàng nhập khẩu Trung quốc tăng cao. Tiếp đến là may mặc, giày dép và mũ nón, tăng 0,24%. Thuốc và dịch vụ y tế, tăng 0,50%, do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình. Giáo dục, tăng 0,11%. Ở chiều ngược lại 01/11nhóm hàng giảm giá đó là nhóm bưu chính viễn thông, giảm 0,34% đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng chung cho cả tỉnh.

Giá vàng 3 tháng, tăng 1,07%; giá Đôla Mỹ giảm 0,41%.

14. Giao thông vận tải

Quý I năm 2021, doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát đạt 658,2 tỷ đồng, tăng 1,15% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 324,8 tỷ đồng, giảm 1,71%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 253,7 tỷ đồng, tăng 4,22% so cùng kỳ năm trước; dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 32,4 tỷ đồng, tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Bưu chính chuyển phát đạt 47,2 tỷ đồng, tăng 0,10% so cùng kỳ.

Vận chuyển và luân chuyển hành khách trong quý I năm 2021, ước đạt 7.114 ngàn lượt hành khách và 746 triệu lượt hành khách.km, so với cùng kỳ năm trước giảm 4,05% về khối lượng vận chuyển và giảm 0,45% về khối lượng luân chuyển. Tương tự, vận chuyển và luân chuyển hàng hóa ước đạt 2.078 ngàn tấn và 318 triệu tấn.km, so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,98% về khối lượng vận chuyển và tăng 4,55% về khối lượng luân chuyển.

 

15. Đời sống dân cư

Trong quý I năm 2021 tình hình đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tương đối ổn định, không có biến động lớn. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành, đã có nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, chú trọng đến nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức tốt việc đi thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ hưu trí, thương bệnh binh, thân nhân Liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thuộc diện chính sách, cán bộ và chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang, các đơn vị phải trực làm nhiệm vụ trong thời gian Tết, vùng biên giới, vùng khó khăn, đói nghèo, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ… nên đã  góp phần vào duy trì phát triển kinh tế. Về cơ bản, thu nhập của đại bộ phận cư dân tiếp tục được cải thiện, góp phần quan trọng giữ vững ổn định xã hội.

 Các chính sách giảm nghèo đã được triến khai đồng bộ và kịp thời, phạm vi và đối tượng chính sách ngày càng được mở rộng đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn và phấn đấu thoát nghèo bền vững, đón Tết Nguyên đán đầy đủ. Về hỗ trợ lương thực: Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức chi trả tiền trợ cấp xã hội cho 52.207 đối tượng với kinh phí hơn 39 tỷ đồng. Giải quyết hỗ trợ hơn 883 tấn gạo cho 17.319 hộ, 59.126 khẩu. Trợ giúp cho 60.431 đối tượng và hộ gia đình với tổng kinh phí thực hiện hơn 20,5 tỷ đồng.

16. Tình hình lao động và giải quyết việc làm

Tính đến hết quý I năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi toàn tỉnh ước khoảng 1.118.576 người từ 15 tuổi trở lên, giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước. Nữ giới có việc làm chiếm tỷ trọng 47,21%, thấp hơn nam giới. Ước số người 15 tuổi trở lên có việc làm là 1.096.006 người, giảm 0,21%. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 243.164 người, giảm 0,48%; ở khu vực nông thôn là 852.842 người, giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 ước khoảng 22.570 người, tăng 0,87% so với quý IV/2020 và giảm 2,32 so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước quý I năm 2021 là 2,02%, tăng 0,02 điểm phần trăm so với quý IV/2020 và tăng 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 4,12%, khu vực nông thôn là 1,4%; tỷ lệ thất nghiệp nam là 1,26%, nữ là 2,85%. Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn luôn cao hơn thành thị (chênh lệch 2,72 điểm phần trăm) do tính chất công việc khu vực này chủ yếu làm nông nghiệp mang yếu tố thời vụ, phụ thuộc vào thời tiết, thiếu đất canh tác...

Trong quý I năm 2021, thị trường lao động được duy trì ổn định, thông tin thị trường lao động được phổ biến rộng rãi, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động tư vấn hỗ trợ việc làm có giảm.

17. An sinh xã hội

- Công tác xóa đói, giảm nghèo

Trong 3 tháng đầu năm 2021 các chính sách giảm nghèo đã được triến khai đồng bộ và kịp thời, phạm vi và đối tượng chính sách ngày càng được mở rộng đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn và phấn đấu thoát nghèo bền vững, đón Tết Nguyên đán đầy đủ.

Về tặng quà: Toàn tỉnh trợ giúp cho 134.151 đối tượng và hộ gia đình (trong đó 80.822 hộ nghèo; 22.746 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 1.142 hội viên hội người mù tỉnh; 2.802 nạn nhân chất độc da cam; 25.881 người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn; 758 đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội) với tổng kinh phí thực hiện 46.489,2 triệu đồng (trong đó ngân sách tỉnh: 6.677,1 triệu đồng; ngân sách cấp huyện: 2.221,6 triệu đồng; nguồn vận động 37.590,5 triệu đồng).

- Công tác bảo trợ xã hội

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 446 đối tượng, trong đó có 400 đối tượng thuộc diện Nhà nước nuôi dưỡng và 45 người thuộc diện tự nguyện. Trong quý tiếp nhận 22 đối tượng, giảm 30 đối tượng.

Kết quả tặng quà của Chủ tịch nước: Tổng số đối tượng được tặng quà: 14.236 người; với tổng kinh phí thực hiện: 4.318,8 triệu đồng. Kết quả thăm, tặng quà của tỉnh: Tổng số đối tượng được tặng quà (cả tập thể và cá nhân): 18.420 người và 400 đơn vị, với tổng kinh phí thực hiện: 8.884,6 triệu đồng. Kết quả tặng quà của các địa phương: Tổng số đối tượng được tặng quà: 12.714 người; với tổng kinh phí: 2.598,1 triệu đồng.

18. Giáo dục- Đào tạo

Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; duy trì ổn định quy mô và chất lượng các cấp học; tập trung thực hiện các Chỉ thị, Quyết định của Bộ, của Tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2020-2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khi dịch bùng phát trở lại tại một số địa phương, UBND tỉnh đã quyết định cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nghỉ Tết sớm để phòng dịch; triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phòng dịch bệnh covid-19; vệ sinh khử trùng toàn bộ các khu vực trường, lớp học trên địa bàn theo quy định và cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/02/2021. Tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021 đạt 41 giải, tăng 02 giải so với năm học 2019-2020; tổ chức Hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022; tổ chức thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi Khoa học kỹ thuật - Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học tỉnh Đắk Lắk năm học 2020-2021; thi Olympic truyền thống 10/3 lần thứ V - năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

19. Y tế và hoạt động khám chữa bệnh

Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được các cấp, các ngành ngày càng quan tâm, mạng lưới cán bộ y tế từ tỉnh đến thôn bản tương đối đủ về số lượng, tuy nhiên chất lượng khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, tuyến xã còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng khám chữa bệnh ban đầu.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan duy trì thực hiện tốt; ước trong quý I năm 2021, đã khám cho 145.597 lượt người, điều trị nội trú 15.270 lượt người; ghi nhận 102 ca mắc sốt xuất huyết, 152 ca bệnh Tay chân miệng. Các hoạt động y tế dự phòng được ngành y tế xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, đảm bảo yêu cầu đề ra. Tiếp tục thực hiện các hoạt động về tư vấn, hướng dẫn các hành vi an toàn phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS nhằm hạn chế sự lây nhiễm từ các nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.

Về tình hình dịch bệnh Covid-19: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là sau khi phát sinh các ổ dịch mới tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và một số địa phương; tỉnh đã kịp thời chỉ đạo ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai tái khởi động hệ thống phòng chống dịch COVID-19; hướng dẫn người dân thực hiện các nội dung phòng chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế", cài đặt phần mềm Bluezone; tiến hành giám sát, điều tra yếu tố dịch tễ, lấy thông tin, khai báo và thực hiện cách ly y tế đối với người dân trở về hoặc đi qua vùng dịch theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Trong quý, trên địa bàn tỉnh đã triển khai cách ly tại cơ sở y tế 25 đối tượng; cách ly tập trung 56 đối tượng; cách ly tại nhà và nơi cư trú 8.118 đối tượng (hiện nay các đối tượng đã hết cách ly).

20. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và du lịch

Về văn hóa: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm thực hiện; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021); thực hiện tốt công tác thông tin cổ động, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ nhân dịp Tết Nguyên đán Xuân Tân Sửu 2021; Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2021... Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng người dân từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương đón tết tăng cao, nên tỉnh phải tạm dừng tổ chức Chương trình nghệ thuật, bắn pháo hóa đêm Giao thừa và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí tập trung đông người trên địa bàn.

Về thể thao: Phong trào thể dục, thể thao quần chúng và thể dục thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm phát triển, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong quý, tỉnh đã xây dựng Chương trình vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Đắk Lắk năm 2021 và giải việt dã tỉnh lần thứ 38 năm 2021; Kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Đắk Lắk lần thứ IX 2021-2022; tổ chức giải chạy Marathon tại tỉnh Đắk Lắk. Chuyển giao, tuyển chọn và huấn luyện vận động viên năng khiếu theo quy định; cử các đội tuyển tập huấn và tham gia các giải thể thao toàn quốc.

 Du lịch: Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Hải Dương, Hà Nội và tỉnh Gia Lai giáp ranh tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản đề nghị các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại các khu, điểm du lịch tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; đồng thời tiến hành tổ chức kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch và công tác chuẩn bị phục vụ Tết tại các đơn vị kinh doanh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nên nhìn chung ngành du lịch tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng.

21. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

-Tình hình cháy, nổ

Trong quý I năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã  xảy ra 09 vụ cháy, giảm 10,0% so với cùng kỳ năm trước, giá trị thiệt hại ước tính 857 triệu đồng, giảm 59,92% so với cùng kỳ năm trước.

- Vi phạm môi trường: Quý I năm 2021, số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện và xử lý là 02 vụ,số tiền xử phạt là 65 triệu đồng.

22. Tình hình an ninh, trật tự và an toàn giao thông

- Tình hình an ninh trật tự: Thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các địa bàn; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần kiềm giảm tai nạn giao thông. Do đó, tình hình an ninh trật tư trên các lĩnh vực cơ bản được đảm bảo, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, ma túy được trấn áp và kiềm giảm. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông lại tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I năm 2021, điều tra làm rõ 160/169 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 94,6%, riêng án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 100%; bắt xử lý 212 đối tượng. Đấu tranh triệt xóa 06 nhóm - 21 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

- An toàn giao thông: Quý I năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 78 vụ Tai nạn giao thông, làm chết 58 người và bị thương 63 người (So với cùng kỳ năm trước, tăng 21,88% số vụ; tăng 7,41% số người chết; tăng 103,23% số người bị thương). Tổng thiệt hại về tài sản: Ô tô 30 chiếc, mô tô và xe máy 89 chiếc, ước giá trị thiệt hại 518 triệu đồng./.


 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác