Thứ hai, 00/00/2023
°

Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng năm 2022

Ngày 28/07/2022 - 08:24:00 | 1316 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Tính đến 20/7/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính lũy kế đến ngày 20/7/2022, cả nước có 35.367 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 429,04 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 263,17 tỷ USD, bằng 61,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Thông tin chi tiết như sau:

1. Tình hình thu hút ĐTNN 7 tháng đầu năm 2022

1.1. Tình hình hoạt động

Vốn thực hiện:

Tính tới 20/7/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 7 tháng đầu năm 2022 với mức tăng cao hơn 6 tháng. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt trên 160,36 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 158,9 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt gần 140,73 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ và chiếm 64,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 19,64 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 18,17 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 19,4 tỷ USD.

1.2. Tình hình đăng ký đầu tư

Tính đến 20/07/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt trên 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể:

Vốn đăng ký mới: Có 927 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ).

Vốn điều chỉnh: Có 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD (tăng 59,3% so với cùng kỳ).

Góp vốn, mua cổ phần: Có 2.072 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 13,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,58 tỷ USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ).

Theo ngành:

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 526,2 triệu USD và gn 465 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,5%, 26,6% và 15,7% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư:

Đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỷ US, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Với dự án Lego tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 7 tháng năm 2022 (chiếm 22,7% số dự án mới, 37% số lượt điều chỉnh và 35,8% số lượt GVMCP).

Theo địa bàn đầu tư:

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăg ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn và tăng gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt là Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội,…

Nếu xét về số dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (40,2%), số lượt GVMCP (67,8%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,7% sau Hà Nội là 17,8%).

2. Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2022.

- Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 1,3 điểm phần trăm so với 6 tháng. Các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Điều chỉnh vốn của nhà ĐTNN riêng trong tháng 7 giảm nhẹ 1% so với tháng 7/2021 song vẫn tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ trong cả 7 tháng đầu năm 2022. Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tuy chậm lại so với các tháng đầu năm song quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm. Vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao, một mặt cho thấy các nhà ĐTNN vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới.

- Vốn đầu tư đăng ký mới trong 7 tháng tuy tiếp tục giảm song mức độ giảm đã được cải thiện dần so với các tháng đầu năm. Tính riêng từng tháng, nếu như các tháng từ tháng 1 đến tháng 4 vốn đăng ký mới giảm mạnh thì từ tháng 5 đến nay, nguồn vốn này đã tăng dần (lần lượt các tháng 5, 6, 7 là 12,8%, 14,6% và 34,6%) so với cùng kỳ. Dù vậy, nguyên nhân tăng một phần do vốn đăng ký mới của các tháng cùng kỳ năm 2021 bị giảm mạnh bởi ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát dịch khi biến thể Delta bùng phát lần thứ tư và lây lan nhanh tại Việt Nam. Xét về giá trị, nguồn vốn này cũng đang có xu hướng tăng dần theo từng tháng trong năm 2022 nhưng mức tăng chưa cao và chưa được như kỳ vọng.

- Xuất khẩu của khu vực ĐTNN trong 7 tháng năm 2022 vẫn tăng và đạt mức tăng cao hơn so với 6 tháng. Với mức tăng được cải thiện, khu vực ĐTNN đã bù đắp được phần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 0,24 tỷ USD trong 7 tháng thay vì nhập siêu 0,6 tỷ USD trong 6 tháng.

3. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới 20/7/2022

Tính lũy kế đến ngày 20/7/2022, cả nước có 35.367 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 429,04 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 263,17 tỷ USD, bằng 61,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

- Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 254,4 tỷ USD (chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 65,4 tỷ USD (chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 36,5 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).

- Theo đối tác đầu tư: Hiện có 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 79,9 tỷ USD (chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 68,9 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,...

- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với trên 55,4 tỷ USD (chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với trên 39,6 tỷ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với trên 37,9 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư)./.

 


FDI_07.2022.xlsx Tải về

Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác