Thứ hai, 00/00/2023
°

Phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa khu vực KTTT, HTX, đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới

Ngày 15/02/2022 - 14:42:00 | 5053 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo và các ý kiến phát biểu, đánh giá về kết quả thực hiện, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong thực tế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

KTTT mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển

Hội nghị được tổ chức ngay đầu năm mới thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). KTTT mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển. HTX nước ta được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử; các HTX vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn, quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các ý kiến đánh giá Nghị quyết 13 đã được các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, từ việc học tập, quán triệt và thể chế hóa, đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra. 100% các tỉnh, thành phố ban hành đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và kế hoạch phát triển KTTT theo từng giai đoạn. Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về HTX kiểu mới được nâng lên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng ta đã cơ bản xây dựng, ban hành hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX theo yêu cầu của Nghị quyết và tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn phát triển.

Khu vực KTTT, HTX đã bước đầu có chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và nhất là ngày càng khẳng định được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành; công tác vận động, hướng dẫn thành lập các HTX mới cũng có kết quả tốt. Trong 20 năm qua, cả nước đã có gần 38 nghìn HTX mới được thành lập. Đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mô hình hoạt động có hiệu quả nhất hiện nay là hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân, với 1.181 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh, thành phố, hơn 1,8 triệu thành viên.

KTTT, HTX đóng góp vào GDP chưa ngang tầm

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập. Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về KTTT, nhất là HTX kiểu mới được nâng lên những vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX và kinh tế hợp tác. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều bất cập; thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương, còn nhiều đầu mối các cơ quan có chức năng về quản lý kinh tế hợp tác. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực KTTT, HTX chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX kiểu cũ.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của KTTT, HTX. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của HTX. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT, HTX nhiều nhưng dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực thực hiện, chưa tạo xung lực phát triển mạnh mẽ.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật chưa thường xuyên. Việc đánh giá về hiệu quả và đóng góp của KTTT trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ; còn thiếu sót trong tính toán về đóng góp của các tổ chức kinh tế hợp tác đã dẫn đến việc hạ thấp vai trò, vị trí của thành phần KTTT trong nền kinh tế của nước ta. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương coi trọng công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về lĩnh vực này; đánh giá, phân tích dựa trên số liệu thống kê; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm HTX.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với các bài học kinh nghiệm được nêu, đề nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cập nhật, làm rõ hơn, nhất là các bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế các mô hình, đơn vị thành công về công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện; về chính sách và sử dụng hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ... Đồng thời nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất và quyết định là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu.

Ảnh: MPI

Dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của KTTT, HTX còn rất lớn

Sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, vị thế đất nước được nâng lên. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với khu vực KTTT, HTX.

Cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của KTTT, HTX còn rất lớn, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Đội ngũ lao động đông đảo, có kinh nghiệm, cùng với hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới sẽ là nền tảng thúc đẩy áp dụng công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần xác định những khó khăn, thách thức là nhiều hơn trong thời gian tới.

Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực.

Trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung sau: Một là, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam. Hai là, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng tôn trọng kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Bốn là, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư. Năm là, xây dựng mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Sáu là, tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm. Bảy là, tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường. Tám là, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia KTTT, HTX.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, phát triển HTX trong nông nghiệp là rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, tiếp tục thành lập và phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính.

Về định hướng sửa đổi Luật HTX, mục tiêu là xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn nhằm tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc sửa đổi phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phù hợp với lợi ích các chủ thể tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực…; cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất HTX; quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, như tổ HTX, liên đoàn HTX; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng HTX, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và thích ứng biến đổi khí hậu. Hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX theo hướng tăng cường hậu kiểm, xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các HTX. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo thống nhất.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện các báo cáo, dự thảo trình cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng 3 cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 13. Ảnh: MPI

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác