Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Đồng Nai

Ngày 31/12/2022 - 09:55:00 | 7125 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Bước vào năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, quốc hội và Chính phủ về thực hiện các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt Nghị quyết 01/NP-CP của Chính phủ và Nghị quyết 11/NP-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH v.v. Đáng chú ý là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và xuất khẩu từng bước ổn định trở lại và tăng trưởng khá; trong đó sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh, hầu hết doanh nghiệp lao động trở lại làm việc đạt 100% ngay từ quý I/2022, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định v.v... Tuy nhiên năm 2022 gặp khó khăn đáng kể đó là: Chiến sự Nga-Ukraine xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, do chí phí đầu vào tăng cao, giá nhiên liệu xăng dầu, giá hàng hóa, nguyên vật liệu, giá thực phẩm thức ăn giá súc, gia cầm, chi phí vận chuyển tăng cao v.v…đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp; đơn hàng giảm mạnh nên một số doanh nghiệp thuộc các ngành dệt, may da giày, sản xuất đồ gỗ, điện tử.v.v thiếu đơn hàng sản xuất, đặc biệt từ quý III đến nay phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đã ảnh hưởng đến tình hình phục hồi và phát triển kinh tế. Các hoạt động văn hóa, xã hội và chính sách an sinh xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và đạt được kết quả quan trọng, đời sống dân cư được quan tâm, cải thiện đáng kể; Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đã kiểm soát tốt và cơ bản được khống chế, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 có đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực như sau:
 
I. Tình hình kinh tế
 
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
 
Dự ước năm 2022 tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 233.979,73 tỷ đồng, tăng 9,22% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%; Công nghiệp - xây dựng tăng 9,06%; Dịch vụ tăng 13,08% và Thuế sản phẩm tăng 6,26%. Mức tăng trưởng năm 2022 vượt mục tiêu đề ra (Mục tiêu 6,5-7%), cao hơn mức tăng của cả nước (Cả nước năm 2022 tăng....%), nếu so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, thì mức tăng của Đồng năm 2022 thấp hơn mức tăng trưởng của tỉnh Tây Ninh (+9,56%), nhưng cao hơn TP. Hồ Chí Minh (+9,03%), Bình Dương (+8,01%), Bà Rịa- Vũng Tàu (+7,15%) Bình Phước (+8,4%), trong khi đó về qui mô GRDP thì Đồng Nai đứng thứ 4/63 tỉnh, TP, sau TP. HCM, Hà Nội và Bình Dương. Mức tăng trưởng của Đồng Nai như trên đã góp phần vào tăng trưởng của cả nước.
 
Nguyên nhân tăng trưởng GDRP năm 2022 đạt cao là do năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tăng rất thấp, chỉ đạt 2,77%; bước sang năm 2022 tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh; ngay những tháng đầu năm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; thị trường xuất khẩu có thuận lợi, hợp đồng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng khá, thị trường trong nước phục hồi rõ nét, các hoạt động thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí, vận tải đã từng bước hoạt động bình thường trở lại. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt.v.v. nên một số ngành sản xuất kinh doanh giá trị tăng thêm (VA) tăng khá so cùng kỳ như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%, sản xuất điện tăng 8,26%; hoạt động xây dựng tăng 23,28%, bán buôn, bán lẻ tăng 8,36%, hoạt động vận tải tăng gần 32%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 29,96%...mức tăng trưởng GRDP chung của cả năm tăng 9,22% thì tốc độ tăng trưởng GRDP trong quý 3/2022 tăng 15,22% ỳ, trong đó: khu vực dịch vụ quý 3 tăng 32,73%, công nghiệp xây dựng tăng 13,08%. Sở dĩ quý 3/2022 tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao là do quý 3/2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kinh tế tăng trưởng âm, trong đó đặc biệt khu vực dịch vụ quý 3/2021 giảm mạnh nhất.
 
Với mức tăng 9,22% tổng sản phẩm trên địa bàn thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 0,40 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%, đóng góp 5,26 điểm phần trăm, trong đó công nghiệp tăng 7,99% và đóng góp 4,31 điểm phần trăm.
 
Khu vực dịch vụ tăng 13,08%, đóng góp 3,02 điểm phần trăm, nguyên nhân tăng khá là do các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí hoạt động bình thường trở lại, trong khi năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động dịch vụ hầu như tạm ngưng hoạt động thời gian dài, đây là năm đầu tiên khu vực dịch vụ tăng cao hơn khu vực công nghiệp. Thuế sản phẩm tăng 6,26%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm.
 
2. Sản xuất công nghiệp
 
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 có sự phục hồi và ổn định sản xuất ngay những tháng đầu năm. Thị trường xuất khẩu những tháng đầu năm thuận lợi, đơn hàng tăng tăng đáng kể, nguồn lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên từ quý III/2022 đến nay tình hình sản xuất đã chững lại do thị trường thế giới gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta, nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hầu hết gặp khó khăn, do lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng hàng hoá có nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu, thị trường xuất khẩu hàng hóa giảm sút mạnh, đặc biệt là thị trường Mỹ, châu Âu,một số ngành giày da, may mặc, dệt, sản xuất sản phẫm gỗ, điện tử... đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất, thiếu việc làm, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, nghỉ việc không lương… Nhưng với các giải pháp phù hợp, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn duy trì sản xuất, nên tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh những tháng cuối năm vẫn duy trì. Tuy nhiên khó khăn như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất công nghiệp.
 
- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 8,32% so cùng kỳ (năm 2021 tăng 3,95%), trong đó ngành khai khoáng tăng 5,48%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,46%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 6,71%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 4,74% so với cùng kỳ. Năm 2022 một số ngành công nghiệp chủ lực thuộc ngành công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 7,02%; sản xuất trang phục tăng 11,88%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,11%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,7%; sản xuất hóa chất tăng 10,22%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,14%, nguyên nhân tăng nhờ có sự phấn đấu nổ lực của các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, mặt khác sự  tích cực trong công tác quản lý, điều hành và chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên do khó khăn nên một số ngành sản xuất  chỉ số giảm  so cùng kỳ như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 0,82%, một số ngành tăng thấp như: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,4%; sản xuất kim loại tăng 0,82%; sản xuất sản phẩm kim loại tăng 1,67%.
 
3. Hoạt động xây dựng
 
Dự ước cả năm 2022 giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá hiện hành) đạt 70.980,8 tỷ đồng, tăng 20,67% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà nước đạt 161,5 tỷ đồng, giảm 39,18%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 52.414,4 tỷ đồng, tăng 19,46%; doanh nghiệp có vốn ĐTNN đạt 2.880,8 tỷ đồng, tăng 20,52%; Loại hình khác đạt 15.214,1 tỷ đồng, tăng 26,34%. Giá trị sản xuất xây dựng (theo giá so sánh 2010) đạt 43.757,9 tỷ đồng, tăng 12,13% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng do dịch bệnh được kiểm soát, cùng với việc phát triển sản xuất công nghiệp và đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư nước ngoài, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà ở dân cư trên địa bàn bàn tăng cao. Mặt khác tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng khu tái định cư sân bay Long Thành.
 
Năm 2022 ngoài việc tiếp tục thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm 2021 và một số công trình khởi công mới của năm 2022, tác động giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng so với cùng kỳ.
 
4. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản
 
Sản xuất nông nghiệp năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi cây trồng sinh trưởng và phát triển. Chăn nuôi phát triển ổn định, các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn tiếp tục tái đàn để phát triển sản xuất và phụ chụ cho thị trường xã hội. Công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi được các địa phương quan tâm và triển khai có hiệu quả; các địa phương đầy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phát triển. Tuy nhiên do giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu… tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cao, làm cho giá thành sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tăng; trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng nhẹ, lợi nhuận người sản xuất giảm, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp.
 
Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (Theo giá so sánh 2010) năm 2022 đạt 47.077,22 tỷ đồng, tăng 3,94% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 42.728,46 tỷ đồng, tăng 3,97% (trồng trọt tăng 1,79%; chăn nuôi tăng 5,42%; dịch vụ tăng 2,04%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 1.794,16 tỷ đồng, tăng 2,06%; Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 2.554,59 tỷ đồng, tăng 4,81% so cùng kỳ. Mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đạt khá cao so với mức tăng cùng kỳ, cụ thể các lĩnh vực như sau
 
a. Lĩnh vực trồng trọt
 
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2022 là 143.029,69 ha, giảm 1.754,21 ha (-1,21%) so với cùng kỳ, nguyên nhân diện tích gieo trồng giảm do một số diện tích quy hoạch các dự án xây dựng cơ bản, phát triển khu đô thị, cầu đường, trường học tại các huyện Long Thành, Tân Phú, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Thống Nhất.v.… ngoài ra còn chuyển đổi sang trồng các loại cây lâu năm và cây hàng năm khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, một số diện tích giảm còn do người dân vụ trước tận dụng trồng lúa trên những diện tích đã quy hoạch sang năm nay chủ đầu tư không cho gieo trồng tiếp.v.v..
 
Dự ước năng suất lúa đạt 59,29 tạ/ha (+1,47%); bắp 81,67 tạ/ha (+1,98%); khoai lang 181,81 tạ/ha (+18,15%); mía 708,34 tạ/ha (+0,22%); rau các loại 170,72 tạ/ha (-0,48%); đậu các loại 14,05 tạ/ha (+1,48%).
 
Dự ước sản lượng lúa đạt 311.413 tấn, (-1,04%); bắp: 287.621 tấn (+0,38%); mía 288.329 tấn (-10,85%); rau các loại: 301.626 tấn (-0,85%); đậu các loại: 4.986 tấn (+7,89%) so cùng kỳ.
 
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có 169.989,7 ha, tăng 0,22% so cùng kỳ. Trong đó: Diện tích cây ăn quả 76.649,56 ha, tăng 4,37% (+3.207 ha) và chiếm 45,09%; Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 93.340,17 ha, giảm 3% (-2.861 ha) chiếm 55% so với tổng diện tích cây lâu năm. Diện tích cây ăn quả trên địa bàn có mức tăng là do giá bán sản phẩm ổn định, nhiều diện tích được chuyển sang trồng chuối, bưởi da xanh, sầu riêng vì những cây trồng này luôn có thị trường tiêu thụ ổn định và đảm bảo được đầu ra sản phẩm.
 
Dự ước sản lượng thu hoạch một số loại cây trồng cả năm so cùng kỳ như sau: Xoài 112.877 tấn, tăng 0,03%; Chuối đạt 191.499 tấn, tăng 38,2%; Thanh long đạt 18.323 tấn, tăng 2,41%; Cam 12.723 tấn, giảm 3,77%; Bưởi 89.432 tấn, tăng 21,1%; Chôm chôm 154.161 tấn, tăng 0,86%; Điều đạt 41.579 tấn, tăng 0,03%; Hồ tiêu đạt 28.221 tấn, giảm 3,69%; Cà phê đạt 14.712 tấn, giảm 15,48% so cùng kỳ.
 
b. Hoạt động chăn nuôi
 
Năm 2022 ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại: các trang trại quy mô lớn, các doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển đàn heo, làm cho tổng đàn heo tăng so cùng kỳ, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, giá tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cơ bản thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi.
 
Tổng đàn gia súc hiện có là 2.091.092 con, tăng 5,13% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.909 con, tăng 0,05%; Bò đạt 87.908 con, tăng 1,03%; Đàn heo đạt 1.999.27 ngàn con (Không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 5,33% so cùng kỳ, nguyên nhân tăng là do giá heo hơi trong năm 2022 ổn định với thời gian khá dài, dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi phát triển, do đó các công ty có quy mô lớn đạt chuẩn về chuồng trại chủ động tái đàn, đảm bảo con giống, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường xã hội.
 
Tổng đàn gia cầm hiện có là 25.977,71 ngàn con, tăng 4,16% so cùng kỳ. Trong đó gà ước đạt 23.370,25 ngàn con, tăng 4,4% so cùng kỳ và chiếm 89,96% tổng đàn gia cầm. Có thể nói năm 2022 sản phẩm chăn nuôi tiêu thu trên thị trường xã hội ổn định, tác động đến doanh nghiệp lớn và các hệ thống các trang trại chăn nuôi chủ động tăng đàn.
 
- Sản lượng sản phẩm: Dự ước sản lượng sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng so cùng kỳ như sau: Sản lượng thịt trâu đạt 256,76 tấn, tăng 4,14%; thịt bò đạt 4.871,7 tấn, tăng 4,5%; thịt heo đạt 445.303 tấn, tăng 5,7%; thịt gia cầm đạt 194.146 tấn, tăng 6,05%, trong đó thịt gà 170.142,3 tấn, tăng 6,62%; Sản lượng trứng gia cầm đạt 1.082 triệu quả, tăng 5,36% so cùng kỳ
 
c. Hoạt động thủy sản:
 
Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022 thuận lợi, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, phương thức nuôi trồng từng bước được cải thiện. Dự ước sản lượng thủy sản năm 2022 đạt 74,25 ngàn tấn, tăng 5,35% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá đạt 65,07 tấn, tăng 5,27%; tôm đạt 7,96 ngàn tấn, tăng 6,48%, tăng khá là do thị trường tiêu thụ xã hội khá ổn định, tâm lý người tiêu dùng hiện nay sử dụng thực phẩm thủy sản khá phổ biến.
 
5. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
 
Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2022 từng bước phục hồi và khởi sắc sau Đại dịch Covid-19, tuy nhiên do ảnh hưởng tình hình chính trị bất ổn giữa Nga và Ukraina làm cho các mặt hàng xăng, dầu, gas trong nước nói chung và Đồng Nai nói riêng tăng cao, giá nguyên vật liệu đầu vào của hàng hóa tăng, tác động đến giá bán của hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng theo

a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa:

Ước năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 232.169 tỷ đồng, tăng 23,63% so cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt 180.070 tỷ đồng, tăng 17,06% so cùng kỳ, trong đó một số nhóm hàng hóa có mức tăng khá như: Hàng may mặc tăng 20%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,88%; Ô tô các loại tăng 14,81%; Xăng dầu tăng 48,29%; Nhiên liệu khác tăng 16,92%; Sửa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 16,95% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, nền kinh tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 năm 2022 đã có sự phục hồi đáng kể, hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá có biến động, nhưng vẫn ở mức ổn định, thị trường tương đối bình ổn. Tuy nhiên năm 2021 hoạt động thương mại tạm ngưng trong thời gian khá dài.

Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Dự ước năm 2022 đạt đạt 19.778 tỷ đồng, tăng 58,33% so cùng kỳ, nguyên nhân tăng là do dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ ăn uống, lữ hành tăng. Trong khi năm 2021 ngành này giảm sâu, do hạn chế hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.

Doanh thu dịch vụ khác: Dự ước năm 2022, doanh thu dịch vụ đạt 32.285 tỷ đồng, tăng 50,42% so với cùng kỳ,  nguyên nhân tăng là do sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế, nhu cầu sử dụng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tăng, cụ thể như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản, dịch vụ, hành chính và hỗ trợ, dịch vụ y tế và dịch vụ vui chơi giải trí.v.v.

b. Giá cả thị trường

Năm 2022 hầu hết giá tiêu dùng đều có biến động tăng bởi vì chịu sự tác động của giá xăng dầu và giá vật tư nguyên liệu đầu vào, nên tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2022 giảm 0,08% so tháng trước; so với  tháng 12 năm trước tăng tăng 4,31%; chỉ số giá bình quân năm 2022 tăng 3,3% so cùng kỳ; Có 2/11 nhóm hàng có chỉ số tăng cao hơn bình quân chung, đó là nhóm giáo dục (+5,46%) và văn hóa, giải trí và du lịch (+7,32%)

* Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ: Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lãi sau thời gian giá vàng tăng mạnh; - Chỉ số giá vàng tháng 12 năm 2022 giảm 1,33% so với tháng trước; so với tháng 12/2021 giảm 1,35%. Bình quân năm 2022 tăng 1,28% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 12 năm 2022 giảm 1,67% so tháng trước; so với tháng 12/2021 tăng 6,53%. Bình quân năm 2022 tăng 2,48% so cùng kỳ.

c. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Bước vào đầu năm 2022 tình hình xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, thị trường xuất khẩu trên thế giới phục hồi, hợp đồng xuất khẩu tăng cao; Tuy nhiên từ tháng 7/2022 xuất hiện khó khăn do tình hình dịch bệnh, chính sách “zero-Covid’’ tại Trung Quốc, cùng với Chiến sự giữa Nga và Ukraine, nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến; hợp đồng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất từ quý III đến nay, do đó ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu cả năm 2022.

- Kim ngạch xuất khẩuDự ước cả năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 24.594,5 triệu USD tăng 13,02% so với cùng kỳ (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra: mục tiêu tăng 8-10%). Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 558,7 triệu USD, tăng 8,39%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 5.768,5 triệu USD, tăng 34,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18.267,3 triệu USD, tăng 7,75% so cùng kỳ.  Các mặt hàng xuất khẩu năm 2022 tăng cao so cùng kỳ như: Cà phê tăng 34,34%; Hàng dệt may tăng 13,75%; Giày dép các loại tăng 41,46%; Máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 22,43%; Sản phẩm từ sắt thép tăng 23,23%.

Thị trường xuất khẩu trong năm 2022 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 7.626 triệu USD, chiếm 31,01%; Nhật Bản đạt 2.426 triệu USD, chiếm 9,86%; Trung Quốc đạt 2.059 triệu USD, chiếm 8,37%; Hàn Quốc đạt 1.352 triệu USD, chiếm 5,5%.v.v.

- Kim ngạch nhập khẩu: Dự ước năm 2022 đạt 18.928,7 triệu USD, tăng 1,15% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 253,6 triệu USD, giảm 4,05%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.731,7 triệu USD, tăng 10,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14.943,4 triệu USD, giảm 0,82% so cùng kỳ. Sở dĩ nhập khẩu tăng thấp so cùng kỳ là do chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu, đến này giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, kết hợp với lượng đơn hàng xuất khẩu ít, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất.

Cán cân thương mại năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt mức xuất siêu đạt 5.666 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 472 triệu USD.
 
d. Hoạt động giao thông vận tải.
 
Ngành vận tải tiếp tục gặp khó khăn khi giá xăng, dầu vẫn ở mức cao do đó chi phí đầu vào cao, làm cho giá cước vận chuyển tăng, nên doanh thu của ngành vận tải tăng cao so với cùng kỳ.
 
- Doanh thu hoạt  vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2022 đạt 23.064 tỷ đồng, tăng 42,89% so cùng kỳ,  trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 2.562 tỷ đồng, tăng 61,19%, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 12.615 tỷ đồng, tăng 34,75% so cùng kỳ.
 
Sản lượng vận chuyển hành khách năm 2022 đạt 59.810 nghìn HK, tăng 36,85%; Khối lượng luân chuyển năm 2022 đạt 3.200.617 nghìn HK.km, tăng 37,67% so cùng kỳ. Sản lượng vận chuyển hàng hóa năm 2022 đạt 60.614 nghìn tấn, tăng 26,5%; Khối lượng luân chuyển đạt 5.212.961 nghìn tấn.km, tăng 29,41% so cùng kỳ. Ngành vận tải năm 2022 nhập cuộc kịp thời vào việc phục hồi kinh tế, doanh thu và sản lượng tăng khá so cùng kỳ.
 
6. Đầu tư phát triển
 
Dự ước năm 2022 tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 105.787,9 tỷ đồng, tăng 9,71% so năm 2021, trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 11.159 tỷ đồng, tăng 12,99%, vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt 48.021 tỷ đồng, tăng 13,16%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 46.607,5 tỷ đồng, tăng 13,24%. Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư tăng là do trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện.v.v, các doanh doanh đầu tư mở rộng nhà xưởng và đầu tư sữa chữa, mua sắm tài sản cố định; đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh.
 
7. Thu hút đầu tư
 
Tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đến ngày 20/12/2022 đạt khoảng 1.141,47 triệu USD, bằng 93,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 1.219,9 triệu USD). Trong đó: Cấp mới 48 dự án với tổng vốn đăng ký 491,54 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 90,6% về số dự án và tăng 27,9% về vốn đăng ký. Có 92 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 649,93 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 84,4% số dự án và bằng 77,8% về vốn bổ sung. Như vậy cả số dự án và số vốn đăng ký đều giảm so cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của kinh tế thế giới sụt giảm, đã ảnh hưởng đến làn sóng đầu tư vào các nước.
 
Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 có 4.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 72,2% so cùng kỳ, với số vốn đăng ký là 30.854 tỷ đồng, bằng 66,6% so cùng kỳ. Có 901 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 36.745 tỷ đồng.
 
Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 có 518 doanh nghiệp giải thể (+58,6%) và có 690 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động (+63%); 1.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (+66,1%). Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh kém hiệu quả và thu hẹp lại mô hình sản xuất.
 
II. Một số tình hình xã hội
 
Năm 2022 dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đã kiểm soát tốt và cơ bản được khống chế, các hoạt động văn hóa, xã hội và chính sách an sinh xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và đạt được kết quả quan trọng, đời sống dân cư được quan tâm và cải thiện đáng kể.
 
- Ngành văn hóa tập trung công tác tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như; Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 82 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, 33 năm ngày Quốc phòng toàn dân. Thực hiện bộ maket trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan chương trình “Xuân Chiến sĩ” năm 2023.
 
- Hoạt động thể dục thể thao: năm 2022 các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn đạt thành tích khá ở một số môn: Giải quốc tế: Tham gia Giải vô địch Wushu trẻ thế giới tại Indonesia; tham gia Giải vô địch Thể hình và Physique thế giới lần thứ 13 tại Thái Lan; Giải vô địch Kickboxing châu Á năm 2022 tại Thái Lan; Giải quốc gia: Tham gia các môn trong chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc Lần thứ IX năm 2022 đạt được 29 huy chương các loại (12HCV, 04HCB, 13HCĐ), tạm đứng thứ 5 trên bảng tổng sắp huy chương Đại hội.
 
- Hoạt động Giáo dục:  Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 23.274 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 của 21 Trường THPT công lập trong toàn tỉnh. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay đảm bảo an ninh, an toàn, đánh giá công bằng, khách quan, toàn diện và chất lượng giáo dục THCS trên địa bàn.
 
Năm 2022, ngành Giáo dục - đào tạo chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, theo đó tổ chức hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn bảo chất lượng giáo dục trên địa bàn.
 
Hoạt động Y tế: Hoạt động y tế bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành y tế Đồng Nai đã quan tâm và thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt nhiều kết quả tích cực.
 
Tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tính đến hết ngày 30/10/2022: toàn tỉnh Mũi 1 và Mũi 2 xấp xỉ đạt 100%; Mũi 3: 59,33%; Mũi 4 (trên tổng số người khuyến cáo tiêm theo hướng dẫn cùa Bộ Y tế) là 72,14%. Trong đó các nhóm tuổi: Từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1, 2 đạt xấp xỉ 100%; Mũi 3 đạt 69,25%, Mũi 4 (trên số người cần phải tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế) đạt 72,14%; Từ 12 đến dưới 18 tuổi: Mũi 1,2 đạt xấp xỉ 100%; Mũi 3 đạt 45,68%; Từ 5 đến dưới 12 tuổi: Mũi 1 đạt 82,63%; Mũi 2 đạt 49,61%.
 
Giải quyết việc làm: Năm 2022 trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho 81.049 lượt người, đạt 101,3% kế hoạch năm, tăng 37,04% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Đào tạo nghề: Trong năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo 76.863 người, đạt 108,26% kế hoạch năm, tăng 29,07% so với năm 2021, Có 73.532 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, đạt 102,13% kế hoạch năm 2022, tăng 44,02% so với năm 2021.
 
Dân số: Ước tính dân số trung bình năm 2022 của tỉnh Đồng Nai là 3.255,81 ngàn người, tăng 2,74% so cùng kỳ, trong đó nam là: 1.622,21 ngàn người, tăng 0,83% và chiếm 49,82%; nữ là: 1.633,6 ngàn người, tăng 4,7% và chiếm 50,18%. Chia theo khu vực: thành thị 1.470,31 ngàn người, tăng 3,67% và chiếm 45,16% nông thôn: 1.785,5 ngàn người, tăng 1,98% và chiếm 54,84%.
 
Lao động: Năm 2022 dự ước toàn tỉnh có 1.806,97 ngàn người lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng 2,85% so cùng kỳ. Trong đó: Nam 954,91 ngàn người, tăng 0,73%; nữ 852,06 ngàn nười, tăng 5,33%. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2022 dự ước 1.768,56 ngàn người, tăng 2,85%, trong đó đang làm việc ngành công nghiệp - xây dựng là 1.012,5 ngàn người, tăng 2,95%; lao động ngành dịch vụ là 496,52 ngàn người, tăng 3,05% so cùng kỳ. Đây là 2 ngành có nhu cầu sử dụng nhiều lao động và có mức thu nhập từ tiền lương, tiền công cao hơn lao động khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản.
 
Tình hình lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn những tháng cuối năm do thiếu hụt cục bộ việc làm là 15.514 người, số lao động nghỉ giản việc 6 tháng cuối năm là 197.677 người và số lao động thôi, mất việc 6 tháng cuối năm là 22.632 người./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác